Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Rio de Janeiro (Brazil) hôm 18-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ Nam bán cầu, đồng thời kêu gọi xây dựng một thế giới công bằng, phát triển chung.
Các nhà lãnh đạo G20 chụp hình lưu niệm. Ảnh: AFP
Theo đó, Trung Quốc sẽ hỗ trợ sự phát triển toàn cầu bằng 8 hành động, gồm xây dựng Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) “chất lượng cao” - kế hoạch chính sách đặc trưng của Bắc Kinh nhằm hướng các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tuyên bố nước này cùng với Brazil, Nam Phi và Liên minh châu Phi (AU) đang khởi động “Sáng kiến hợp tác quốc tế về khoa học mở” nhằm đưa các sáng kiến khoa học và công nghệ đến Nam bán cầu.
“Trung Quốc ủng hộ G20 trong việc thực hiện các kế hoạch hợp tác thiết thực vì lợi ích của Nam bán cầu. Trung Quốc sẽ luôn là thành viên của Nam bán cầu, là đối tác đáng tin cậy và lâu dài của các nước đang phát triển, đồng thời là nhà hành động và tiên phong vì sự nghiệp phát triển toàn cầu. Trung Quốc không muốn trở thành một thế lực đơn lẻ mà chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ chung tay với các nước đang phát triển để đạt được mục tiêu hiện đại hóa” - ông Tập nhấn mạnh.
Tờ Hoàn cầu Thời báo cho biết, Chủ tịch Tập còn bày tỏ sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên vì một thế giới đa cực bình đẳng và trật tự, cũng như vì một nền kinh tế toàn cầu hóa bao trùm và mang lại lợi ích trên toàn thế giới. Ông cũng hy vọng G20 sẽ đóng vai trò lớn hơn như một nền tảng quan trọng cho hợp tác kinh tế quốc tế.
Chủ tịch Tập Cận Bình đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu. Ông kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là các tổ chức tài chính quốc tế và các chủ nợ chính, tham gia vào việc giảm nợ và đình chỉ nghĩa vụ trả nợ đối với các quốc gia đang phát triển. Đây là một trong những sáng kiến quan trọng để giúp các nền kinh tế yếu hơn đối phó những khó khăn tài chính, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, ông Tập Cận Bình kêu gọi thúc đẩy một nền kinh tế toàn cầu bền vững và thân thiện với môi trường. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới chuyển đổi năng lượng toàn cầu, khẳng định cần thúc đẩy chuyển đổi xanh và giảm phát thải carbon. Chủ tịch Trung Quốc đề xuất chuyển đổi năng lượng phải được thực hiện một cách có trật tự, không nên vội vàng và có lộ trình thay thế dần các nguồn năng lượng truyền thống bằng năng lượng sạch.
Một trong những vấn đề quan trọng khác được Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập tới là đổi mới công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Ông kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý và phát triển AI để đảm bảo công nghệ này sẽ có lợi cho tất cả mọi người, không chỉ cho các quốc gia giàu có. Việc phát triển AI cần được thực hiện trong khuôn khổ các nguyên tắc đạo đức và phải phục vụ cho mục tiêu chung của nhân loại, thay vì chỉ phục vụ lợi ích của các quốc gia giàu có và các công ty lớn.
Mặc dù Thượng đỉnh G20 bị chi phối bởi sự phân hóa rõ rệt trong các vấn đề địa chính trị nhưng các nhà lãnh đạo vẫn đạt được một số thỏa thuận quan trọng, bao gồm việc tăng thuế đối với giới siêu giàu, hỗ trợ tài chính cho biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza và Ukraine. Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 tái khẳng định cam kết đối với các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh những thách thức hiện nay, từ biến đổi khí hậu đến xung đột và bất bình đẳng toàn cầu, chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác đa phương. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chưa thể đưa ra cam kết rõ ràng về tài trợ cho các quốc gia đang phát triển nhằm tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, mà chỉ ghi nhận nguồn tài chính cần thiết sẽ đến từ “tất cả các nguồn lực”.
Cam kết đóng góp mang tính “lịch sử” của Mỹ
Ngày 18-11, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết đóng góp 4 tỉ USD cho quỹ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) để giúp đỡ các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ công bố cam kết đóng góp số tiền trên trong 3 năm tại cuộc họp kín của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Rio de Janeiro, Brazil.
IDA chủ yếu cung cấp các khoản tài trợ và các khoản vay lãi suất rất thấp cho những nước nghèo nhất, bao gồm các dự án tập trung vào khí hậu. Quỹ này được bổ sung 3 năm một lần.
Cam kết vừa rồi của ông Biden là một kỷ lục và cao hơn con số 3,5 tỉ USD mà Washington đã cam kết trong vòng bổ sung quỹ IDA hồi cuối năm 2021.
Tuy nhiên, cam kết mới sẽ không ràng buộc đối với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Trump từng cam kết sẽ hủy bỏ nhiều chính sách của người tiền nhiệm và đã thành lập một ban hiệu quả với nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu lãng phí của Mỹ.
|
TRÍ VĂN (Tổng hợp)