Truyện ngắn: LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Ranh giới vô hình đáng sợ vì không thể nhìn thấy bằng mắt thường nên không có cách nào vượt qua. Chúng chỉ ngày càng lớn dần và tạo ra những vách ngăn nhất định giữa người và người. Suy nghĩ đó làm cô bất giác nhìn lên người đàn ông đối diện vẫn đang nhìn cô một cách chăm chú. Từng giây dài đằng đẵng, cảm giác căng thẳng trỗi dậy khi người đàn ông cất lời:
- Em đã suy nghĩ kỹ chưa?
Mới vừa nghe đến đó cô đã vội lấy bút ký vào tờ đơn ly hôn. Gia đình là giới hạn cuối cùng của cô. Cô nhìn bàn tay có vết trắng in hằn ở ngón áp út, chiếc nhẫn cưới đã được tháo ra. Cô khuấy vội cốc cà phê, uống một hơi cạn sạch, cảm giác đắng chát nơi đầu lưỡi khiến cô thực sự tỉnh táo. Cô thích cà phê nhưng kể từ khi lấy chồng, cô phải gạt bỏ, thậm chí uống một cách lén lút khi chồng cô - một bác sĩ da liễu có ấn tượng xấu về nó.
.webp)
- Em không nên uống như thế. Cà phê không tốt cho da. Hơn nữa, phụ nữ lịch sự phải uống từ tốn... - người đàn ông lên tiếng theo thói quen.
- Cảm ơn anh về thời gian đã qua.
Cô vội cắt lời người đàn ông và bước vội ra khỏi quán cà phê, vẫy một chiếc taxi để rời đi nhanh nhất có thể. Cô bật cười khi yên vị trên xe, vì chợt nhận ra thậm chí muốn đi đây đó cô cũng không có nổi một chiếc xe máy. Vào ngày cưới, cô đã không biết hôn nhân có sự ràng buộc và chỉ một bên phải nhường nhịn, phải gánh nhiều trách nhiệm và bổn phận đến vậy.
***
Ban đầu, người đàn ông đó yêu cô thực sự, kể từ khi cô là học viên y tá tới thực tập tại bệnh viện mà anh đang làm việc. Anh dành cho cô sự tôn trọng nhất định dẫu luôn nghiêm khắc. Bù lại, anh thực sự quan tâm đến những thiếu sót của cô và giúp cô sửa chữa. Ngày đó, vẻ đẹp trai, giàu có và địa vị của anh thực sự khiến cô mềm lòng, nhất là khi anh là mối tình đầu và những gì anh mang đến khiến cô mộng tưởng về tình yêu rất đẹp. Khi cô kết thúc kỳ thực tập, anh mới chính thức theo đuổi cô. Điều đó cho cô cảm nhận anh tôn trọng và không muốn dùng sự ràng buộc trong kỳ thực tập đối với cô. Khoảng cách bảy tuổi cũng không quá xa.
- Em không nên uống cà phê nhiều đâu, nó sẽ làm em thức khuya và có làn da xấu, em nên uống nước ép, tốt cho sức khỏe...
Đối với một cô gái, chỉ cần nhận được sự quan tâm của nửa kia đã cảm thấy rất hạnh phúc. Đó là cảm giác hạnh phúc trước khi cô nhận ra một người đàn ông đang từng bước thay đổi mọi thói quen trong cuộc sống của cô, từ những điều nhỏ nhất. Khi còn yêu nhau, anh rất nhẹ nhàng trong mọi lời khuyên dành cho cô. Anh thường mở đầu bằng câu "Anh không ép nhưng..." và cô thường nghe theo lời anh vì biết tốt cho mình.
Anh cũng rất quan tâm tới gia đình cô. Dẫu gia cảnh cô không khá giả, nhưng mỗi khi rảnh rỗi anh vẫn thường ghé thăm nhà cô và nấu ăn cùng cả nhà. Với bạn bè cô, anh giữ sự tôn trọng nhất định. Anh thường chở cô đến chỗ hẹn cà phê với bạn khi anh không có ca trực. Lâu dần, anh được chào đón trong hội bạn của cô vì anh cư xử lịch thiệp hết mức có thể. Đặc biệt, anh rất yêu mẹ của mình, ba anh mất sớm, mẹ một tay nuôi anh ăn học, để anh có được sự nghiệp như hiện giờ.
Sau khi cô ra trường và trở thành y tá ở cùng bệnh viện với anh, hai người cưới nhau. Ngày cô cưới, mọi người đều ganh tị vì dãy xe hơi đón dâu nối dài nơi khu phố nhỏ. Người đàn ông mặc vest bảnh bao với gọng kính trắng trên sống mũi lịch thiệp chào hỏi mọi người, ai cũng tấm tắc khen cô gái nhỏ may mắn...
***
- Ngày cưới mẹ có nói tặng hai vợ chồng con quà cưới là căn nhà này. Mẹ đã sang tên cho thằng Thắng từ trước, giờ đáng lẽ phải làm thủ tục để đứng tên hai đứa, nhưng giấy tờ phiền phức...
Cô còn nhớ như in khi mới kết thúc tuần trăng mật, mẹ chồng đã nói với cô như thế. Lúc đó cô thực không nghĩ gì nhiều vì ai đứng tên nhà cũng được, huống chi đó là tài sản của gia đình anh. Cô được ba mẹ dạy không tham lam thứ không phải của mình.
Sau khi cưới, mẹ chồng ở với vợ chồng cô dù trước đó anh đã nói sẽ ra riêng vì "Mẹ cũng già rồi, ở một mình anh không yên tâm". Mỗi ngày của hai vợ chồng đều là đi làm và về cùng nhau, vì họ đều làm giờ hành chính cùng chung một bệnh viện. Những ngày đầu đều rất ổn vì trưa họ ăn cơm căn tin và khi về mẹ chồng đã nấu đồ ăn sẵn. Cho tới khi mẹ chồng gọi cô nói riêng:
- Mẹ già rồi, không thể nấu ăn cho vợ chồng con mãi được. Con nên học nấu ăn đi.
Cô cũng nghĩ đó là trách nhiệm của người vợ, dù cô và anh đều đi và về chung giờ. Giờ nghỉ trưa, cô tranh thủ đi chợ gần bệnh viện. Buổi chiều, ngay khi về nhà, chưa kịp tắm rửa, cô vào bếp tất bật nấu ăn chiều và nấu để dành để trưa hôm sau cho mẹ chồng. Ăn cơm chiều xong cô mới tắm rửa rồi tranh thủ dọn dẹp, giặt đồ đến tối muộn khi chồng và mẹ chồng đã tắt đèn đi ngủ.
Công việc ở bệnh viện tư không bị ràng buộc bởi những ca trực đột xuất, cô và chồng đều được nghỉ vào cuối tuần. Anh vẫn đưa đón cô tới những quán cà phê khi hội bạn học của cô tụ họp, nhưng tuyệt nhiên không còn muốn vào như trước. Nhiều khi cô nói với anh hay để cô tự đi thì anh gạt phắt đi. Thậm chí chưa được sự đồng ý của cô anh đã bán chiếc xe của cô vì "Xe em dùng lâu rồi, để bữa nào anh đổi xe". Nhưng ngày đó không bao giờ đến. Chợ cô thường đi gần bệnh viện hoặc gần nhà, anh đều để cô đi bộ, còn mỗi khi cô muốn đi chơi hoặc đi đâu đó đều phải trùng với ngày anh được nghỉ. Bạn bè đều ganh tị với cô vì có chồng đưa đón mỗi ngày nhưng chỉ có cô dần nhận ra anh đang ràng buộc cô. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi trong khoa của cô có một bác sĩ trẻ về thực tập, mọi người đôi khi trêu đùa về sự ăn ý của hai người và đến tai anh.
- Em nghỉ việc đi.
Anh buông lời lạnh lùng trong bữa cơm chiều. Mẹ anh cũng nói thêm vào:
- Sức khỏe mẹ yếu rồi, con nên ở nhà quán xuyến việc nhà và cũng tiện chăm sóc mẹ. Thuê người giúp việc, mẹ không yên tâm.
Từ đó, cô bắt đầu cuộc sống của một người vợ đúng nghĩa, mỗi ngày tối mặt với cơm nước, quét tước lau dọn. Nhưng cô là người chịu khó nên không nề hà nửa lời.
- Hai người bạn Linh, Na em không nên chơi nữa, nghề nghiệp không ổn khiến nhận thức kém đi.
Một hôm anh nói như thế trong sự ngỡ ngàng của cô. Đó là hai người bạn thời phổ thông của cô, một người là bảo vệ, còn một người là công nhân vệ sinh. Trước kia cô đã không để ý ánh mắt anh nhìn họ có vẻ khinh thường. Dù rằng các bạn của cô chưa bao giờ có những lời nói và hành động thân cận với anh.
Ba năm hôn nhân, anh cũng không để cô về thăm nhà thường xuyên. Đôi khi nhớ con gái, ba mẹ cô lại bắt xe đến thăm nhưng anh cũng nói khéo với ba mẹ cô hoặc nói thẳng với cô đừng để ba mẹ ở lại vì mẹ anh không thích người ngoài ở trong nhà. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi vào cuối năm thứ tư hôn nhân của họ, ba cô bị tai nạn, phải nhập viện hơn hai tuần. Trong suốt hai tuần đó chưa một lần anh ghé thăm, thậm chí anh chỉ đưa tiền cho cô và nói:
- Anh đã đưa tiền để em có thể thuê y tá cho ba, công việc anh bận rộn nuôi cả nhà, sao em ích kỉ vậy?
Cô túc trực trong bệnh viện phụ mẹ chăm sóc ba, vừa phải chạy về nhà để nấu cơm cho anh và mẹ chồng vì anh nói "Em coi về nhà nấu cơm, anh và mẹ đều không quen ăn cơm ngoài". Cô dần hiểu ra, anh đã tước đoạt đi mọi sở thích cá nhân, bạn bè và cả việc chăm sóc ba mẹ của cô. Không biết từ khi nào cô thực sự không còn gì là của riêng mình nữa.
- Tôi cho em quyết định lại, khi không có tôi, em không có gì cả.
Anh đã nói như vậy khi cô đề nhị ly hôn. Anh nói đúng, anh đã lấy đi tất cả của cô thì cô còn gì trong tay. Nhưng kể từ khi cô nhận ra điều đó, cô càng chắc chắn sự rời đi của mình. Cách anh vung tiền đầy khinh thường cho ba cô khi nhập viện khiến cô hiểu mình đã nên bắt đầu một cuộc sống khác. Tương lai cô khi chưa có anh đã từng rất tốt...
***
Sau khi học lại ít năm cô được nhận vào làm y tá tại một bệnh viện tư nhỏ. Cô bắt đầu một cuộc sống mới, ít nhất là của riêng mình. Ai cũng từng có sự đổ vỡ, đôi khi nó sẽ thành một nỗi đau in hằn, thành vết sẹo khó quên. Nhưng cũng đôi khi chính vì có những vết sẹo, con người ta mới biết nên có những khởi đầu mới tốt hơn từ những điều đã qua.