Những ngày nắng nóng, trời chói chang, dân đô thị ngồi trong nhà, trong phòng làm việc bắt quạt máy, máy hơi nước chạy suốt… nhưng vẫn thấy cứ oi bức, khó chịu. Bước ra bờ sông có gió mát, ngồi dưới bóng râm hàng cây ven đường, nhiệt giảm xuống thấy rõ. Thế mới biết, gió, cây xanh, sông, rạch, ao, hồ là những “máy điều hòa thiên nhiên” rất có ý nghĩa trong mùa khô giữa lòng các đô thị.
Công trình kè sông Cái Cá (phường 2, TP Vĩnh Long).
Hiện tại, phần lớn các đô thị ở vùng ÐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng đều nằm ven hoặc có những dòng sông, rạch lớn và nhiều kênh, mương, rạch nhỏ bên trong. Hệ thống sông ngòi, kênh, rạch, ngoài được khai thác để thoát nước mưa, nước thải, dẫn nước tưới tiêu cho vùng ngoại thành, điều tiết dòng chảy, còn có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường nước cho vùng nội thành. Những năm qua, chính quyền và ngành chức năng của các đô thị trong vùng đã có nhiều nỗ lực cải tạo hệ thống kênh, rạch. Ở đây, có nhiều sông, rạch lớn được đầu tư kè chống sạt lở kết hợp chống ngập do triều cường, ứng phó biến đổi khí hậu và chỉnh trang đô thị. Các kênh, rạch nội vùng cũng được nạo vét, đắp đê bao ngăn lũ, ngăn triều cường phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp làm đường giao thông vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi.
Cây xanh ở các đô thị cũng được chính quyền, Nhân dân quan tâm bảo tồn, tôn tạo, trồng mới. Hiện nay, nhiều tuyến đường, khuôn viên của các khu dân cư, văn hóa, dịch vụ, cơ quan đơn vị… đã được phủ xanh bởi cây xanh. Nhiều công viên cây xanh được hình thành. Nhờ sự đa dạng và phong phú về hình dáng, tán lá, màu sắc, chiều cao, hình thái hoa... cây xanh giúp làm tăng môi trường sống bằng cách giảm sự chói chang của ánh sáng, giúp lọc bớt các chất ô nhiễm như tro, khói, bụi làm không khí mát dịu hơn, trong lành hơn. Bên cạnh đó, có cây xanh nhiều cũng giúp giảm tiếng ồn và đặc biệt cây xanh thải ra lượng oxy dồi dào, đồng thời hấp thụ đáng kể khí carbonic làm giảm phát thải khí nhà kính, giảm nóng lên của bầu khí quyển, cải thiện tiểu khí hậu nơi có cây xanh và góp phần làm giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên hiện tại, nhiều kênh, rạch ở các đô thị bị lấp, bị lấn, bị chặn dòng, bị bồi lắng do quá trình đô thị hóa nhanh và kiểm soát không chặt chẽ. Một hạn chế nữa của hệ thống kênh, rạch ở các đô thị trong vùng trữ nước kém do đa số là kênh, rạch hở, nước trong kênh lên xuống theo thủy triều, thời gian lưu nước trong kênh ngắn. Mặt khác, còn nhiều đô thị không có hồ chứa, hồ điều hòa có diện tích lớn, có lẽ do phần lớn các đô thị có diện tích nhỏ, nên chính quyền sở tại không xây dựng hoặc quy hoạch hồ chứa. Do đó để tạo thêm nhiều “máy điều hòa thiên nhiên” giúp các đô thị trong tỉnh giảm nhiệt trong mùa khô, cần giữ gìn, tôn tạo những dòng kênh, rạch và mảng cây xanh hiện có.
Theo các chuyên gia về kiến trúc đô thị, phát triển đô thị xanh ven sông đã và đang là xu thế của nhiều quốc gia, như TP New York (Hoa Kỳ), bên dòng sông Hudson, Paris (Pháp), bên dòng sông Seine, Melbourn (Úc) bên sông Yarra… và ngay như TP Hồ Chí Minh phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Ðông. TP Hà Nội có đồ án quy hoạch thành phố ven hai bờ sông Hồng, quy hoạch nhiều khu vực theo hướng đô thị xanh... Cải tạo những dòng kênh thành những “công viên nước” góp phần đưa các thành phố này hướng đến thành những “đô thị xanh ven sông - đô thị giao lưu, hiện đại” trong tương lai...
Ở đây, không những cần các yếu tố của một công viên như cây xanh, ghế ngồi nghỉ mát, các con đường nhỏ dùng cho người tản bộ, vườn hoa, hệ thực vật và động vật và các khu vực cỏ… mà kênh, rạch cần phải có nước, nguồn nước không bị ô nhiễm, trong xanh và đặc biệt là các loài thủy sinh, thủy sản sống được trong đó. Ðây là nơi vui chơi, giải trí đại chúng, đảm bảo cho người ở các lứa tuổi có thể tìm được không gian yên tĩnh, thư giãn, nghỉ ngơi, tham quan và hoạt động văn hóa, thể dục dưỡng sinh.
Từ đó cho thấy, bên cạnh đầu tư của Nhà nước trong việc cải tạo những dòng kênh, xây dựng cống, đập ngăn triều, trữ nước trong mùa khô hay xây dựng công viên cây xanh, hoàn chỉnh mảng xanh đô thị…, thì chính quyền các đô thị cần khuyến khích cộng đồng dân cư, các tổ chức tham gia cùng các cơ quan nhà nước vào việc hoạch định, phát triển đô thị cũng như giám sát việc bảo tồn, gìn giữ và tôn tạo những dòng kênh, rạch, cây xanh. Ðồng thời vận động, tuyên truyền nhân dân, tổ chức không xả chất thải xuống dòng kênh, rạch hay có biện pháp xử lý nước thải theo hướng tập trung để làm giảm ô nhiễm nguồn nước trong kênh, rạch; không xâm hại và chung sức cùng chính quyền, đơn vị quản lý gìn giữ, chăm sóc cây xanh, ao hồ, kênh, rạch.
Bài, ảnh: HẠNH LÊ