17/07/2025 - 06:11

Người Druze trong cuộc xung đột sắc tộc mới ở Syria 

Bộ Quốc phòng Syria hôm 15-7 tuyên bố ngừng bắn hoàn toàn tại thành phố Sweida, miền Nam nước này, nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Druze. Thỏa thuận ngừng bắn đạt được sau các cuộc đụng độ dữ dội giữa quân đội chính quyền lâm thời Syria và các nhóm vũ trang Druze với sự tiếp tay của quân đội Israel làm ít nhất 166 người thiệt mạng. 

Israel ngừng không kích do tác động của Mỹ?

Bạo lực tại Sweida bùng phát từ ngày 13-7 khi các tay súng người Bedouin bắt cóc một tiểu thương người Druze, dẫn tới hàng loạt cuộc đụng độ giữa người Bedouin và người Druze. Trước tình hình đó, chính quyền lâm thời Syria đã phải điều binh sĩ tới Sweida để lập lại trật tự và có các cuộc giao tranh dữ dội với lực lượng vũ trang tại đây, khiến 18 binh sĩ thiệt mạng.

Người Druze tại Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát theo dõi cuộc xung đột ở Sweida. Ảnh: Getty Images

Hôm 15-7, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết theo lệnh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz đã tiến hành không kích lực lượng quân đội của chính phủ lâm thời Syria sau nhiều ngày xảy ra giao tranh sắc tộc dữ dội tại đây. 

Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Katz cho hay, các cuộc không kích nhắm vào “lực lượng chính phủ” và vũ khí được đưa đến Sweida để chống lại người Druze. “Vì mối liên minh anh em sâu sắc với công dân Druze của chúng tôi tại Israel, Israel cam kết ngăn chặn thiệt hại cho người Druze ở Syria. Chúng tôi đang hành động để ngăn chặn chế độ Syria gây hại cho họ và đảm bảo phi quân sự hóa khu vực giáp biên giới của chúng tôi với Syria” - ông Netanyahu và ông Katz tuyên bố.

Theo Bộ Ngoại giao Syria, một số thường dân và thành viên lực lượng an ninh đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel nhưng không cung cấp số liệu cụ thể. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Syria lên án các cuộc tấn công của Tel Aviv, gọi đây là “hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền của Syria” và là “một ví dụ đáng bị lên án vì hành vi xâm lược và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền”.

Nhiều quốc gia Trung Đông cũng bày tỏ quan ngại về sự can thiệp quân sự của Israel đối với các cuộc xung đột tại tỉnh Sweida. Đặc phái viên Mỹ tại Syria - ông Tom Barrack - cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại trước tình trạng bạo lực đẫm máu ở Sweida, đồng thời cho biết Washington đang nỗ lực khôi phục sự bình yên ở quốc gia Trung Đông.

Trên mạng xã hội X, Tom Barrack chia sẻ: “Những cuộc giao tranh gần đây ở Sweida gây lo ngại cho tất cả các bên, và chúng tôi đang nỗ lực hướng tới nều hòa bình, toàn diện cho các bộ tộc Druze, Bedouin, Chính phủ Syria và các lực lượng Israel”.

Trang mạng Axios dẫn nguồn một quan chức chính quyền Mỹ xác nhận Israel đã chấp thuận đề nghị của Washington về việc ngừng các cuộc không kích vào lực lượng quân sự ở miền Nam Syria. 

Vai trò của người Druze trong cuộc xung đột

Cộng đồng người Druze khởi nguồn từ thế kỷ thứ 10 và là một nhánh của cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite. Ước tính, hơn một nửa trong số khoảng 1 triệu người Druze trên toàn thế giới sống ở Syria. Phần lớn người Druze còn lại sống ở Lebanon và Israel, gồm cả ở Cao nguyên Golan, nơi Israel chiếm từ Syria trong Chiến tranh Trung Đông lần 3 năm 1967, trước khi chính thức sáp nhập vào năm 1981.

Ở miền Nam Syria, cụ thể là thành phố Sweida, cộng đồng người Druze bị kẹt giữa lực lượng của chính quyền Bashar al-Assad và các nhóm cực đoan trong cuộc nội chiến kéo dài 14 năm của Syria. Kể từ khi chính quyền của ông al-Assad sụp đổ, các cuộc đụng độ giữa lực lượng trung thành với chính quyền Syria mới và các tay súng Druze thường xuyên nổ ra dù Tổng thống al-Sharaa nhiều lần cam kết bảo vệ và cho phép người Druze tham gia chính quyền. Song, cho đến nay, chỉ có 1 trong số 23 thành viên của chính phủ Syria là người Druze. 

Theo đài CNN, một vấn đề then chốt gây căng thẳng trong quan hệ giữa chính phủ Syria mới và dân quân Druze là việc giải giáp và hội nhập lực lượng này. Vốn có mục tiêu sáp nhập các phe phái vũ trang dưới một quân đội thống nhất nhưng Tổng thống al-Sharaa đã không thể đạt được thỏa thuận với người Druze, lực lượng kiên quyết không giao nộp vũ khí và giữ lại lực lượng dân quân độc lập.

Trong khi đó, khoảng 130.000 người Druze sinh sống tại dãy núi Carmel và vùng Galilee của Israel. Trái ngược với các cộng đồng thiểu số khác trong biên giới Israel, kể từ năm 1957, nam giới người Druze trên 18 tuổi bị bắt đi nghĩa vụ quân sự và thường được thăng tiến lên các vị trí cấp cao. Đáng chú ý, nhiều người trong số họ còn tạo dựng sự nghiệp trong lực lượng cảnh sát và an ninh Israel.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết