05/05/2025 - 20:27

"Khúc hát cho em" và những ân tình quê hương 

Tập truyện ngắn "Khúc hát cho em" (NXB Hồng Đức, 2025) của tác giả Nhật Hồng gồm những lát cắt đa dạng của cuộc sống, mang đến cho độc giả những câu chuyện gần gũi, đời thường nhưng truyền tải nhiều thông điệp nhân văn. Đây là tập truyện thứ 8 của nhà văn Cần Thơ.

Trong số 29 truyện ngắn, có hơn phân nửa là những câu chuyện về quê hương xứ sở, thiên nhiên và những điều quen thuộc của người dân miền Tây. Đó là chuyện bắt cá trong mùa nước nổi của ông lão miệt vườn hay của một nhóm thợ đặt vớn chuyên nghiệp trong truyện "Theo luồng cá linh", "Đón cá"; là kỷ niệm và những ấn tượng khó phai về "Dòng sông và mùa nước nổi" của những người con lớn lên ở miền sông nước; là ân tình của người mẹ một nắng hai sương, sớm hôm tần tảo với gánh bún riêu cua nơi quê nhà nuôi các con khôn lớn, học hành thành tài. Hay những câu chuyện về mùa xuân và các loài hoa lá, cỏ cây để người đọc vương vấn mùi nguyệt quế, hương sắc của các loài hoa hay hương khóm quê nhà cùng những chuyện tình nhẹ nhàng, nhiều lưu luyến. Trong đó, mai là loài hoa tượng trưng cho mùa xuân phương Nam nên có phần đặc biệt. Truyện "Gốc mai trăm tuổi", "Lão mai ra chợ Tết" đọng lại nhiều dư âm trong lòng người đọc bởi cái tình của người trồng mai cũng như ý nghĩa tinh thần mà cây mai mang lại cho họ.

Đặc biệt, tác giả dành nhiều tình yêu và tâm sức để khắc họa về những vùng đất nổi tiếng của Cần Thơ. Như huyện Phong Điền với cây lành trái ngọt và nỗ lực của người nông dân khi làm cho dâu Hạ Châu ra trái nghịch mùa thành công trong truyện "Hương dâu thầm lặng"; là niềm tự hào về vùng đất Cờ Đỏ, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Cần Thơ năm 1930 và những chiến công anh hùng của quân và dân trong quá trình đấu tranh bảo vệ đất nước trong truyện: "Lá cờ đỏ", "Mảnh đất thiêng"…

Tình đất tha thiết, tình người càng nồng ấm, những con người miền Tây chân chất, hồn hậu, hào sảng được khắc họa qua những nhân vật: lão nông tri điền, người mẹ tần tảo, cô thôn nữ đảm đang khéo léo, thầy hiệu trưởng hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, hay những trí thức trưởng thành từ miền quê đã và đang góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…

Cứ thế, tình yêu quê hương của Nhật Hồng như những dòng sông chảy qua những trang viết, như những hạt phù sa vun bồi cho mảnh đất văn chương thêm màu mỡ. Điểm xuyết trên đó là những sắc màu của cuộc sống, của thế thái nhân tình. Người đọc bị lôi cuốn bởi câu chuyện ly kỳ của một gia đình tham gia kháng chiến trong truyện "Vết đạn trên lưng kỳ lân", nuối tiếc cho một gánh hát tan vỡ trong "U uẩn tiếng đờn", bất ngờ với số phận và cuộc đời của các nhân vật trong các truyện "Ông già hoa", "Người nhặt rác", "Cái giá của cuộc sống", "Rắn hổ trả thù"… Nhưng dù kết thúc có hậu hay không thì các nhân vật sau khi trải qua sóng gió đều cố gắng sống tốt, làm việc có ích cho cộng đồng…

Sách khép lại với truyện "Khúc hát cho em", kể về tình yêu và nỗ lực vượt khó, vươn lên của đôi vợ chồng trẻ trong hành trình mưu sinh, xây dựng hạnh phúc. Qua đó, truyện lan tỏa tinh thần lạc quan và những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống.

Bài, ảnh: CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết