19/11/2024 - 17:59

Nâng cao năng lực truyền thông giáo dục sức khỏe 

Truyền thông giáo dục sức khỏe (TTGDSK) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết và chất lượng phòng, chữa bệnh của người dân. Những năm qua, ngành Y tế TP Cần Thơ đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú, từng bước giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Cán bộ TTGDSK của quận Ô Môn và Thốt Nốt được hướng dẫn thực hành thiết kế Poster/Infographic trên Canva.

► Góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng

Với mạng lưới truyền thông y tế phủ kín từ tuyến thành phố, quận/huyện, xã/phường, ấp/khu vực đã tạo điều kiện cho ngành Y tế thực hiện các hoạt động truyền thông rộng khắp, bám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Công tác TTGDSK được thực hiện đa dạng bằng nhiều hình thức, nội dung có chiều sâu. Hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ phối hợp Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ mở các chuyên mục về y tế, sức khỏe. Tại tuyến quận/huyện, Trung tâm Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm văn hóa, Đài truyền thanh thường xuyên tuyên truyền trên loa xã/phường. Những đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh, cộng tác viên y tế ấp/khu vực là “những cánh tay nối dài” của ngành Y tế, đến tận nhà người dân để tuyên truyền.

Tại Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt, công tác TTGDSK được lãnh đạo của quận quan tâm chỉ đạo sâu sát, đầu tư kinh phí, tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần phát triển đồng đều từ tuyến quận, tuyến phường, khu vực. BS CKII Phạm Trí Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật – HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt cho biết: Thời gian qua, quận Thốt Nốt đã triển khai thành công nhiều mô hình, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân. Điển hình như mô hình “Phát thanh bằng xe Honda trong cộng đồng về phòng chống dịch bệnh” , đây là mô hình xe Honda gắn thùng loa đi động đi đến tận các ngõ ngách của khu vực, nơi không có tiếp âm được của Đài truyền thanh. Ngoài ra, mô hình “Pano gắn tại Trung tâm y tế và các trạm y tế về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; mô hình “Áp phích truyền thông phòng chống dịch bệnh tại bàn khám bệnh”, nhằm truyền thông trực tiếp bằng thị giác cho người dân mỗi lần đến khám bệnh tại Trạm Y tế. Năm 2024-2025, TTGDSK quận Thốt Nốt triển khai mô hình “Xây dựng lại góc TTGDSK tại các trường học”, tăng cường hoạt động phòng chống bệnh tật, y tế học đường, nhằm nâng cao nhận thức, bảo vệ sức khỏe học sinh.

Hiệu quả của công tác truyền thông góp phần giúp ngành Y tế kiểm soát tình hình dịch bệnh. Từ đầu năm đến ngày 31-10-2024, toàn thành phố ghi nhận 603 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 (603/1.746 trường hợp), số ca mắc trong từng tháng đều giảm so với cùng kỳ. Thành phố ghi nhận 1.047 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 2.136 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Các dịch bệnh mới nổi được giám sát chặt chẽ, nhanh chóng dập dịch, không để bùng phát, lây lan thành dịch lớn.

► Đổi mới công tác truyền thông

Thực hiện chuyển đổi số ngành y tế, công tác TTGDSK cũng tích cực đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường truyền thông mạng xã hội.

BS CKII Phạm Trí Hùng cho biết: Để theo kịp xu hướng của thời đại, Trung tâm Y tế quận Thốt Nốt tận dụng các trang mạng xã hội, lập Fanpage của trung tâm, đồng thời khuyến khích các Trạm Y tế cũng lập Fanpage cho trạm. Đây là hình thức truyền thông mới, nhanh chóng và hiệu quả, góp phần giúp ngành y tế tương tác, truyền tải kiến thức phòng bệnh đến với người dân kịp thời.

 Mô hình “Phát thanh bằng xe Honda trong cộng đồng về phòng chống dịch bệnh” tại quận Thốt Nốt.

Đầu tháng 11-2024, CDC Cần Thơ tổ chức tập huấn kỹ năng TTGDSK cho mạng lưới tuyến thành phố, cán bộ, cộng tác viên làm công tác TTGDSK tại tuyến quận/huyện, xã/phường và cộng tác viên khu vực/ấp của 9 quận/huyện. Lớp tập huấn nhấn mạnh vào kỹ năng tuyên truyền trên mạng xã hội, website và xây dựng góc truyền thông. Các học viên được hướng dẫn cài đặt và thực hành thiết kế Poster/Infographic trên Canva (ứng dụng chỉnh sửa ảnh và thiết kế đồ họa dễ dàng, nhanh chóng trên điện thoại di động/laptop). Đồng thời, các học viên được hướng dẫn thực hiện làm video đơn giản bằng phần mềm Powerpoint, phù hợp truyền thông bằng thị giác khi người dân đến khám tại bệnh viện và các cơ sở y tế.

Ông Trường Quốc Chiến, Trưởng khoa TTGDSK, CDC Cần Thơ cho biết: Qua các lớp truyền thông, đội ngũ cán bộ mạng lưới được cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube… Đây là cách đa dạng hình thức truyền thông, truyền tải thông tin đến người dân nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm và hiệu quả. Góp phần đáp ứng được mục tiêu của truyền thông là phải truyền thông đúng, truyền thông trúng và truyền thông kịp thời theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Bà Dương Thu Hà, Phó Trưởng phòng, Phòng Dân số - KHHGĐ, Trung tâm Y tế quận Bình Thủy mong muốn thời gian tới, cán bộ mạng lưới được thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực truyền thông hơn nữa. Đặc biệt là những cách làm cụ thể, ứng dụng vào thực tiễn, như: kỹ năng viết tin, chụp ảnh, thực hiện video clip, phát thanh… để tăng cường truyền thông đến cộng đồng.

Mặc dù công tác TTGDSK trên địa bàn thành phố còn rất nhiều khó khăn, kinh phí hạn chế, nhân lực kiêm nhiệm, phụ cấp ưu đãi nghề chưa phù hợp, nhưng cán bộ mạng lưới các tuyến vẫn luôn chủ động, là lực lượng tiên phong tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Truyền thông y tế cần được quan tâm hơn nữa để truyền tải kịp thời khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, góp phần đưa chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực y tế đến với người dân.

Bài, ảnh: Thiên Thanh

Chia sẻ bài viết