Theo các nguồn thạo tin ngày 17-11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) để tấn công vào các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Nga, đánh dấu một sự thay đổi lớn về chính sách của Washington đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine vào năm 2023. Ảnh: WSJ
Làm suy yếu chiến dịch tấn công của Nga
Trong hơn một năm qua, Ukraine đã sử dụng ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công các căn cứ không quân ở bán đảo Crimea, nơi Nga đã tuyên bố sáp nhập. Các vị trí quân sự tại khu vực Zaporizhzhia ở phía Ðông Nam Ukraine cũng bị tấn công bằng loại vũ khí này.
Cho đến gần đây, chính quyền ông Biden vẫn kiên quyết phản đối việc Ukraine bắn ATACMS vào lãnh thổ Nga vì lo ngại hành động này sẽ khiến xung đột leo thang. Một số quan chức Lầu Năm Góc cũng phản đối việc cung cấp những tên lửa này cho Ukraine do nguồn cung hạn chế.
Tuy nhiên, động thái “bật đèn xanh” diễn ra chỉ 2 tháng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20-1-2025. Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ sớm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine ngay khi lên cầm quyền. Ðài CNN ngày 17-11 cho biết ông Trump có ý định chứng tỏ là “nhà đàm phán xuất sắc” và sẽ gây áp lực buộc Ukraine phải giải quyết cuộc xung đột với Nga trong bối cảnh Kiev “bắt đầu thua”.
Sở hữu tầm bắn lên tới 300km với đầu đạn chứa khoảng 170kg thuốc nổ, ATACMS là một trong những loại tên lửa mạnh nhất từng được cung cấp cho Ukraine. ATACMS có thể tấn công vào các mục tiêu ở sâu hơn trong lãnh thổ Nga so với bất kỳ tên lửa nào khác của Ukraine, nhưng không thể bay xa như tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Quyết định trên được đưa ra khi Nga chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm giành lại phần lãnh thổ ở tỉnh Kursk của Nga mà Ukraine đã chiếm được từ hồi tháng 8. Các vũ khí và thiết bị quân sự của Nga, chẳng hạn như máy bay chiến đấu, đã được chuyển đến các sân bay xa hơn bên trong lãnh thổ Nga để chuẩn bị cho kịch bản Washington cho phép Kiev tấn công tầm xa. Do vậy, giới chức Mỹ không kỳ vọng hành động “cởi trói” cho Ukraine sẽ “thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến,” nhưng nó có thể làm suy yếu chiến dịch tấn công của Nga, đồng thời gửi thông điệp răn đe tới lực lượng hỗ trợ Nga.
Tờ Financial Times dẫn nguồn tin tình báo Ukraine cho biết CHDCND Triều Tiên đã điều binh sĩ cùng khoảng 50 khẩu pháo tự hành M1989 Koksan (có thể bắn đạn pháo xa tới 60km) và 20 hệ thống rocket phóng loạt tới Nga. Một số vũ khí trong đó đã được triển khai tới tỉnh Kursk. Các báo cáo mới cho biết có tới hơn 15.000 binh sĩ Triều Tiên đã được đưa tới Kursk.
Cảnh báo thế chiến thứ 3
Hôm 17-11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố hãy để tên lửa lên tiếng sau khi truyền thông Mỹ đưa tin Nhà Trắng cho phép Kiev sử dụng ATACMS tấn công vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Ukraine trong nhiều tháng đã thúc giục phương Tây cho phép sử dụng ATACMS tấn công vào lãnh thổ Nga. Ukraine lập luận rằng không được phép sử dụng tên lửa này tấn công bên trong nước Nga cũng giống như việc chiến đấu với một tay bị trói sau lưng.
Ngay sau thông tin trên phát đi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh Tổng thống Vladimir Putin trước đây đã nêu rõ quan điểm của Mát-xcơ-va trong vấn đề này. Theo bà Zakharova, vào tháng 9 năm nay, Tổng thống Putin đã nói rằng nếu các nước phương Tây đồng ý cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do các nước này viện trợ tấn công sâu lãnh thổ Nga, điều đó đồng nghĩa Mỹ và các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo đó, Nga sẽ buộc phải tiến hành điều mà Tổng thống Putin gọi là “những quyết định tương xứng” để ứng phó với những mối đe dọa mới.
Ðáng chú ý, phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban các vấn đề quốc tế Thượng viện Nga, ông Vladimir Dzhabarov, cảnh báo rằng hành động trên của chính quyền Biden là “một bước tiến lớn hướng đến sự khởi đầu cho thế chiến thứ 3”. Andrei Klishas, thành viên cấp cao của Thượng viện Nga, cảnh báo trên Telegram rằng sự leo thang quân sự của phương Tây có thể dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của nhà nước Ukraine “trong một
buổi sáng”.
Về phần mình, một số đồng minh thân cận nhất của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng đã chỉ trích quyết định nói trên của Nhà Trắng. Theo hãng thông tấn TASS của Nga ngày 17-11, ông Trump có thể xem xét lại chính sách của người
tiền nhiệm.
Trong tuyên bố trên mạng xã hội X, Donald Trump Jr., con trai cả của ông Trump, viết: “Tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ dường như muốn đảm bảo rằng họ sẽ phát động thế chiến 3 trước khi cha tôi có cơ hội thúc đẩy hòa bình và ngăn chặn tổn thất về sinh mạng. Chúng ta cần phải khóa chặt số tiền viện trợ trị giá hàng ngàn tỉ USD đó”. Ông Trump Jr. là một trong những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong các cuộc vận động tranh cử của ông Donald Trump và cũng đang giúp cha mình lựa chọn các ứng viên cho nội các mới.
Việc Mỹ gỡ rào vũ khí tầm xa cho Ukraine cũng dẫn đến “hiệu ứng lan tỏa”. Theo tờ Le Figaro, Anh và Pháp đã cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công vào lãnh thổ Nga. Storm Shadow là tên lửa hành trình tầm xa do Anh - Pháp hợp tác sản xuất có khả năng tương tự tên lửa ATACMS của Mỹ.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)