Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng thiếu lành mạnh trong giao tiếp diễn ra khá phổ biến, gây không ít hệ lụy. Phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, giáo dục con sửa đổi kịp thời những hành vi xấu…
Phụ huynh hãy dành thời gian quan tâm giáo dục, dạy con điều hay lẽ phải (ảnh mang tính minh họa).
Kể về quá trình rèn giũa T - cô con gái 15 tuổi, vào khuôn khổ, từ bỏ những phát ngôn bừa bãi, thiếu chuẩn mực, chị Kim Chi ở quận Cái Răng, đúc kết kinh nghiệm: “Cả nhà cùng hợp tác, kiên nhẫn và cha mẹ phải nêu gương”.
Giữa năm rồi, khi T đang học lớp 8, cô chủ nhiệm nhắn tin với chị Chi về việc T nói tục, chửi bậy trong lớp nhiều lần, cô đã nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm. Tiếp đó, cô mời phụ huynh vào trao đổi, nếu tình trạng T không cải thiện, sẽ hạ hạnh kiểm. Chị Chi rất bất ngờ bởi vì khi ở nhà hoặc đi chơi, sinh hoạt, không hề nghe con nói tục, còn lễ phép chào hỏi, dạ thưa với người lớn. Chị T gặp bạn bè của con hỏi han thì biết con có nói bậy trên lớp, nhất là khi trò chuyện với các bạn nam, hoặc khi nổi nóng, không vừa ý thì văng tục. Ngoài T, một số bạn ở lớp cũng nói chuyện kiểu như vậy, cô phê bình trong các tiết sinh hoạt lớp, các bạn sửa đổi, nhưng T thì chưa.
Mặc dù rất giận, nhưng thay vì la mắng con, chị Chi chọn giải pháp mềm mỏng, mưa dầm thấm lâu. Chị phân tích cho con những tác hại của việc nói tục, không chỉ ảnh hưởng đến việc giáo dục của gia đình, tính cách con người mà còn liên quan đến hạnh kiểm và phong trào thi đua của lớp. Chị Chi cho con làm bảng kiểm điểm hứa phải thay đổi, một mặt nhờ cô và các bạn theo dõi, nhắc nhở. Bên cạnh đó, chị Chi đem sự việc nói cho cả nhà nghe, vừa là răn đe vừa để các thành viên cùng hợp tác uốn nắn lại lời ăn tiếng nói của T. Anh Hai và cha của T đôi lúc có nói tục, chị Chi kiên quyết bắt phải bỏ tật xấu để làm gương. Nhờ sự quan tâm của mọi người, tần suất phát ngôn bừa bãi của T giảm, chị Chi cũng động viên, khen ngợi kịp thời. Khắc phục được lỗi lầm và có sự cố gắng, năm rồi T đạt danh hiệu học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt. Hiện T đang học lớp 9, chị Chi theo sát, thường xuyên nhắc nhở con không vi phạm.
Trong lần dẫn N, con trai 14 tuổi đi chơi, chị Tuyết ở quận Ninh Kiều, tá hỏa khi chứng kiến đứa con sống “nội tâm”, khi ở nhà rất ít nói chuyện, lại văng tục rôm rả với các bạn trong nhóm. Các con còn kể chuyện hài, dùng nhiều tiếng lóng nói về những bộ phận nhạy cảm và những hành vi ám chỉ tình cảm nam nữ, rồi giỡn hớt, cười lớn… rất kém duyên. Chị Tuyết kêu con và các bạn lại nghiêm túc nhắc nhở, giải thích cho các con biết những hành vi vừa rồi là không phù hợp khi đến nơi công cộng, khuyên các con từ bỏ cách nói chuyện sử dụng từ ngữ thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng bạn bè… Về nhà, chị Tuyết gặng hỏi thì N cho biết có tham gia các nhóm chat trên mạng, thường dùng tiếng lóng khi nói chuyện với nhau. Chị Tuyết cảm thấy không ổn nên bàn với chồng cùng hợp tác rèn con vào nền nếp, từ cách ăn nói đến tác phong sinh hoạt, ứng xử, đồng thời loại bỏ các nội dung độc hại trên máy tính, điện thoại… Chị Tuyết cũng trao đổi với phụ huynh cùng nhóm về sự việc trên để cùng uốn nắn lại con.
Cũng vì cách nói chuyện văng tục, dẫn đến mâu thuẫn, cãi cọ trên mạng xã hội, tháng rồi, C (đang học lớp 9 ở quận Ninh Kiều) và nhóm bạn học cùng trường hẹn gặp để giải quyết. Một bạn chơi chung với C biết chuyện, sợ C bị đánh, đã kể lại với mẹ và chị này thông báo đến mẹ của C. Nhờ các phụ huynh phối hợp giải quyết mà vụ việc êm xuôi. Mẹ của C sau khi xem facebook cá nhân, thấy cách con và các bạn hay nói những câu từ không phù hợp, gây hấn, khích bác nhau… nên quyết định đóng trang, chỉ cho con sử dụng Zalo để trao đổi bài vở với lớp. Mẹ C dẫn chứng, nói cho con hiểu về tình trạng bạo lực học đường, đánh nhau, nhiều vụ xuất phát từ mâu thuẫn trong cách ăn nói, hướng dẫn con cách phòng ngừa, không để họa từ miệng mà ra. Đồng thời, chị thường xuyên kiểm tra những trang web, link mà con truy cập để tránh nhiễm nội dung độc hại trên mạng; để ý nếu con phát ngôn không đúng là chỉnh sửa ngay.
Nói tục, chửi bậy là hành vi xấu và nếu không được uốn nắn từ sớm, sẽ rất khó từ bỏ, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển. Vì vậy, ngay khi phát hiện con mình nhiễm thói xấu này, phụ huynh đừng nghĩ chuyện nhỏ cho qua, mà hãy nghiêm khắc nhắc nhở con sửa đổi. Không ít trẻ có suy nghĩ lệch lạc cho rằng phải nói tục, chửi bậy mới sành điệu, lời nói mới có sức nặng, gây được sự chú ý… Nhiều khi trẻ nói từ tục nhưng không hiểu nghĩa, cha mẹ nên giải thích cho con từ đó xấu như thế nào để tránh, hướng dẫn trẻ kỹ năng giao tiếp, ăn nói lịch sự, đúng mực, có văn hóa… Trong quá trình uốn nắn, ngoài việc làm gương, phụ huynh cần kiên trì, bao dung, đồng hành để trẻ có thêm động lực sửa sai, học tập và rèn luyện tốt hơn.