16/11/2024 - 17:01

Thách thức của Brazil tại Hội nghị thượng đỉnh G20 

Với việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chính quyền của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đang nỗ lực hết sức để biến sự kiện này thành một thành công lớn về chính sách đối ngoại.

Các bộ trưởng tài chính Nhóm G20 trong một hội nghị hồi đầu năm 2024 tại Brazil. Ảnh: Guardian.ng

Ðược thành lập vào năm 1999, G20 là một diễn đàn đa quốc gia bao gồm 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU). G20 hiện chiếm khoảng 2/3 dân số thế giới và 80% thương mại quốc tế. Nhóm trở nên nổi bật trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi bắt đầu tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường niên, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo quốc gia. Kể từ đó, G20 đã phát triển thành một “Liên Hiệp Quốc thu nhỏ”, giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và căng thẳng địa chính trị, mặc dù không phải các thành viên lúc nào cũng đồng ý về những vấn đề có trong chương trình nghị sự.

Từ năm 2008 đến nay, G20 đã tổ chức 18 lần Hội nghị thượng đỉnh (HNTÐ), không kể các HNTÐ bất thường. HNTÐ lần thứ 19 sẽ được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil, trong ngày 18 và 19-11-2024, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi.

Kể từ khi Brazil tiếp quản vai trò Chủ tịch luân phiên hằng năm của G20 từ Ấn Ðộ vào tháng 12 năm ngoái, chính quyền của ông Lula da Silva đã đưa nhiều vấn đề liên quan đến thế giới đang phát triển vào trọng tâm của nhiệm kỳ chủ tịch G20 năm nay. Trong đó có việc giảm bất bình đẳng, cải cách các thể chế quản trị toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như nhu cầu giải quyết biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững với môi trường.

Ngoài ra, tại hội nghị G20 ở Rio de Janeiro, ông Lula da Silva mong muốn xây dựng sự đồng thuận trong nhóm về kế hoạch đánh thuế giới siêu giàu để hành động vì chống biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo. Nhưng trong bối cảnh nhiều vấn đề địa chính trị được ưu tiên quan tâm (như cuộc xung đột Nga - Ukraine và Trung Ðông), giới quan sát nhận định Tổng thống Brazil rất có thể phải chật vật để dập tắt sự hoài nghi về đề xuất đánh thuế người giàu.

Tuy công chúng có thể ủng hộ rộng rãi việc áp dụng mức thuế mới đối với giới siêu giàu, nhưng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở nhiều nước G20 đang làm gia tăng sự giám sát về cách chi tiêu tiền công, giữa lúc có ý kiến cho rằng viện trợ quốc tế và quỹ phát triển có thể được triển khai tốt hơn ở trong nước. “Hầu hết các nước G20 đang gặp khó khăn trong việc cân bằng ngân sách. Mặc dù đánh thuế bổ sung sẽ giúp ích, nhưng rất khó để cân bằng áp lực quốc gia với nghĩa vụ quốc tế hoặc đa phương mới”, chuyên gia kinh tế Maria Antonieta Del Tedesco Lins tại Ðại học Sao Paulo (Brazil) nhận xét.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu M. Habib Abiyan Dzakwan tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS) cho biết mỗi nhiệm kỳ chủ tịch G20 đều phải đối mặt với những thách thức riêng và ngày càng phức tạp. Chẳng hạn như việc nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Indonesia vào năm 2022 đã bị phủ bóng đáng kể bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong khi nhiệm kỳ chủ tịch G20 năm ngoái của Ấn Ðộ phải vật lộn với tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Ðông, bên cạnh cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trong nhiệm kỳ năm nay của Brazil, ông Dzakwan cho rằng những thách thức nói trên sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là khi ông Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng sau khi giành chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Trong khi lập trường của Trung Quốc và Ấn Ðộ về loại thuế mới nhắm vào giới siêu giàu vẫn còn mơ hồ, Washington kiên quyết phản đối.

NGUYỆT CÁT (Theo DW)

Chia sẻ bài viết