13/11/2024 - 20:45

Thách thức từ mô hình vũ khí siêu vượt âm mới 

Tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2024 vừa khai mạc, Trung Quốc gây chú ý khi trưng bày mô hình phương tiện siêu vượt âm (hypersonic) với quỹ đạo dạng tàu lượn (boost-glide). Nếu phát triển trong thực tế, đây sẽ là bước tiến mới quan trọng cho kho vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc, tác động đến kế hoạch quân sự và chiến lược quốc phòng trên toàn cầu.

GDF-600 có thể được Trung Quốc phát triển với tiềm năng triển khai trong xung đột với Đài Loan hoặc nhắm tới Mỹ. Ảnh: Sina Weibo

Thiết kế có tên gọi GDF-600, do Học viện nghiên cứu khí động học Quảng Ðông (GARA) thực hiện. Năm 2022, cơ sở này từng thu hút sự quan tâm khi ra mắt máy bay chiến đấu không người lái siêu vượt âm MD-22 có thể vận chuyển trọng tải 600kg lên độ cao 8.000km với tốc độ Mach 7 (8.644 km/giờ), tương đương khoảng cách từ Trung Quốc đến lục địa Mỹ.

Theo thông tin từ gian hàng của GARA năm nay, thiết kế khí động học độc đáo kết hợp hệ thống đẩy tiên tiến cho phép GDF-600 hoạt động trong phạm vi từ 500 đến 1.000 km ở tốc độ tối đa Mach 7 đến Mach 10. Nền tảng này có thể được phóng với tổng trọng tải lên tới 5 tấn rưỡi (bao gồm trọng tải đạn thứ cấp nặng 1,2 tấn) và quỹ đạo đạt tới đỉnh ở độ cao khoảng 40km. Về lý thuyết, tốc độ và độ cao tối ưu như vậy có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại. Nếu được phát triển, GDF-600 nhiều khả năng được tích hợp vào cấu trúc lực lượng phức tạp của Trung Quốc, đảm bảo hiệu quả sử dụng trong nhiều tình huống quân sự khác nhau.

Mô hình GDF-600 được Trung Quốc công bố trong bối cảnh nhiều quốc gia nỗ lực phát triển hoặc nâng cao năng lực siêu vượt âm. Ðây là cuộc đua quan trọng để duy trì lợi thế công nghệ, đảm bảo cân bằng chiến lược. Hiện chưa rõ công trình nghiên cứu của GARA tiến triển đến mức nào, nhưng việc giới thiệu mô hình GDF-600 tại một sự kiện quốc tế nổi bật như Triển lãm hàng không Chu Hải là tín hiệu cho thấy tiến bộ ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự. Nó đồng thời minh chứng cho tham vọng của Bắc Kinh thúc đẩy công nghệ vũ khí chiến lược thách thức các hệ thống phòng thủ hiện tại, qua đó củng cố khả năng răn đe trên khắp các khu vực tranh chấp ở châu Á - Thái Bình Dương. Về lâu dài, Trung Quốc thông qua GDF-600 có thể định nghĩa lại chiến tranh với khả năng tấn công nhanh, đa mục tiêu và tác chiến điện tử, tạo ra thách thức nghiêm trọng với Ðài Loan và lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương.

MAI QUYÊN (Theo Defence Blog, TWZ)

Chia sẻ bài viết