14/11/2024 - 19:56

Thới Lai

Hỗ trợ nông dân sản xuất vụ lúa đông xuân 

Vụ đông xuân 2024-2025, huyện Thới Lai dự kiến gieo trồng hơn 17.499ha lúa. Để vụ lúa đông xuân thắng lợi, các cấp chính quyền tại huyện đã quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các công tác chuẩn bị và tăng cường áp dụng cơ giới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ưu tiên trồng lúa đặc sản

Đông xuân là vụ lúa có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất các loại lúa thơm, do vậy nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thới Lai đã tập trung chọn sản xuất các loại lúa cho gạo thơm ngon nhằm bán được giá cao.

Nông dân tại xã Đông Thuận, huyện Thới Lai sử dụng máy móc cơ giới để làm phẳng mặt ruộng chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân.

Ông Phạm Văn Hoàng ở ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, cho biết: "Gia đình tôi có 2ha đất trồng lúa, ngay sau thu hoạch lúa vụ thu đông 2024, tôi đã tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng về việc tiến hành làm đất và vệ sinh đồng ruộng, rồi mở đồng đưa nước lũ vào ruộng nhằm tiêu diệt các mầm sâu bệnh, bồi bổ phù sa cho đất. Vụ này, tôi sạ giống lúa Đài Thơm 8 nhằm có sản phẩm lúa gạo thơm ngon để bán được giá cao, tôi cũng đã chủ động tìm mua nguồn giống đạt cấp xác nhận từ khá sớm và thuê máy bay nông nghiệp để gieo sạ lúa nhằm gieo sạ nhanh, tiết kiệm chi phí và lúa lên đều". Vụ đông xuân này, 3ha lúa của ông Phan Văn Kiệt ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai cũng được gieo sạ bằng giống lúa thơm Đài Thơm 8 đạt cấp xác nhận được cung cấp từ một cơ sở kinh doanh lúa giống có uy tín trên địa bàn TP Cần Thơ. Đến nay, lúa đã gieo sạ được gần 1 tuần và đang phát triển khá tốt, lúa xanh đều. Theo ông Kiệt, vụ đông xuân thích hợp sản xuất các loại lúa cho gạo thơm ngon và gạo chất lượng cao để bán được giá cao nên tôi cũng đã chủ động tìm mua lúa giống Đài Thơm 8 để gieo sạ cho ruộng lúa của  mình. Hiện nay, việc gieo sạ lúa khá thuận lợi vì đã có các máy móc cơ giới làm thay sức người, đặc biệt là thực hiện sạ lúa bằng máy phun hạt và máy bay nông nghiệp khá nhanh chóng, tiết kiệm chi phí so với trước đây gieo sạ bằng tay.

Theo nhiều nông dân ở huyện Thới Lai, năm nay nước lũ rút chậm, kết hợp với ảnh hưởng của triều cường nên nông dân phải tốn chi phí bơm tát nước vào đầu vụ. Tuy nhiên, nhờ tăng cường liên kết với nhau để thực hiện bơm tát nước tập thể theo các cánh đồng và khu vực sản xuất lúa tập trung, đồng thời đẩy mạnh áp dụng cơ giới vào sản xuất nên nông dân đã tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí sản xuất. Nông dân tại huyện cũng quan tâm tuân thủ các khuyến cáo của các cơ quan chức năng và của ngành Nông nghiệp địa phương về thực hiện xuống giống tập trung theo đúng lịch thời vụ được khuyến cáo để né rầy, phòng tránh rủi ro do các loại dịch hại nói chung và thiên tai gây ra. Chú ý đẩy mạnh sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao, an toàn và giảm phát thải, đồng thời nhân rộng, phát triển các mô hình hiệu quả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi ngành hàng.

Hỗ trợ nông dân

Với sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Thới Lai, các ban ngành huyện và địa phương trên địa bàn huyện đang tích cực vào cuộc hỗ trợ nông dân tổ chức tốt việc sản xuất lúa đông xuân để có vụ mùa thắng lợi.

Vụ đông xuân 2024-2025, toàn xã Xuân Thắng dự kiến gieo trồng 927ha lúa, trong có 750ha tham gia cánh đồng lớn. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thắng, đến ngày 11-11, nông dân tại các ấp trên địa bàn xã đã xuống giống được hơn 140ha, chủ yếu tập trung sạ các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, OM 18, OM 380… Để góp phần giúp nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa quan trọng nhất trong năm này, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể tại địa phương, tổ chức tập huấn kỹ thuật đầu vụ. Vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt việc vệ sinh đồng ruộng, chọn giống tốt, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và tăng cường liên kết, hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ lúa.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, vụ đông xuân này huyện Thới Lai phấn đấu gieo trồng lúa đạt diện tích 17.499,37ha, sản lượng lúa dự kiến hơn 129.000 tấn, trong đó diện tích lúa chất lượng cao và lúa cho gạo thơm ngon đạt 14.874ha, chiếm tỷ lệ khoảng 85% diện tích lúa trong vụ. Diện tích lúa của nông dân tham gia mô hình "cánh đồng lớn" dự kiến đạt 12.800ha, với 13.050 hộ dân thuộc 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia.

Huyện cũng có kế hoạch tổ chức nhân lúa giống trong vụ đông xuân để phục vụ cho vụ hè thu và thu đông 2025, với dự kiến mỗi xã tham gia sản xuất từ 10-15ha lúa giống, với các giống chủ yếu gồm OM 4218 và OM 5451. Căn cứ vào lịch thời vụ được thành phố khuyến cáo và tình hình rầy nâu di trú, chế độ thủy văn nhằm đảm bảo an toàn cho các đợt xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy, huyện Thới Lai đã xây dựng kế hoạch xuống giống vụ đông xuân 2024-2025, gồm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 3 đến 9-11-2024 (nhằm ngày 3 đến 9-10 âm lịch); đợt 2 từ ngày 25-11 đến 1-12-2024 (nhằm ngày 25-10 đến 1-11 âm lịch).

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, ngay từ khá sớm huyện Thới Lai đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện sản xuất lúa vụ đông xuân 2024-2025 và tổ chức triển khai đến các xã, thị trấn trên địa bàn để tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ngay từ đầu vụ, tránh tư tưởng chủ quan, gieo sạ không theo lịch khuyến cáo. Tích cực vận động nông dân đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ lúa tối thiểu 3 tuần và tuân thủ theo nguyên tắc "gieo tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng". Khuyến cáo nông dân sản xuất các giống có tính chống chịu rầy nâu, thích ứng điều kiện thổ nhưỡng, tình hình thời tiết của huyện và có phẩm chất gạo tốt theo khuyến cáo và theo nhu cầu thu mua của các đơn vị, doanh nghiệp, với các giống chủ lực như Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM 18… Hướng dẫn nông dân thực hiện vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị giống tốt, sử dụng giống xác nhận trở lên, áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ cụm, cấy, sử dụng drone, sạ thưa, không sử dụng lãng phí lượng giống gieo sạ, lượng giống sử dụng không quá 70kg/ha. Tiếp tục duy trì và nhân rộng thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hiện đại có liên kết tiêu thụ. Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất đến các khâu chăm sóc lúa, thu hoạch và phơi sấy lúa.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết