Truyện ngắn: VŨ NGỌC GIAO

"Trời ơi là trời! Nhà mình năm miệng ăn chưa đủ khổ sao ông còn tha con bé về đây!" - tiếng mẹ khiến tôi choàng tỉnh. Ngoài hiên bố vừa đi về, quần ống thấp ống cao, trên xe lủng lẳng cái bọc to tướng, nhìn qua tôi đoán là bọc quần áo. Một bé gái chừng ba tuổi đứng nép bên bố, đôi mắt đen láy nhìn mẹ sợ sệt. Bố giơ tay ra hiệu mẹ nói khẽ thôi nhưng mẹ vùng vằng: "Con cái nheo nhóc chứ sung sướng gì cho cam, đến cái áo đi học của chúng sờn vai, tôi còn chưa dám mua mới, giờ lại lo cho cả người dưng!". Bố nghiêm nghị nhìn mẹ: "Sao lại người dưng? Tính ra cũng họ hàng với nhà mình đấy! Bỏ rơi con bé lúc này là ác". Rồi sau bố lại gần dỗ dành mẹ: "Tội nghiệp con bé, cha mẹ vừa mất vì tai nạn, trong lúc đợi cậu mợ ở xa về đón, mình để bé ở tạm vài hôm". Mẹ ra chiều nguôi ngoai.
Tôi ra hiên. Con bé nhìn thấy tôi, vội lùi lại nép vào bố, tay nắm chặt chiếc túi cói, bên trong lỏng chỏng một ít đồ chơi. Tôi thấy lấp ló trong đó một búp bê công chúa được giữ gìn sạch đẹp. "Đừng sợ! Lại đây với chị!" - tôi dỗ dành. Thấy con bé vẫn đứng yên nhìn tôi dò xét, bố cúi xuống thầm thì: "Con chào chị Mơ đi!". Con bé ngoan ngoãn khoanh tay lí nhí chào tôi. "Em tên gì?". "Dạ, Lem". "Đi, theo chị ra vườn chơi!" - tôi kéo tay Lem.
Dắt Lem ra góc vườn, tôi chỉ cho em hang dế, hang cun cút, rủ Lem hái hạt mồng tơi làm chè đậu đỏ, tước lá dừa làm nhẫn đeo tay... Lem tỏ ra say sưa với những trò chơi mới lạ trên thành phố chưa gặp bao giờ. Tôi ngồi bên em quên cả trời chiều chạng vạng, cho đến lúc nghe tiếng Lý, em kế tôi, lanh lảnh gọi: "Chị Hai, má kêu về ăn cơm!".
Tôi nắm tay Lem chạy về nhà. Trên tấm chiếu trải bên hiên, mẹ lặng lẽ xới cơm. Bố ngồi bên mẹ, nhẹ nhàng gắp thức ăn cho mẹ. Tôi biết, lòng mẹ đã dịu dần. "Nãy giờ làm gì ngoài đó mà không đưa em về ăn cơm?" - mẹ gắt, nhưng tôi nghe trong câu gắt gỏng đó sự dịu hiền vốn có của mẹ.
Bé Lem khép nép ngồi bên tôi, mới một buổi chiều chơi cùng nhau, em đã bám tôi. Trong mâm chỉ có một ít tôm đồng rang, canh rau tập tàng mẹ hái ngoài vườn. Mẹ sẻ một ít tôm cho Lem rồi đẩy về phía em, dịu giọng: "Ăn đi con!". Bố đang và cơm thì dừng lại, ánh mắt âu yếm nhìn mẹ.
Từ đó Lem ngủ cùng tôi, bé Lý sang ngủ với mẹ. Thằng Nhái nghịch ngợm là vậy cũng biết ra vườn tìm cho Lem vài quả ổi chín. Mẹ ra chợ về lần nào cũng có quà cho Lem, hôm bịch chè đậu ván, lúc lại túi bắp rang bơ.
Lem ở cùng gia đình tôi chừng một tháng.
Buổi chiều đi học về, không thấy Lem ra ngõ đợi tôi như mọi ngày. Tôi chạy tìm quanh cũng chẳng thấy Lem đâu. Bố từ ngoài ngõ đi vào, trầm ngâm: "Cậu mợ Lem ở xa về đón Lem đi rồi, trông họ khá giả lắm, vậy em nó cũng được nhờ con à!". Tôi buồn, nhưng lòng thầm mừng cho Lem, từ nay em đã có cuộc sống đủ đầy.
* * *
"Chị ơi, biết tin gì chưa?" - Lý từ ngoài cửa lao vào gọi giật. "Tin gì?" - tôi đã quá quen với những câu chuyện giật gân của Lý. "Chiều nay lớp em đến thăm cô giáo chủ nhiệm bị ốm, lúc về ngang qua trại trẻ mồ côi, em ghé vào xem, đứng bên cửa sổ em thấy ở đó hơn mười bé đang xúm xít ăn cơm chiều". "Rồi sao? Có gì đâu?" - tôi bực bội vì cái tin chẳng đâu vào đâu của Lý. "Nhưng…" - Lý hạ giọng: "Em nhìn một lúc thì thấy có bé rất giống Lem, em nép sang một bên nhìn kỹ hơn, đúng là Lem thật". "Em có nhầm không? Lem về với cậu mợ trên thành phố, gia đình họ khá giả lắm!". "Không, đó chính là Lem, em nhầm sao được!" - Lý quả quyết: "Chị không tin, đến trại mồ côi bên xóm Miếu mà xem!".
Tôi bần thần. Lẽ nào…
Trại trẻ mồ côi nằm cuối đường vào xóm Miếu, bên cạnh một con kênh. Tại khoảng sân phía trước nhà, có hai người phụ nữ ngồi nhặt rau. Tôi lại gần thưa chuyện, nghe xong một cô ngẩng lên nhìn tôi: "Lem ngủ rồi, mà cháu là gì với Lem?". "Cháu và Lem có họ hàng xa, nhưng Lem được gửi vào đây lâu chưa hả cô?". "Gần một năm rồi". Thấy tôi ngồi chờ, cô kia bảo: "Ngoài này nắng, cháu cứ vào trong ngồi cho mát!".
Giữa đám trẻ con nằm ngồi lổm ngổm, tôi dễ dàng nhận ra Lem nhờ gương mặt bầu bĩnh và đôi môi hồng với đường viền rất rõ. Lem gối đầu trên chiếc gối mỏng ngủ say, tay vẫn nắm chặt con búp bê mà ngày về nhà tôi Lem đã mang theo. Tôi ngồi xuống bên Lem, nghe tim nhói đau. Gần một năm trời không gặp, Lem có lớn lên một chút nhưng gương mặt vẫn vậy, trong giấc ngủ vẫn thoảng chút ngơ ngác, u hoài. Dáng ngủ nằm co như cuộn cả nỗi buồn vào lòng. Dáng ngủ không lẫn của một đứa trẻ mồ côi. Không dằn lòng được, tôi cúi xuống ôm Lem mà nước mắt giàn giụa. Lem giật mình choàng tỉnh, ngỡ ngàng nhận ra tôi, em ngồi bật dậy dụi mắt như không tin vào giấc mơ có thực này. "Chị… chị Mơ!" - Lem run run gọi tên tôi. "Ừ, chị đây!" - tôi ôm chặt Lem vào lòng, òa khóc.
Lem ngơ ngác không hiểu sao tôi lại khóc, đôi mắt em đen láy, đôi mi khẽ chớp vì nỗi vui quá đột ngột. Mấy đứa trẻ trong nhà cũng lục đục thức dậy, nhìn tôi nửa tò mò, nửa như dò hỏi. Có đứa dạn dĩ lại gần sờ vào túi xách của tôi, đứa khác sờ vào chiếc kẹp trên đầu, những đứa còn lại bật cười vui vẻ rồi kéo nhau ra hiên bày trò chơi. Tôi ngồi với Lem gần hết buổi chiều mới đứng lên ra về. Lem bịn rịn ra cửa nhìn theo bóng tôi cho đến khi khuất hẳn.
Tôi về, lòng ray rứt không yên. Đêm đến, tôi định thưa với bố mẹ chuyện chiều nay đã gặp Lem ở trại trẻ mồ côi, nhưng nhìn cảnh bố mẹ đăm đắm vì công việc mưu sinh, tính toán chắt chiu nuôi chị em tôi ăn học, tôi im lặng ngồi vào bàn học. Bố phờ phạc sau mỗi chiều trở về từ công trường, còn mẹ tính toán, giật gấu vá vai chuyện chi tiêu các kiểu vẫn thiếu trước hụt sau. Từ đó, bên cạnh việc học, tôi lao vào làm thêm, việc gì tôi cũng làm miễn có tiền phụ giúp gia đình và lo cho Lem được phần nào.
Ngày cuối tuần, tôi ghé thăm Lem. Trong túi xách có một chiếc váy cho Lem, túi bắp rang bơ, mấy cây kẹo mút. Nhìn thấy quà, mắt Lem ngời lên niềm vui trẻ thơ. Lem tỉ mẩn mở bịch bắp bơ chia cho các bạn đang đứng vây quanh, chỉ giữ lại vài hạt và một cây kẹo mút, cất khư khư trong túi áo. Nhìn Lem nhỏ nhẻ ăn từng hạt bắp như sợ hết, tôi thấy mũi mình cay cay. So với những đứa trẻ đồng trang lứa ở đây, Lem tỏ ra chững chạc hơn, trên gương mặt non nớt kia nỗi u hoài luôn phảng phất, đôi khi tôi bắt gặp trong đôi mắt đó một giọt nước long lanh.
Đều đặn, mỗi tuần tôi đến thăm Lem vào chiều chủ nhật. Như đã quen, Lem luôn đứng bên cửa sổ, tay bám vào chấn song nhìn về cuối con đường. Thấy tôi, gương mặt Lem bừng sáng. Lần nào tôi cũng ngồi chơi với Lem đến hết buổi chiều. Tôi mua giấy màu dạy Lem xếp hạc, đôi tay bé xíu tỉ mẩn cho ra những cánh hạc xinh xẻo. Có những buổi chiều Lem đợi tôi đến chỉ để bi bô đủ thứ chuyện trên đời. Chuyện con mèo nhà ai đi lạc qua đây được mẹ Tuyến gọi vào cho ăn, chuyện đêm đến Lem mơ thấy tôi dắt em chơi ở công viên, chuyện bụi cỏ phía sau nhà có một con rắn xanh lè. Lem ngày càng quyến luyến tôi. Có lẽ trong trí óc non nớt của em, tôi là người thân duy nhất còn lại trên đời. Lần nào thấy tôi chuẩn bị ra về, mắt Lem cũng ngân ngấn nước, Lem theo tôi ra cổng nhưng chỉ đến đó thôi, rồi quay vào. Có lẽ Lem đã được rèn dạy những quy định trong trại trẻ.
"Lọ Lem ơi!" tôi hay gọi em như thế mỗi khi đến thăm. Vẫn cái dáng vẻ bơ vơ và tủi thân vô vàn ấy, Lem từ trong nhà lao ra ập vào lòng tôi với đôi mắt ầng ậng nước.
Hơn một năm trời, đều đặn mỗi tuần tôi ghé thăm Lem, đến một ngày bố mẹ tình cờ phát hiện, tôi bị mắng cho một trận vì cái tội dám giấu chuyện lớn như thế. Bố đến trại trẻ làm thủ tục xin đón Lem về nhà dù lúc này kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Mẹ nhận thêm bao bì về dán, các em tôi cũng lao vào phụ mẹ, bố đêm đến xin được một chân bảo vệ cho nhà máy, chừng đó cũng đủ cho gia đình tôi đắp đổi qua ngày.
Ngày về nhà tôi, Lem bắt đầu vào lớp 1. Thoáng chốc Lem đã vào đại học rồi đi làm xa nhưng mỗi cuối tuần vẫn đều đặn về nhà. Lý và Nhái cũng đã có việc làm ổn định. Tôi theo chồng vào Nam lập nghiệp, tất bật với công việc và hai con nhỏ. Bố mẹ giờ đây tóc đã điểm sương và gương mặt chằng chịt những vết cắt thời gian.
Có lúc tôi lại mơ mình trở về trên con đường dốc sỏi, Lem ngồi phía sau đong đưa trên chiếc xe đạp, chiếc xe đã cùng chúng tôi đi qua một đoạn đường tuổi thơ cơ cực nhưng cũng đầy yêu thương như cơn mưa nhỏ dịu dàng.