16/07/2025 - 09:19

Ông Trump gửi “tối hậu thư” cho Nga 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách gây áp lực nhằm buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết cuộc xung đột Ukraine thông qua việc kết hợp cung cấp vũ khí cho Kiev và dọa áp thuế 100% lên các quốc gia giao dịch với Mát-xcơ-va.

Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 14-7. Ảnh: Reuters

Ngày 14-7, Tổng thống Trump đã ra tối hậu thư đề nghị Nga giải quyết cuộc xung đột trước đầu tháng 9 hoặc đối mặt thêm biện pháp trừng phạt. “Chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế rất nghiêm ngặt, khoảng 100%, nếu Nga không đồng ý thỏa thuận chấm dứt chiến sự trong vòng 50 ngày. Chúng tôi sẽ áp thuế thứ cấp”, ông Trump nói.

Một quan chức Nhà Trắng giải thích rằng Tổng thống Trump nhắc đến việc đánh thuế 100% đối với hàng hóa Nga và “thuế thứ cấp” lên các quốc gia mua hàng của nước này. “Thuế thứ cấp” được coi là lời đe dọa nhắm tới ngành dầu mỏ của Nga, từ đó làm suy yếu khả năng ứng phó của Mát-xcơ-va trước các lệnh trừng phạt vốn nặng nề từ phương Tây.

Thông báo này đánh dấu bước ngoặt đối với một vị tổng thống từng dự định rút lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine và nhiều lần thể hiện sự ưu ái với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Cùng ngày, ông Trump cũng đã bày tỏ sự thất vọng về Tổng thống Putin sau nhiều cuộc điện đàm giữa ông với nhà lãnh đạo Nga kể từ khi nhậm chức vào tháng 1.

Ngay sau đó, Nga đã phản ứng đối với tối hậu thư của ông Trump. “Nếu thực sự muốn tiến triển trong việc giải quyết vấn đề Ukraine, ông Trump nên cứng rắn với chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thay vì đe dọa Nga bằng lệnh cấm vận thứ cấp”, ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga (Hạ viện), nhấn mạnh. Ông Slutsky tái khẳng định Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng chấm dứt xung đột.

Trong khi đó, mặc dù hoan nghênh quan điểm của Tổng thống Mỹ đối với Nga, Cao ủy Liên minh châu Âu về đối ngoại Kaja Kallas cho rằng thời hạn 50 ngày là “quá lâu”.

Nga xuất khẩu rất ít hàng hóa đến Mỹ, chưa đến 5 tỉ USD vào năm 2023, và giảm xuống chỉ còn 3 tỉ USD năm ngoái. Do đó, thuế quan chỉ có tác động tương đối nhỏ đến Nga. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành năng lượng và khách hàng của Mát-xcơ-va sẽ gây tổn hại cho nước này nhiều hơn.

Nỗ lực tại Thượng viện

Cảnh báo mới nhất của ông Trump đối với Nga và quyết định chuyển vũ khí được sản xuất tại Mỹ cho Ukraine (các đồng minh châu Âu sẽ chi trả khoản này), diễn ra song song với nỗ lực do Thượng viện dẫn đầu nhằm thông qua các lệnh trừng phạt quy mô lớn hơn.

Cụ thể, dự luật này đề xuất Tổng thống Trump có thẩm quyền áp thuế đến 500% đối với các quốc gia mua năng lượng của Nga nếu Mát-xcơ-va từ chối hòa giải với Kiev. Văn kiện cũng cho phép chủ nhân Nhà Trắng miễn trừ trừng phạt trong 180 ngày đối với các nước và hàng hóa nếu ông nhận thấy hành động này là vì “lợi ích an ninh quốc gia” Mỹ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Brian Mast, doanh số bán dầu khí là nguồn thu lớn nhất cho phép Nga tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine. Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil nằm trong số các đối tác mua năng lượng của Nga và sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các lệnh trừng phạt.

“Mục đích không phải là tăng thêm thuế quan và lệnh trừng phạt, mà là đưa ông Putin vào bàn đàm phán hòa bình”, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Richard Blumenthal, hai nhân vật soạn thảo dự luật, nói trong tuyên bố chung hôm 14-7.

Đến nay, dự luật này đã nhận được 85 chữ ký tại Thượng viện gồm 100 ghế. Các lãnh đạo đảng Cộng hòa của ông Trump tại lưỡng viện muốn đưa dự luật ra thảo luận và bỏ phiếu trước khi Quốc hội bước vào kỳ nghỉ kéo dài vào đầu tháng 8. Vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật, nhưng muốn kiểm soát thời điểm kích hoạt các lệnh trừng phạt. Yêu cầu này đã khiến ông bất đồng quan điểm với một số nghị sĩ Dân chủ bảo trợ dự luật.

HẠNH NGUYÊN (Theo USA Today, The Hill)

Chia sẻ bài viết