07/11/2024 - 10:30

Xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng 

Tại các trường đại học (ÐH), cao đẳng (CÐ), vấn đề xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đóng vai trò rất quan trọng đối với kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tiễn trên địa bàn TP Cần Thơ cho thấy việc xác lập quyền này tại các trường ÐH,CÐ vẫn còn hạn chế. Vừa qua, tại hội thảo “Bảo hộ quyền SHCN tại các cơ sở giáo dục ÐH,CÐ hiện nay thực trạng và giải pháp” diễn ra tại Trường ÐH Cần Thơ, nhiều giải pháp được đề xuất, giúp các trường tháo gỡ khó khăn trong thực hiện quyền SHCN.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo về “Bảo hộ quyền SHCN tại các cơ sở giáo dục ĐH,CĐ hiện nay thực trạng và giải pháp”.

Theo quy định của pháp luật, quyền về sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… chỉ được xác lập trên cơ sở thực hiện đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ. Tính đến ngày 2-10-2024, số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường ÐH trên cả nước là hơn 1.800 đơn, tăng hơn 800 đơn so với năm 2023. Trong đó, số lượng được cấp văn bằng bảo hộ vẫn chưa nhiều. Ðối với các trường CÐ, đến nay chỉ mới có 2 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế nhưng có 1 đơn đã bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ vào năm 2017 và 1 đơn đang trong quá trình thẩm định.

Bảo hộ quyền SHCN tại các trường ÐH,CÐ ở TP Cần Thơ chủ yếu đối với nhãn hiệu, sáng chế và giải pháp hữu ích. Một số trường đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, trong đó nhiều trường đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu như: Trường ÐH Cần Thơ, Trường ÐH Y Dược Cần Thơ, Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Trường CÐ Phạm Ngọc Thạch Cần Thơ, Trường Trung cấp Miền Tây, Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ. Có 2 trường đã tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích là Trường ÐH Cần Thơ và Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Tính đến tháng 9-2024, Trường ÐH Cần Thơ có 40/152 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích của thành phố, chiếm tỷ lệ 26% và có 16 văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích trong tổng số 47 văn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích của thành phố, chiếm tỷ lệ 34%.

Thực tế quá trình thực hiện đăng ký bảo hộ quyền SHCN gặp không ít khó khăn. Chi phí đăng ký bảo hộ quyền SHCN khá cao, nhất là đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, trong khi nguồn kinh phí dành cho đăng ký bảo hộ và gia hạn văn bằng bảo hộ SHCN còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật về vấn đề này ở một số nơi còn yếu; các cá nhân thiếu tích cực và chủ động trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình... Tiến sĩ Nguyễn Phan Khôi, Khoa Luật, Trường ÐH Cần Thơ, chia sẻ: “Thực tiễn đăng ký xác lập quyền SHCN đối với các cơ sở giáo dục ÐH,CÐ cho thấy, vấn đề đăng ký bảo hộ sáng chế của nhóm chủ thể này vẫn còn hạn chế so với nguồn lực vốn có, vì cơ sở giáo dục ÐH,CÐ luôn là nơi đầu nguồn sáng tạo ra tri thức và công nghệ mới. Trong khi Nhà nước đã ban hành các quy định về hỗ trợ tài chính cho hoạt động đăng ký xác lập quyền SHCN, như hỗ trợ 30 triệu đồng/đơn đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế trong nước, nhưng tình trạng đăng ký bảo hộ vẫn chưa cao. Do đó, cần xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động này phát triển theo đúng định hướng chiến lược của Quyết định 1068/QÐ-TTg năm 2019 của Chính phủ về phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030”.

Các chuyên gia đề xuất cơ sở giáo dục ÐH,CÐ cần xây dựng bộ phận chuyên trách quản trị tài sản trí tuệ và đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp để thúc đẩy tính thương mại và ứng dụng về sáng chế. Vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ đề cập trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản đến năm 2030. Bên cạnh đó, việc các chủ sở hữu sáng chế đăng ký nhiều điểm bảo hộ trong một sáng chế là nhằm mục đích tránh trường hợp một số chủ thể khác có hành vi lợi dụng thông tin về sáng chế thông qua việc công bố đơn để phân tích tìm ra các giải pháp kỹ thuật có tính mới nhưng chưa được đăng ký trong sáng chế đó và tiến hành đăng ký làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác sáng chế gốc ban đầu, chứ không hẳn là có thể khai thác giá trị thương mại hết các điểm bảo hộ đó. Do đó, pháp luật cần quy định điều chỉnh mức phí, lệ phí xác lập quyền cho các điểm bảo hộ trong cùng đơn, giảm 25-50% từ điểm bảo hộ thứ hai trở đi so với điểm bảo hộ đầu tiên.

Bà Trần Thị Thanh Ðiệp, Trưởng Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đề xuất các cấp quản lý, tổ chức có liên quan tăng cường phổ biến pháp luật sở hữu trí tuệ. Duy trì và đẩy mạnh hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ đến năm 2030). Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân quan tâm đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước cần chú trọng đến việc xem xét các điều kiện đăng ký đối với sáng chế, cần tránh các đối tượng không được bảo hộ và bảo đảm các điều kiện về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế. Ðặc biệt, để tránh trùng hoặc tương tự với sáng chế có trước của người khác, chủ sở hữu cần tiến hành tra cứu các sáng chế đã được bộc lộ công khai trong các nguồn thông tin về đơn và đăng ký sáng chế của các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia, quốc tế và tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ bài viết