21/05/2024 - 09:25

Điều trị bệnh chân voi tại Cần Thơ 

(CTO) - Theo các chuyên gia y tế, một bệnh lý nguy hiểm khác liên quan đến việc bị muỗi đốt nhưng ít có triệu chứng lâm sàng đó là bệnh giun chỉ.

Chân to như chân voi do mắc bệnh giun chỉ. Ảnh: BV 

Giun chỉ là một loại ký sinh trùng xuất hiện ở các quốc gia có khí hậu nóng ẩm, trong đó có Việt Nam. Loại ký sinh trùng này lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua vết muỗi đốt và phát triển thành giun. Khi giun trưởng thành trong hệ mạch bạch huyết của người bệnh, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, gây ra nhiễm trùng.

Việc chẩn đoán bệnh giun chỉ thường rất khó khăn, vì ở giai đoạn đầu bệnh không có các triệu chứng nhận biết. Quá trình phát triển, bệnh gây ra nhiều tổn thương khiến cho hệ thống mô bị sưng phồng. Hai vị trí thường gặp của phù voi là chân và bìu của nam giới.

Thời gian qua, BV Đại học Nam Cần Thơ đã điều trị thành công cho nhiều ca chân voi và bìu voi. PGS.TS.BS Đàm Văn Cương, Giám đốc BV Đại học Nam Cần Thơ, phẫu thuật viên chính của các ca phẫu thuật cho biết, bệnh giun chỉ có khi kéo dài cả đời nhưng không có triệu chứng rõ rệt nên khả năng cao lây lan mầm bệnh cho những người xung quanh.

Theo PGS.TS.BS Đàm Văn Cương, vào giai đoạn cấp tính, bệnh nhân có thể bị sốt cao đột ngột kèm đau đầu, mệt mỏi, sụt cân. Sau đó, tình trạng viêm mạch bạch huyết gây ra viêm đỏ, đặc biệt là mạch ở thượng nguồn, càng lúc càng dị hình, da nhăn nheo như da voi, là hiện tượng phù voi. Nếu bộ phận sinh dục ở nam giới bị viêm, phù dẫn đến viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn… có thể dẫn đến triệu chứng bìu voi hoặc vú voi.

PGS, TS, BS Đàm Văn Cương phẫu thuật cho bệnh nhân bị chân voi.

PGS.TS.BS Đàm Văn Cương khuyến cáo: Cần tuyên truyền cho người dân phòng chống diệt muỗi, diệt ấu trùng, lấp bớt ao tù, nước đọng, khơi thông cống rãnh để giảm sự sinh sản của muỗi. Giữ gìn vệ sinh cá nhân; mặc quần áo kín khi lao động ban đêm, tránh muỗi đốt. Đặc biệt, không ăn thức ăn tái, sống, nhất là tiết canh. Người dân nên đi giày, dép để bảo vệ chân, hạn chế tối đa sự lây lan cũng như mắc bệnh chân voi, rửa sạch sẽ vùng bị tổn thương bằng nước và xà phòng mỗi ngày.

Bệnh nhân phù chân voi đã được điều trị, chuẩn bị xuất viện.

Khi thấy có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám. Tại BV Đại học Nam Cần Thơ, các bác sĩ chỉ định xét nghiệm huyết thanh học tổng quát để tầm soát giun chỉ sớm, điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng sức khỏe và thẩm mỹ cho bệnh nhân.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết