17/11/2024 - 12:55

Tổ chức COP29, chủ nhà gây tranh cãi 

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) đã khai mạc tại thủ đô Baku (Azerbaijan) hôm 11-11 với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia, quan chức cấp cao, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội từ gần 200 quốc gia. Hội nghị kéo dài đến ngày 22-11 nhằm tìm kiếm các giải pháp thực tế cho vấn đề cấp thiết của thời đại là biến đổi khí hậu.

Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber (trái) trao chiếc búa biểu tượng cho Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev tại lễ khai mạc hôm 11-11. Ảnh: Reuters

Song, trong bối cảnh nền kinh tế của Azerbaijan phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch, yếu tố chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu thì việc Baku được chọn tổ chức hội nghị COP29 đã làm dấy lên câu hỏi làm sao một quốc gia như Azerbaijan có thể trở thành chủ nhà hội nghị giữa lúc thế giới đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn về khí hậu.

Yếu tố Nga và sự lựa chọn bất đắc dĩ

Theo truyền thống, hội nghị thượng đỉnh các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu mỗi năm sẽ được diễn ra ở một khu vực khác nhau trên thế giới. Ban đầu, nhóm các quốc gia Ðông Âu, gồm hầu hết các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, được lên lịch tổ chức COP29. Theo quy định, để được đăng cai COP29, quốc gia ứng viên cần phải nhận được sự đồng thuận của các nước còn lại. Và sau nhiều tháng tranh luận gay gắt, Nga đã ngăn chặn mọi quốc gia lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” do nước này phát động tại Ukraine đăng cai tổ chức COP29, phủ quyết các ứng viên tiềm năng như Bulgaria, Slovenia hay Moldova. Ðiều này khiến Armenia và Azerbaijan bất đắc dĩ trở thành những ứng viên cuối cùng được trao quyền tổ chức COP29.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan âm ỉ trong nhiều thập kỷ. Hồi tháng 9 năm ngoái, Azerbaijan đã sử dụng sức mạnh giành lại quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh, vùng đất do Armenia hậu thuẫn, khiến hàng chục ngàn người Armenia phải chạy trốn khỏi cuộc tấn công của Azerbaijan. Do đó, cả Yerevan và Baku đều đe dọa phủ quyết các đề xuất đăng cai tổ chức COP29 của nhau. Sau đó, Nga đã đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận mà theo đó, Azerbaijan trao trả cho Armenia 32 tù nhân chiến tranh. Ðổi lại, Armenia từ bỏ sự phản đối đối với đề xuất đăng cai COP29 của Azerbaijan.

Nhưng với thời gian chuẩn bị gấp rút, ít hơn nhiều so với hầu hết các nước chủ nhà hội nghị khác, Azerbaijan đã phải “vắt giò lên cổ” lên kế hoạch cho mọi thứ. Theo đó, Mukhtar Babayev, Bộ trưởng Sinh thái và Tài nguyên thiên nhiên Azerbaijan, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch COP29, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Yalchin Rafiyev đóng vai trò là nhà đàm phán chính của các cuộc đàm phán.

Azerbaijan được chọn tổ chức COP29 trong bối cảnh gần như các mặt hàng xuất khẩu của nước này là dầu và khí đốt. Trong đó, lượng dầu khí xuất khẩu của Công ty Dầu khí Nhà nước Azerbaijan (SOCAR) chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Chủ nhà không có dự định hành động vì khí hậu

Ðiều đáng nói, Azerbaijan không có dự định hành động vì khí hậu. Baku trái lại đang có kế hoạch mở rộng sản xuất nguyên liệu hóa thạch, hoàn toàn không phù hợp với cam kết chế ngự mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và các mục tiêu mà Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu đặt ra.

Theo đó, kể từ khi được công bố là nước đăng cai COP29, SOCAR đã ký 25 hợp đồng có giá trị hơn 8 tỉ USD với các công ty nước ngoài, gấp 3 lần so với các hợp đồng được ký trong 12 tháng trước đó. Trong số đó bao gồm việc SOCAR mua lại cổ phần trị giá 468 triệu USD trong các dự án khí đốt tại Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE); việc công ty này mua lại 3% các mỏ Sarb và Umm Lulu của ADNOC - công ty dầu khí nhà nước của UAE, qua đó giúp SOCAR tiếp cận được một phần trong số 1,1 tỉ thùng dầu thô của ADNOC. Năm 2024, SOCAR cũng tìm kiếm các thỏa thuận cung cấp khí đốt hóa thạch với ít nhất 6 quốc gia cũng như các thỏa thuận chia sẻ sản lượng dầu với một số công ty lớn của phương Tây như BP (Anh).

Do đó, quyết định tổ chức hội nghị COP29 tại một quốc gia có nền kinh tế dựa trên nguyên liệu hóa thạch như Azerbaijan đã bị các nhà hoạt động vì khí hậu chỉ trích. Nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg, người được biết tới với những nỗ lực nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, còn gọi sự kiện này là “hội nghị tẩy xanh” cho quốc gia dầu mỏ phạm phải tội ác chiến tranh và nhân quyền.

Tuy nhiên, COP29 không chỉ là nơi thảo luận về các cam kết tài chính và chính sách, mà còn là dịp để các quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp chia sẻ những ý tưởng sáng tạo, các giải pháp cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nước chủ nhà Azerbaijan chọn chủ đề: “Ðoàn kết vì một thế giới Xanh”. Sắc xanh lục, xanh lam cũng bao trùm cả thành phố Baku, đặc biệt tại khu vực diễn ra hội nghị. Thông điệp của hội nghị thể hiện sự kỳ vọng rằng tại COP29, các nhà lãnh đạo sẽ một lần nữa thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị để hợp tác chặt chẽ, cùng kết nối những hành động thiết thực, cụ thể ứng phó với thách thức toàn cầu.

UAE, chủ nhà COP28, cũng là quốc gia giàu có nhờ vào dầu mỏ nhưng nước này đã tận dụng nguồn thu nhiên liệu hóa thạch để đầu tư đa dạng hóa mạnh mẽ nền kinh tế và cam kết cắt giảm 47% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2035 so với mức năm 2019. 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết