18/11/2024 - 06:34

Philippines muốn mua tên lửa Typhon của Mỹ 

Sau khi mua được các bệ phóng tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos từ Ấn Độ, Philippines đang có kế hoạch mua hệ thống phóng tên lửa mặt đất tầm trung (MRC) Typhon do tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) phát triển. Động thái này của Manila dường như là lời đáp đối với kêu gọi trước đó của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người từng nhiều lần bày tỏ mong muốn các đồng minh tăng cường chi tiêu quốc phòng và đóng góp trực tiếp hơn vào việc duy trì trật tự an ninh quốc tế do Mỹ lãnh đạo.

Hệ thống phóng tên lửa MRC Typhon của Mỹ. Ảnh: CNN

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro Jr trong một tuyên bố cho biết, Manila sẽ “sở hữu” hệ thống Typhon trong tương lai gần. “Chúng tôi thực sự có kế hoạch sở hữu hệ thống này, bởi nó giúp chúng tôi tăng cường khả năng răn đe” - ông Teodoro phát biểu trước báo giới.

Đầu năm nay, Typhon đã được đưa đến Philippines để tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines. Đây là loại tên lửa tầm trung đầu tiên được Lầu Năm Góc triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi Nhà Trắng rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung vào năm 2019, vốn cấm phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500km-2.500km. Động thái trên buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng cảnh báo, qua đó thừa nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của các hệ thống tên lửa trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Song, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trong những tháng gần đây, chính quyền Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã hoan nghênh việc mở rộng hợp tác quốc phòng với phương Tây để tăng cường khả năng răn đe và kiểm soát các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. “Hiện tại, chúng tôi chưa có kế hoạch rút hệ thống tên lửa Typhon ra khỏi Philippines. Chúng tôi cần nó để huấn luyện và nâng cao năng lực của quân đội” - Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Được biết, hệ thống Typhon có khả năng phóng tên lửa đánh chặn SM-6 có tầm bắn hơn 482km và có thể thực hiện các nhiệm vụ phòng không, chống hạm và tấn công trên bộ. Tên lửa này có thể đánh chặn máy bay, tên lửa đạn đạo và các mối đe dọa trên biển, tạo ra lớp phòng thủ vững chắc cho Hải quân Philippines.

Typhon cũng tương thích với tên lửa SM-2 và trong tương lai, có thể tích hợp các loại đạn tiên tiến hơn như tên lửa dẫn đường tầm xa mở rộng hoặc tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao, với tầm tấn công lên tới 500km. Bên cạnh đó, thiết kế mô-đun của Typhon cũng có thể phù hợp với hệ thống phóng tên lửa hành trình Tomahawk, qua đó mở rộng tầm bắn từ 500 lên 1.500km, cho phép Philippines tấn công chính xác các mục tiêu chiến lược tầm xa. Bằng cách bổ sung Tomahawk hoặc các tên lửa tầm xa tương tự, Typhon sẽ chuyển đổi thành một nền tảng đa chiến trường mạnh mẽ, tăng cường khả năng răn đe chiến lược trên biển của Philippines, qua đó đặt các hệ thống khí tài quân sự của Trung Quốc, gồm các tên lửa chống tên lửa đạn đạo được đặt ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc và ở Biển Đông vào tầm ngắm trong trường hợp xảy ra bất trắc.

Trước thông tin trên, tờ Hoàn cầu Thời báo cảnh báo Philippines đang “trên đường trở thành kẻ gây rối thực sự ở Biển Đông” khi có những hành động gây tác động tiêu cực đến quan hệ song phương và sự ổn định của khu vực. Trong khi đó, các chuyên gia an ninh hàng đầu của Trung Quốc như Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng việc Philippines “mua bất kỳ loại vũ khí nào cũng không có ích và không mang lại ý nghĩa gì”. Về phần mình, Ang Xiao, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Hàng hải thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cáo buộc Philippines “đóng vai nạn nhân” và dựa vào hệ thống vũ khí của Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, khả năng mua lại hệ thống tên lửa Typhon chỉ là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm biến Philippines trở thành một thế lực có năng lực quân sự và đóng vai trò không thể thiếu về mặt địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các cường quốc gia tăng ở châu Á.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết