Mặc dù đối tượng thường chịu tác động sức khỏe do tình trạng biến đổi khí hậu là phụ nữ và trẻ em gái, nhưng nam giới lại đang thống trị nhiều tổ chức, chính phủ tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Phụ nữ nông thôn Ấn Ðộ đi lấy nước sinh hoạt cho gia đình. Ảnh: The Swaddle
Điển hình như tại Hội nghị thượng đỉnh các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29), đang diễn ra tại Azerbaijan từ ngày 11 đến 22-11, đa số đại biểu tham dự là nam giới. Hồi tháng 1, ban tổ chức COP29 đã phải đối mặt với những lời chỉ trích mạnh mẽ xung quanh việc bổ nhiệm 28 đại biểu nam và không có đại biểu nữ tham gia ban tổ chức COP29. Để “chữa cháy”, ban tổ chức sau đó bổ sung 12 đại biểu nữ, nhưng cũng thêm 1 đại biểu nam.
Bất chấp nỗ lực bổ sung đó, “She Changes Climate” (tổ chức chuyên ủng hộ sự đại diện bình đẳng giới tại các cuộc đàm phán về khí hậu) đã chê trách quyết định ban đầu là “một bước thụt lùi”. “Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn thế giới, chứ không phải một nửa thế giới”, tổ chức này nhấn mạnh.
Trên thực tế, tuy nhiều thứ đã thay đổi kể từ COP lần đầu tiên vào năm 1995, nhưng tỷ lệ đại diện nữ tại sự kiện này vẫn tăng chậm, chỉ chiếm khoảng 1/3 số người tham gia. Theo dữ liệu từ Tổ chức Phát triển và Môi trường Phụ nữ, phụ nữ chiếm 34% đại biểu đoàn và 19% trưởng đoàn tại COP28 năm ngoái. Để tiện so sánh, 16 năm trước tại COP14, phụ nữ chiếm 31% đại biểu đoàn.
Không chỉ vậy, sự mất cân bằng giới tính trong quyền lãnh đạo toàn cầu còn được thể hiện trực tiếp trong các cuộc đàm phán về khí hậu, nơi các đại diện quốc gia phản ánh sự chênh lệch giới tính trong chính phủ của họ. Như tại Nam Á, chỉ có 16,6% số nghị sĩ là phụ nữ. Trên toàn cầu, chỉ có 23,3% bộ trưởng là phụ nữ. Tệ hơn nữa, các lĩnh vực mà họ quản lý thường chỉ giới hạn ở các vấn đề về giới, gia đình và trẻ em, hòa nhập xã hội và phát triển, cũng như các vấn đề của người địa phương và thiểu số.
Trong bài nghiên cứu được công bố trên Tạp chí The Lancet Planetary Health, các chuyên gia kêu gọi giới chức toàn cầu cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Theo nhóm nghiên cứu, tác động của biến đổi khí hậu - từ mưa lớn, nhiệt độ tăng, bão lũ cho đến mực nước biển dâng và hạn hán - đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và ảnh hưởng không cân xứng đến các nhóm dân số thiệt thòi, đặc biệt là ở các khu vực thu nhập thấp.
Tuy tình hình cụ thể có thể khác nhau, nhưng phụ nữ và trẻ em gái thường có nguy cơ cao hơn bị đe dọa bởi các mối đe dọa liên quan đến khí hậu đối với sức khỏe. Ví dụ, ở nhiều quốc gia, phụ nữ ít có khả năng sở hữu đất đai và tài nguyên để bảo vệ họ trong các tình huống hậu thảm họa thiên nhiên, ít kiểm soát được thu nhập cũng như ít tiếp cận thông tin hơn, dẫn đến việc họ dễ bị tổn thương hơn trước các tác động ngắn hạn và lâu dài của biến đổi khí hậu. Nhiều nghiên cứu cũng liên hệ tình trạng nhiệt độ cao với các biến chứng sinh sản như sinh non, tiền sản giật và dị tật bẩm sinh.
Trong khi đó, phân tích trước đây trên 49 quốc gia châu Âu cho thấy rằng sự đại diện chính trị của phụ nữ lớn hơn có mối tương quan với việc giảm bất bình đẳng về sức khỏe, giảm bất bình đẳng về mặt địa lý trong tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Những phát hiện tích cực tương tự đã được báo cáo liên quan đến các chính sách môi trường, khi sự đại diện của phụ nữ trong các quốc hội quốc gia có liên quan đến việc phê chuẩn nhiều hơn các hiệp ước môi trường và các chính sách về biến đổi khí hậu nghiêm ngặt hơn. Ví dụ, các nghị sĩ nữ trong Nghị viện châu Âu và Hạ viện Mỹ được phát hiện có xu hướng ủng hộ luật môi trường nhiều hơn đồng nghiệp nam.
NGUYỆT CÁT (Theo Dialogue Earth, Cambridge)