Lối sống tĩnh tại, ít vận động và tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, chứa nhiều thành phần béo, ngọt, được xác định là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Trong quá trình điều trị, bên cạnh phác đồ thuốc, các bác sĩ chuyên khoa nội tiết khuyến cáo, người bệnh cần thực hiện chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để kiểm soát tình trạng bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
Hiểu đúng về ĐTĐ
Hưởng ứng Ngày ĐTĐ thế giới 14-11, Phòng Điều dưỡng Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ tổ chức chuyên đề Cập nhật trong điều trị và chăm sóc bệnh ĐTĐ tuýp 2 cho toàn thể điều dưỡng BV. Điều dưỡng CKI Lâm Hữu Đức, Trưởng phòng Điều dưỡng cho biết, chương trình nhằm cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ điều dưỡng trong công tác chăm sóc và tư vấn về dinh dưỡng và vận động cho người bệnh ĐTĐ. Chương trình còn hướng dẫn, cập nhật cách tiêm insulin đúng kỹ thuật và bảo quản thuốc đúng.
Tham gia chương trình tập huấn, chị Lâm Danh Trà My, Điều dưỡng Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê Hồi sức cho biết, bệnh nhân sau phẫu thuật rất cần bồi bổ để mau lại sức. Riêng bệnh nhân ĐTĐ, điều dưỡng cần tư vấn cặn kẽ hơn về chế độ ăn phù hợp để bệnh nhân hồi phục tốt mà không ảnh hưởng đến đường huyết.
BS CKI Nguyễn Thị Cẩm Nhung chia sẻ về vai trò của dinh dưỡng và vận động đối với sức khỏe bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh: THU SƯƠNG
BS CKI Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Phó trưởng Khoa Nội tiết chia sẻ với gần 190 điều dưỡng, kỹ thuật viên các khoa phòng về chủ đề Điều trị ĐTĐ tuýp 2: Vai trò dinh dưỡng và vận động kiểm soát đường huyết.
Theo BS Cẩm Nhung, bệnh ĐTĐ thường được phân làm nhiều loại, với hai loạn phổ biến là ĐTĐ tuýp 1 và 2. ĐTĐ tuýp 1 là dạng thiếu hụt insulin hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn, thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi. ĐTĐ tuýp 2, là dạng phổ biến nhất của bệnh ĐTĐ, thường xảy ra do kháng insulin hoặc sự suy giảm bài tiết insulin. ĐTĐ tuýp 2 chủ yếu gặp ở người trưởng thành và có liên quan đến thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Hiện nay, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh này đang gia tăng đáng kể do lối sống ít vận động và chế độ ăn uống không hợp lý.
Những triệu chứng chung của bệnh ĐTĐ bao gồm: đái tháo nhiều, tức người bệnh đi tiểu nhiều hơn bình thường do cơ thể cố gắng loại bỏ lượng đường thừa qua nước tiểu; khát nước: Cảm giác khát nước do mất nước qua tiểu; ăn nhiều do cảm giác đói liên tục dù đã ăn đủ; mệt mỏi, suy nhược: Vì cơ thể không thể sử dụng glucose làm năng lượng một cách hiệu quả; giảm cân bất thường: mặc dù ăn nhiều, bệnh nhân vẫn có thể giảm cân nhanh chóng; mờ mắt: Đường huyết cao có thể gây ra các vấn đề về thị lực. Ngoài ra, người mắc ĐTĐ còn có thể gặp các triệu chứng khác như nhiễm trùng tái diễn, vết thương lâu lành, ngứa da và tê bì tay chân.
Người có cha mẹ hoặc anh em mắc ĐTĐ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh. Bên cạnh yếu tố di truyền, các yếu tố liên quan đến lối sống cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh. Trong đó, chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và chất béo bão hòa có thể dẫn đến thừa cân và kháng insulin. Thiếu vận động: Lối sống ít vận động làm giảm khả năng sử dụng glucose của cơ thể, góp phần làm tăng nguy cơ mắc ĐTĐ. Stress và giấc ngủ kém: Căng thẳng kéo dài và giấc ngủ không đủ có thể làm tăng mức độ cortisol và các hormone khác, từ đó làm rối loạn chuyển hóa và tăng đường huyết. Hút thuốc và uống rượu: Đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ĐTĐ.
BS Cẩm Nhung cho biết, ĐTĐ tuýp 2 đang có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, bệnh này chủ yếu gặp ở người lớn tuổi, nhưng hiện nay, nhiều người trẻ từ 20 - 30 tuổi, thậm chí là thanh thiếu niên đã mắc bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh như chế độ ăn uống nhiều đường và béo, thiếu vận động thể lực và stress. Ghi nhận tại Khoa Nội tiết BV Đa khoa TP Cần Thơ, bệnh nhân thường đến viện khi đã có các triệu chứng như tiểu nhiều, khát nước, mệt mỏi và mất cảm giác thèm ăn. Các yếu tố nguy cơ liên quan gồm có thừa cân, béo phì và tiền sử gia đình có người mắc bệnh.
Người còn trẻ mắc ĐTĐ có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, huyết áp cao, tổn thương thận và thần kinh. Bệnh không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, mù lòa và loét chân. Ở phụ nữ, ĐTĐ có thể gây khó khăn trong việc thụ thai, tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu hoặc các biến chứng thai kỳ. Ngoài ra, bệnh còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý phụ khoa như viêm nhiễm đường sinh dục. Đối với nam giới, ĐTĐ có thể dẫn đến rối loạn cương dương, giảm khả năng sinh sản do các yếu tố như viêm nhiễm, suy giảm chức năng nội tiết và tuần hoàn máu. Mắc ĐTĐ khi còn trẻ có thể làm giảm tuổi thọ nếu bệnh không được quản lý tốt. Người mắc bệnh thường có nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến biến chứng như tim mạch, thận và mắt. Tuy nhiên, với sự điều trị và kiểm soát bệnh tốt, tuổi thọ có thể kéo dài, nhưng người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống, tập luyện và điều trị thuốc. Theo BS Cẩm Nhung, việc phát hiện và điều trị bệnh ĐTĐ sớm, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, rất quan trọng để giảm thiểu các nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đái tháo đường gây ra rất nhiều biến chứng. Trong ảnh: Cán bộ y tế Khoa Nội tiết chăm sóc vết thương loét chân của bệnh nhân ĐTĐ.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Chế độ dinh dưỡng và vận động đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát mức đường huyết và tiến triển bệnh ĐTĐ, đặc biệt là đối với bệnh ĐTĐ tuýp 2.
Theo đó, bác sĩ khuyến cáo:
Chế độ dinh dưỡng:
Việc kiêng cữ quá mức hoặc sử dụng các phương pháp giảm cân cực đoan có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng, mất cơ bắp và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe khác. Người bệnh ĐTĐ cần hiểu rằng việc kiểm soát chế độ ăn uống phải là một sự điều chỉnh hợp lý, không phải là một sự kiêng khem cực đoan.
Lời khuyên là nên ăn đa dạng thực phẩm và cân bằng các nhóm chất để cung cấp đầy đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Người bệnh cần:
- Ăn đúng bữa, đúng giờ: Phân chia khẩu phần ăn thành 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ nhỏ trong ngày để duy trì lượng đường huyết ổn định.
- Tăng cường thực phẩm có chỉ số glycemic thấp: Các loại rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, các loại hạt có tác dụng kiểm soát đường huyết.
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và các thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo xấu (trans fat), đồng thời bổ sung các chất béo lành mạnh từ dầu olive, hạt lanh, quả bơ.
- Uống đủ nước: Nước lọc hoặc trà thảo mộc không đường sẽ giúp cải thiện khả năng trao đổi chất và duy trì sức khỏe tổng thể.
Người bệnh đái tháo đường cần ăn uống hợp lý, đảm bảo sức khoẻ.
Chế độ vận động:
Một số bệnh nhân có thói quen ít vận động hoặc hoàn toàn không vận động, điều này sẽ làm tăng kháng insulin, dẫn đến mức đường huyết khó kiểm soát. Họ cũng có nguy cơ tăng cân và mắc các bệnh lý tim mạch.
Do vậy, người bệnh cần duy trì ít nhất 150 phút vận động aerobic mỗi tuần (tương đương 30 phút x 5 ngày trong tuần) và kết hợp với các bài tập sức mạnh (tập tạ, yoga, pilates) ít nhất 2 ngày trong tuần.
Vận động vừa phải nhưng đều đặn (đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội) có thể giúp giảm cân và cải thiện mức đường huyết.
Nếu gặp phải tình trạng đau hoặc mệt mỏi, người bệnh cần giảm cường độ tập luyện và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Sử dụng thuốc:
Một số người bệnh tự ý ngừng thuốc có thể dẫn đến tình trạng đường huyết tăng cao đột ngột, gây ra biến chứng nghiêm trọng như hôn mê do tăng đường huyết, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý thận, tim mạch.
Rất nhiều loại thuốc được quảng cáo có tác dụng kỳ diệu trong việc trị ĐTĐ nhưng không được kiểm chứng khoa học đầy đủ và có thể gây hại cho người bệnh. Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc điều trị ĐTĐ chính thức, gây giảm hiệu quả điều trị hoặc gây tác dụng phụ nguy hiểm.
Lời khuyên của bác sĩ là chỉ sử dụng thuốc đã được bác sĩ chỉ định, tránh mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận của cơ quan chức năng. Đặc biệt là không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thảo dược, thực phẩm chức năng hoặc thuốc điều trị không rõ nguồn gốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
Từ năm 2021, Hội ĐTĐ Hoa Kỳ đã đưa ra khái niệm lui bệnh ĐTĐ (Remission), thực chất là khỏi bệnh nếu người đó ngừng thuốc hạ đường huyết >6 tháng mà vẫn giữ được HbA1C <6,5%. Khả năng lui bệnh cao nhất ở những bệnh nhân ĐTĐ túyp 2 béo phì mới được chẩn đoán <3 năm và trong quá trình điều trị giảm được trên 15% cân nặng.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG