Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã khao khát giành giải Nobel Hòa bình bởi đây là “giải thưởng danh giá nhất thế giới”. Ông đã nhận được đề cử cho giải này từ ít nhất 4 đồng minh, gần đây nhất là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Tổng thống Trump nhận lá thư đề cử giải Nobel Hòa bình từ Thủ tướng Netanyahu. Ảnh: AP
Trong chuyến thăm Mỹ mới đây, ông Netanyahu đã trao cho Tổng thống Trump lá thư đề cử chủ nhân Nhà Trắng thứ 47 cho giải Nobel Hòa bình. Bức thư tuyên bố ông Trump xứng đáng nhận giải nhờ Hiệp định Abraham năm 2020 - văn kiện do Mỹ làm trung gian nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và các quốc gia Arab, gồm Bahrain, Maroc, Sudan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Người kiến tạo hòa bình gây tranh cãi
Tuy nhiên, Saudi Arabia, quốc gia quan trọng nhất trong thế giới Arab đã từ chối tham gia hiệp định vì nó không đề cập đến cuộc xung đột Israel - Hamas, vốn là trở ngại chính cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Gần đây hơn, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã chỉ trích các hành động của Israel ở Dải Gaza.
Mặc dù Tổng thống Mỹ cam kết sẽ chấm dứt xung đột ở Gaza và bản thân đã giúp đạt được lệnh ngừng bắn hồi đầu năm nay, nhưng sau đó ông không thể ngăn cản Israel rút khỏi thỏa thuận. Dân thường Palestine tiếp tục thiệt mạng dưới các vũ khí do Washington cung cấp, trong khi những người khác thì bị bắn lúc tìm kiếm thực phẩm viện trợ từ các nhà thầu Mỹ.
Tháng rồi, quân đội Mỹ đã ném bom các cơ sở hạt nhân ở Iran, bất chấp các cơ quan tình báo nước này đánh giá Tehran không chế tạo bom nguyên tử.
Trước đó, ông Trump nhận công lao làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan vào tháng 5. Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định giao tranh kết thúc là nhờ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa quân đội 2 nước này.
Chính phủ Pakistan đã nắm bắt cơ hội để đề cử ông Trump cho giải Nobel Hòa bình năm 2026. Nhưng khi ông Trump ra lệnh ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran, Islamabad đã lên án hành động này.
Ông Trump cũng nhận công về một thỏa thuận hòa bình gần đây giữa Rwanda và CHDC Congo, mặc dù quốc gia dẫn đầu nỗ lực ngoại giao này trên thực tế là Qatar.
Nhà lãnh đạo Mỹ từng hứa sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm ở Ukraine, nhưng hôm 14-7, ông nhắc đến thỏa thuận hòa bình tiềm năng với nỗi thất vọng. “Tôi cảm thấy chúng ta đã đạt được thỏa thuận khoảng 4 lần. Nhưng nó cứ tiếp diễn mãi”, ông Trump nói.
Ủy ban Nobel Na Uy thận trọng
Giải Nobel Hòa bình thường trao cho những đóng góp nhân đạo, với những tổ chức từng nhận giải bao gồm Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).
Về khía cạnh này, ông Trump cũng chưa làm tròn trách nhiệm, khi một nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh dự đoán việc ông cắt giảm ngân sách của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ dẫn đến 14 triệu ca tử vong không đáng có vào năm 2030, với hơn 4 triệu trẻ dưới 5 tuổi.
Những cá nhân và tổ chức đấu tranh vì môi trường từng đoạt giải Nobel Hòa bình. Vào năm 2007, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc và cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore đã chia sẻ giải thưởng này.
Trong khi đó, ông Trump chế giễu sự đồng thuận khoa học về biến đổi khí hậu, thúc đẩy than đá trong khi phản đối các nguồn năng lượng sạch. Ông đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris tới 2 lần, trong cả nhiệm kỳ đầu tiên và thứ hai.
Do vậy, Ủy ban Nobel Na Uy có thể sẽ không chọn ông Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ.
Trong bài diễn văn nhậm chức hồi đầu năm nay, Tổng thống Trump tuyên bố “di sản đáng tự hào nhất” của ông với tư cách tổng thống sẽ là một “người kiến tạo hòa bình”. Nhưng chỉ 6 tháng sau, ông đã ra lệnh không kích ở nước ngoài nhiều gần bằng với chính quyền tiền nhiệm trong 4 năm. Cụ thể, Mỹ đã thực hiện ít nhất 529 vụ ném bom, so với 555 vụ của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden.
Các giải Nobel được công bố vào tháng 10 hằng năm, nhưng hạn chót gửi đề cử là tháng 1, tức đề cử mà Thủ tướng Netanyahu dành cho ông Trump sẽ không được xem xét vào năm 2025. Trong số những người hoài nghi động thái đề cử này, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt cho rằng ông Netanyahu đang tìm cách “lấy lòng” ông Trump.
HẠNH NGUYÊN (Theo The Globe and Mail, Independent)