20/11/2024 - 08:13

Ðiểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 về nhãn hiệu 

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi, bổ sung năm 2022 của Việt Nam có nhiều quy định mới về nhãn hiệu được sửa đổi, bổ sung. Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả cơ chế bảo hộ tài sản trí tuệ và thực hiện các cam kết theo các điều ước quốc tế về SHTT mà Việt Nam tham gia thông qua các hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA…). Dự án Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ chủ trì hỗ trợ cung cấp đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp một số điểm mới của Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2022 liên quan đến nhãn hiệu.

Các hoạt động tuyên truyền những điểm mới của Luật SHTT 2022 về nhãn hiệu thường xuyên triển khai, lồng ghép tại các lớp tập huấn trong khuôn khổ thực hiện dự án.

Quy định mới về “Dụng ý xấu”

Theo đó, “dụng ý xấu” là thuật ngữ pháp lý lần đầu tiên được bổ sung trong Ðiều 96 và 117 của Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2022. 

Với quy định về “dụng ý xấu”, chủ nhãn hiệu có thêm một cơ sở pháp lý quan trọng để thách thức hiệu lực của nhãn hiệu do bên thứ ba đã nộp đơn hoặc đăng ký trên cơ sở không trung thực (dụng ý xấu) để giành lại quyền nhãn hiệu của mình theo thủ tục phản đối hoặc hủy bỏ nhãn hiệu.

 Tạm dừng thẩm định đơn nhãn hiệu 

Tạm dừng quy trình thẩm định đơn là quy định mới lần đầu tiên được bổ sung vào khoản 3 Ðiều 117 Luật SHTT năm 2022. Theo đó, quy trình thẩm định đơn sẽ được tạm dừng nếu rơi vào một trong ba trường hợp sau đây:

- Thứ nhất, chủ đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn và yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đối chứng do nhãn hiệu xin đăng ký bị coi là tương tự với nhãn hiệu đối chứng theo điểm e khoản 2 Ðiều 74;

- Thứ hai, chủ đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn và yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đối chứng do nhãn hiệu xin đăng ký bị coi là tương tự với nhãn hiệu đối chứng mà đã hết hạn hiệu lực chưa quá 3 năm theo điểm h khoản 2 Ðiều 74);

- Thứ ba, chủ đơn khởi kiện liên quan đến quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu.

Nhãn hiệu nổi tiếng

Khoản 20 Ðiều 4 Luật SHTT sửa đổi năm 2022 quy định: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam”.

Ðiểm i khoản 2 Ðiều 74 được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định về thời điểm nhãn hiệu được coi là nổi tiếng khi xem xét để làm nhãn hiệu đối chứng, đó là, nhãn hiệu đối chứng bắt đầu nổi tiếng trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu xin đăng ký.

Ngoài ra, Ðiều 75 cũng đã được sửa đổi, bổ sung việc xem xét đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng dựa trên một số hoặc tất cả các tiêu chí quy định tại Ðiều 75.

Như vậy, có thể thấy, không phải tất cả các tiêu chí liệt kê tại Ðiều 75 cần phải được đánh giá đầy đủ để xác định, công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng; đồng thời, cũng như có thể bổ sung các tiêu chí khác ngoài các tiêu chí liệt kê tại Ðiều này.

Nhãn hiệu âm thanh

Luật SHTT sửa đổi 2022 lần đầu tiên đưa ra nhãn hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu âm thanh.

Ðể đăng ký nhãn hiệu âm thanh tại Việt Nam, theo khoản 2 Ðiều 105 Luật SHTT năm 2022, người nộp đơn phải nộp:

- Bản ghi âm từ tính của nhãn hiệu trên một phương tiện cho phép dễ dàng phát lại. Hiện nay, phương tiện phổ biến nhất là đĩa CD, DVD và bản ghi MP3;

- Bản thể hiện bằng hình ảnh đồ họa của nhãn hiệu âm thanh đó (nghĩa là nhãn hiệu âm thanh ở Việt Nam phải được thể hiện bằng dạng đồ họa) để kiểm tra tính phân biệt và tính khả dụng của âm thanh đó cho mục đích đăng ký.

Ðể có cơ chế bảo hộ chặt chẽ đối với nhãn hiệu âm thanh và tránh chồng lấn quyền nhãn hiệu âm thanh với bản quyền tác giả cho các tác phẩm liên quan đến/kèm theo âm thanh, khoản 7 Ðiều 73 (Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu) được bổ sung vào Luật SHTT năm 2022 nhằm quy định thêm một trường hợp làm căn cứ từ chối nhãn hiệu âm thanh, đó là “dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó”.

Giải quyết hiệu quả vấn đề chồng lấn quyền SHTT, khả năng phân biệt giữa nhãn hiệu và quyền tác giả

Tại điểm a khoản 2 Ðiều 74 Luật SHTT sửa đổi năm 2022 có thể được xem là một chế định để giải quyết hiệu quả vấn đề lấn quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là, sự xung đột giữa nhãn hiệu và quyền tác giả.

Theo Luật SHTT năm 2022, nhãn hiệu xin đăng ký nếu “chứa bản sao tác phẩm” được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt, không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ và bị từ chối bảo hộ.

Ðiều luật này là một cơ sở pháp lý quan trọng nhằm ngăn chặn hiệu quả nạn đánh cắp tài sản trí tuệ, tình trạng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ đòi lại quyền sở hữu trí tuệ thông qua thủ tục phản đối, ý kiến của người thứ ba và/hoặc hủy bỏ nhãn hiệu.

Bổ sung hai căn cứ chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu

- Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó (điểm h khoản 1 Ðiều 95).

- Nhãn hiệu có thể bị chấm dứt hiệu lực nếu trở thành tên thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó (điểm i khoản 1 Ðiều 95).

TP Cần Thơ hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ

Nghị quyết số 03/2022/NQ-HÐND ngày 8-7-2022 của HÐND thành phố quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ như sau:

- Hỗ trợ trong nước: 30 triệu đồng/đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế và giống cây trồng mới; 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.

- Hỗ trợ ngoài nước: 60 triệu đồng/đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới.

Mời quý độc giả đón xem số tiếp theo với chủ đề ‘Điểm mới của Luật SHTT sửa đổi, bổ sung về sáng chế”.

TRUNG TÂM THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TP CẦN THƠ

Chia sẻ bài viết