Những chia sẻ của tác giả Nguyễn Sĩ Chức, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024, mở ra nhiều trăn trở về cách làm cải lương hiện nay.
Cảnh trong vở “Trước bình minh” của Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu.
Liên hoan Cải Lương toàn quốc năm 2024 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức đã thành công tốt đẹp.
Theo tác giả Nguyễn Sĩ Chức, liên hoan thành công ở nhiều phương diện, cả về số lượng lẫn chất lượng, thể hiện qua 33 vở diễn dự thi. Ðặc biệt, bên cạnh đội ngũ nghệ sĩ được trẻ hóa thì cũng xuất hiện những đạo diễn trẻ giỏi nghề. Có nhiều vở diễn đã đạt được sự thăng hoa về cảm xúc, một phần là nhờ các đạo diễn đã phát huy được thế mạnh và sự hỗ trợ đầy hiệu quả của các thành tố khác như âm nhạc, mỹ thuật, múa, ánh sáng…
Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Sĩ Chức nhấn mạnh, sân khấu cải lương là sân khấu tự sự, kể chuyện. Một khi tác giả và đạo diễn không xác định được không gian và thời gian chuyện kịch xảy ra, kết cấu nội dung thiếu logic, không có những tình huống tạo nên xung đột... thì không bao giờ thuyết phục được người xem. Trong liên hoan, có vở diễn “chỉ là những lát cắt được ghép lại nhưng thiếu sự liền mạch”, việc xác lập mối quan hệ giữa các nhân vật không rõ, không có quá trình. Có tác giả và đạo diễn kể câu chuyện của mình còn chưa hấp dẫn, đã vậy, xử lý của đạo diễn lại như “ép người xem tự nắm bắt niên đại lịch sử mà nhân vật đã sống và những việc làm của nhân vật ấy thì mới có thể hiểu được nội dung vở diễn”.
Tác giả Nguyễn Sĩ Chức nêu một ví dụ khác: Có vở diễn có đầy đủ nhân vật như vua - tôi, công - khanh trong một triều đình với nội dung “gian thần hãm hại trung thần và cái giá phải trả”. Nhưng, triều đại và niên hiệu của ông vua ấy là gì thì khán giả không sao biết được! Làm cải lương như vậy thì khác gì đánh đố người xem?... Ngoài ra, nếu tác giả và đạo diễn không tạo được những xung đột và những tình huống để có sự dồn nén về xúc cảm thì nghệ sĩ thật khó lòng ca hay, diễn tốt. Vẫn còn một vài tác giả sử dụng bài bản chưa thật hợp lý, lại không có sự chắt lọc về ngôn ngữ khi viết ca từ…
Ngoài ra, cũng còn xuất hiện một vài vở diễn bị “phô” về việc xác định vấn đề, cách tổ chức mâu thuẫn, xung đột kịch còn bất hợp lý... Nhiều tác giả chọn lựa tính điển hình của nhân vật thiếu tính nghệ thuật. Việc sử dụng công nghệ để tạo ra không gian sân khấu khác biệt là điều tốt, nhưng một khi đạo diễn cố lạm dụng mà quên đi phương pháp “tượng trưng, ước lệ” đặc trưng của sân khấu truyền thống thì đó là điều rất đáng suy nghĩ!
Ðặc biệt, như PGS.TS Tạ Quang Ðông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu trong đêm bế mạc, tác giả Nguyễn Sỹ Chức cũng đồng quan điểm khi cho rằng, vẫn còn xuất hiện những đơn vị dự thi chưa đầu tư đúng mức cho vở diễn, từ khâu chọn kịch bản, ê-kíp sáng tạo, âm nhạc và trang trí vở diễn để tạo nên một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh, có chất lượng nghệ thuật cao. Ðiều mà họ quan tâm là chăm chút tuyệt đối cho diễn viên thủ vai chính hoặc vai thứ để có thể có được huy chương. Ðây là cách làm cải lương đáng suy ngẫm.
Bài, ảnh: DUY KHÔI