14/11/2024 - 19:54

Người trẻ Trung Quốc áp lực vì tiền mừng cưới 

Theo truyền thống Trung Quốc, khách tham dự đám cưới sẽ tặng một phong bì lì xì, bên trong chứa một khoản tiền gọi là fenziqian. Nhưng phong tục này đang tạo ra gánh nặng tài chính không nhỏ và khiến nhiều người trẻ cảm thấy áp lực mỗi khi nhận “thiệp hồng”.

Áp lực tặng phong bì khiến nhiều người trẻ Trung Quốc ngại ăn cưới. Ảnh: Sassy Hong Kong

Đơn cử, Ou Yang, một kỹ sư 33 tuổi tại Bắc Kinh, luôn lo lắng vào mỗi kỳ nghỉ lễ vì biết có thể nhận nhiều thiệp cưới vào dịp này. Như vào lễ Quốc khánh Trung Quốc vừa qua, anh dự 2 đám cưới và tặng bao lì xì 1.000NDT (khoảng 3,5 triệu đồng) cho mỗi đám. Sắp tới, anh còn phải dự thêm một đám cưới nữa. Trong năm nay, tổng số tiền fenziqian mà Ou Yang chi đã lên tới gần 20.000NDT. “Tôi đang mâu thuẫn, nhưng vẫn chọn dự đám cưới vì tôi không muốn bị người khác chỉ trích là phá vỡ truyền thống này”, anh giải thích.

Tương tự, dù thấy khó xử, nhưng Zhao Yixiong - một sinh viên đại học ở tỉnh Sơn Tây - từng xin thêm cha mẹ 1.000NDT để mừng cưới một người bạn. Zhao thấy áp lực khi phải tặng đi số tiền chiếm khoảng một nửa phí sinh hoạt hàng tháng của mình, chỉ vì những người bạn khác cũng tặng số tiền tương tự.

Ngược lại, thay vì cố xoay xở tiền mừng cưới, Li Wenjing - một cố vấn du học 26 tuổi ở tỉnh Sơn Đông - dứt khoát từ chối khi được mời dự đám cưới. Cô thấy mệt mỏi khi được những người đã mất liên lạc nhiều năm gửi thiệp mời. Li Wenjing cho rằng việc tặng tiền trong bối cảnh như vậy giống như cô đang tài trợ cho cuộc sống của người khác, trong khi bản thân chỉ mới bắt đầu sự nghiệp và chưa đủ tài chính.

Tại Trung Quốc, việc tặng bao lì xì chúc mừng các cặp đôi mới cưới là phong tục có từ lâu đời. Trong xã hội hiện đại, những vị khách không thể đến dự tiệc cưới còn có thể gửi phong bì kỹ thuật số thông qua các nền tảng như WeChat.

Theo một khảo sát vào tháng 10-2023 của báo China Youth Daily, 93% số thanh niên được hỏi cảm thấy nặng gánh vì phải chi tiền fenziqian, trong số đó, 51% cho biết phải đối mặt với cả áp lực tài chính và xã hội khi tặng tiền. Ngoài ra, 50% cho rằng nên nói “không” với việc tặng số tiền fenziqian cao.

Đã đến lúc thay đổi

Trước áp lực tặng tiền mừng cưới quá lớn, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc tìm kiếm những cách thay thế để tổ chức đám cưới hoặc gửi lời chúc mừng đến cặp đôi mới kết hôn. Trong một khảo sát được trang web mai mối Zhenai.com công bố vào tháng 3, gần 70% cho biết chấp nhận kết hôn mà không tổ chức tiệc cưới truyền thống. Khi được hỏi lý do, 33% cho biết muốn tiết kiệm chi phí và năng lượng, trong khi 26% mong muốn biến tiệc cưới thành một hình thức ăn mừng khác.

Jiang Ting, một nhân viên tài chính ở tỉnh Hồ Bắc, đã chọn đi du lịch để ăn mừng kết hôn, thay vì tổ chức tiệc cưới tại nhà. Còn Li Qian, một giáo viên 35 tuổi ở tỉnh Liêu Ninh, đã kết hôn vào năm ngoái và đề xuất một hình thức chúc mừng đám cưới khác cho các bạn cùng lớp. Cô gửi kẹo cưới đến cho bạn bè ở các thành phố khác nhau để chia sẻ tin vui và nhấn mạnh rằng mong muốn nhận lời chúc tốt đẹp thay vì nhận tiền mừng cưới.

Những năm gần đây, nhiều tỉnh thành Trung Quốc cũng đã đưa ra hướng dẫn kêu gọi người dân tặng tiền mừng cưới vừa phải để giảm bớt gánh nặng tài chính. Chẳng hạn, thành phố Tháp Hà, thuộc tỉnh Hà Nam, ủng hộ việc tặng tiền mừng cưới khoảng 5% lương hàng tháng của một cá nhân. Tương tự, giới chức thành phố Cù Châu, tỉnh Chiết Giang, khuyến nghị nên tặng tiền mừng cưới  giới hạn ở mức 300NDT.

NGUYỆT CÁT (Theo Chinadaily.com)

Chia sẻ bài viết