20/11/2024 - 08:13

Nghiên cứu tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp dưới

Ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng đề kháng kháng sinh 

Sự lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động như hiện nay. Trong 2 năm (2022-2023), Khoa Xét nghiệm Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ nghiên cứu các chủng vi khuẩn gây bệnh phân lập được từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới để đánh giá tình trạng đề kháng kháng sinh. Từ đó, đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời, khuyến cáo cộng đồng chung tay ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng đề kháng kháng sinh.

CKI XNYH Huỳnh Quang Minh giám sát nhân viên thực hiện kỹ thuật lên mẫu xét nghiệm miễn dịch.

Hệ lụy khôn lường

Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới và nguyên nhân gây ra tình trạng này là việc lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng. Mặc dù hệ thống y tế các cấp liên tục phát triển, hầu hết các trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có bác sĩ và ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng ngày càng nâng cao, nhưng vẫn còn phổ biến thói quen ra hiệu thuốc khai bệnh để mua thuốc mà không cần toa của bác sĩ. BS CKI Lê Thị Thúy Nhàn, Khoa Nội tổng hợp BV Ða khoa TP Cần Thơ cho biết, bệnh nhân mắc bệnh hô hấp thường có tình trạng kháng thuốc cao. Qua khai thác bệnh sử, hầu hết người bệnh thường xuyên tự mua thuốc tại các nhà thuốc. Bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, tái đi tái lại, thể trạng gầy yếu, suy nhược... Việc điều trị cho nhóm bệnh nhân này gặp nhiều khó khăn, do các triệu chứng bệnh diễn tiến dai dẳng, nguy cơ mắc bệnh nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài hơn. BS Thúy Nhàn khuyến cáo mọi người không nên tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định; bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh nền chủ động tiêm ngừa các bệnh đường hô hấp và quan tâm đến dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Bên cạnh thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc, lạm dụng kháng sinh, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh gia tăng còn do nguyên nhân từ các cơ sở y tế. BV không được trang bị đầy đủ các biện pháp phòng, chống lây nhiễm chéo trong môi trường BV và cán bộ y tế thiếu kiến thức về sử dụng kháng sinh hợp lý. Thêm vào đó, việc gia tăng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng là nguyên nhân gia tăng vi khuẩn kháng kháng sinh, đe dọa hiệu quả điều trị của kháng sinh, gia tăng gánh nặng của các bệnh truyền nhiễm.

Hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh rất nặng nề, bao gồm các tác dụng phụ do thuốc gây ra, giảm hiệu quả điều trị bệnh, gây tốn kém, lãng phí và nhất là kháng kháng sinh (lờn thuốc). Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi có nguy cơ dẫn đến cơ thể người bệnh phát sinh những loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh và sản sinh ra chủng loại vi khuẩn thế hệ sau có mức độ đề kháng cả với loại kháng sinh cực mạnh, khi bị bệnh nặng sẽ không có loại kháng sinh tốt hơn để dùng. Thậm chí người bệnh có thể sẽ tử vong bởi những bệnh nhiễm khuẩn thông thường mà không có kháng sinh điều trị phù hợp. Các bác sĩ khuyến cáo, nguyên tắc sử dụng kháng sinh an toàn: Chỉ dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ; dùng kháng sinh đúng liều, đúng cách; dùng kháng sinh đủ thời gian.

Những khuyến cáo từ nghiên cứu về vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp dưới

Theo kết quả nghiên cứu năm 2017 của Hiệp hội hô hấp châu Âu, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, nhất là viêm phổi gây tử vong cho 2,8 triệu người mỗi năm, đứng thứ 3 sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Bộ Y tế cũng đã lên tiếng về hệ lụy của nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới làm kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân. 

BS Thúy Nhàn thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh hô hấp.

Theo CKI Xét nghiệm y học Huỳnh Quang Minh, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm BV Ða khoa TP Cần Thơ, việc chẩn đoán, điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới còn nhiều khó khăn do tình hình dịch tễ đa dạng của vi khuẩn gây bệnh. Hơn nữa, phổ vi khuẩn và tỷ lệ đề kháng kháng sinh luôn thay đổi khác nhau giữa các BV, các khu vực theo từng năm. Ðặc biệt, tình hình kháng thuốc ngày càng gia tăng nhanh chóng do sử dụng thuốc không hợp lý gây khó khăn trong điều trị kháng sinh ban đầu, làm tăng tỷ lệ tử vong.

Chính vì vậy, anh Minh và các cộng sự chọn thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm và tính đề kháng kháng sinh của các loại vi khuẩn phân lập được từ các bệnh phẩm đường hô hấp dưới tại BV Ða khoa TP Cần Thơ từ năm 2022 đến năm 2023”. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm xác định đặc điểm vi khuẩn được phân lập từ mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới và đánh giá tình hình kháng thuốc của các vi khuẩn này. Qua đó, góp phần giúp các bác sĩ lâm sàng dễ dàng lựa chọn được kháng sinh còn có tác dụng cho các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới.

Ngày 25-9-2023, Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt. Chiến lược hướng đến các mục tiêu làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm. Ðồng thời, đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiến lược bao gồm các mục tiêu cụ thể: nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm. Chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2045 nước ta cơ bản kiểm soát được tình trạng kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu quả tương đương với các nước phát triển trên thế giới.

Ðối tượng nghiên cứu là các chủng vi khuẩn gây bệnh được phân lập từ khoảng 250 mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới, trong đó chủ yếu là mẫu đàm và dịch rửa phế quản của bệnh nhân nằm viện tại BV Ða khoa TP Cần Thơ từ tháng 1-2022 đến tháng 6-2023. Số mẫu bệnh phẩm được lấy nhiều nhất từ bệnh nhân Khoa Hồi sức tích cực (gần 83%), còn lại là Khoa Nội tổng hợp (hơn 10%) và một số ít khoa khác. Kết quả phân lập và định danh vi khuẩn cho thấy, 3 chủng vi khuẩn Acinetobacter baumannii, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae là các chủng nổi trội, chiếm khoảng 85% tổng số các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới.

Qua kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả báo động về tình trạng nhiều loại vi khuẩn đề kháng với hầu hết các loại kháng sinh thông thường được sử dụng tại BV. Ví dụ, chủng A. baumannii (là một trong những vi khuẩn gây nhiễm trùng thường gặp nhất) kháng đa số kháng sinh và chỉ còn nhạy với một số loại như Colistin (100%), Trimethoprim Sulfamethoxazole (35,2%), Tobramycin (8,3%). Các chủng E. coli, chủng K.pneumoniae cũng có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao với hầu hết các loại kháng sinh được thử nghiệm tại BV. Một số chủng có tỷ lệ phân lập được thấp hơn nhưng lại có tính chất đề kháng kháng sinh nghiêm trọng như chủng P. aeruginosa, vi khuẩn thường gặp trong viêm phổi. Ðặc biệt nghiêm trọng là chủng S. aureus, chỉ còn lại một số kháng sinh mới (ít phổ biến) được sử dụng tại BV còn nhạy cảm cao…

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả Huỳnh Quang Minh và các cộng sự đề xuất cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc sử dụng các kháng sinh có độ nhạy cao với các vi khuẩn gram âm và gram dương. Các cơ sở y tế cần được trang bị đầy đủ kháng sinh để tránh sự đề kháng và bác sĩ sẽ có nhiều lựa chọn kháng sinh phù hợp hơn. Có giải pháp hạn chế sử dụng rộng rãi các loại kháng sinh cephalosporins thế hệ mới làm sự bùng phát ngày càng phổ biến các trường hợp nhiễm khuẩn do các tác nhân tạo men β-lactam phổ rộng (ESBL) có khả năng kháng lại rất nhiều loại kháng sinh. Có hướng dẫn rõ ràng theo quy định cho người kê đơn, kê và sử dụng các loại kháng sinh hiện còn tỷ lệ nhạy cao phù hợp với từng loại vi khuẩn hoặc có thể kết hợp kháng sinh. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra việc sử dụng, kê các loại thuốc kháng sinh tại các đơn vị y tế cũng như việc bán thuốc cho người dân tại các nhà thuốc.

 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết