11/05/2025 - 09:07

Giá trị văn hóa và kiến trúc của Ðình Thới An 

Ðình Thới An là một trong các ngôi đình cổ có kiến trúc đẹp và hệ thống thờ tự phong phú tại Cần Thơ. Ðình tọa lạc trên khuôn viên đất rộng 3.000m2, thuộc khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.

Di tích Ðình Thới An. Ảnh: DUY KHÔI

Cũng như nhiều ngôi đình khác ở Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung, đình Thới An được thành lập vào những năm khai khẩn đất hoang ở Nam Bộ thời Nguyễn. Theo tài liệu của Ban Quản lý di tích, vào thời Vua Gia Long (1802-1820), cả vùng rộng lớn thuộc Cần Thơ ngày nay hình thành một số làng như làng Tân An, làng Thới Thuận, làng Bình Thủy, làng Thới An... Bên cạnh việc mở rộng đất đai, tổ chức các đơn vị hành chính, xây cầu, dựng chợ,... việc lập đình là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt.

Đình là nơi thờ phượng những vị Thần được vua phong sắc, những người có công với đất nước trong chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi. Ngoài ra nơi đây còn là công sở hành chánh của làng, nơi cư trú của khách lỡ đường và đặc biệt là nơi hội họp của dân làng vào những dịp lễ, hội. Do chức năng quan trọng như thế nên ở mỗi làng, người ta đều dựng một ngôi đình. Tùy khả năng về kinh tế và dân số mà quy mô đình lớn hay nhỏ. Riêng đình Thới An, theo các bô lão kể lại, vào những năm đầu thế kỷ XIX, lưu dân vào đây sinh sống đã chọn một gò đất cao ráo ở ấp Thới Thuận, xã Thới An xây dựng một ngôi đình nhỏ bằng tre lá để thờ Thần (hiện nay ngôi đình này vẫn còn và đã được dân chúng tu sửa khang trang bằng vật liệu bền vững).

Khi cuộc sống ngày càng ổn định, sung túc, cư dân chú trọng hơn về đời sống tinh thần. Do đó, họ đã làm đơn xin quan sở tại và cử các bô lão quá giang ghe bầu ra Huế xin với triều đình hợp thức hóa đình làng Thới An. Nhu cầu này hoàn toàn phù hợp với chính sách mở mang bờ cõi và an dân của nhà Nguyễn, nên vào năm 1852 Vua Tự Đức đã phê sắc phong thần cho đình làng Thới An là Bổn Cảnh Thành Hoàng. Từ khi có sắc phong, dân làng họp bàn chọn địa điểm và chung sức xây dựng lại ngôi đình mới xứng đáng với ơn vua, làng xã (1).

Đình Thới An có kết cấu hình chữ Nhất, mặt quay về hướng Đông. Phía trước đình là nhà võ ca dùng để tổ chức hội hè, hát xướng, cụ thể là tổ chức hát bội vào mỗi kỳ Lễ Kỳ Yên ở đình. Giữa võ ca là 2 miếu thờ Sơn quân bên phải (nhìn từ trong ra) và Ngũ hành bên trái ngôi đình. Trước võ ca, chếch về bên trái (nhìn từ trong ra) là đàn thờ Thần Nông - nơi dùng cúng tế vị Thần nông nghiệp trong mỗi dịp cúng đình.

"Đình Thới An nổi bật giữa cảnh làng quê bình dị, yên ả bởi quy mô to lớn với một hệ thống mái ngói đặc sắc. Mái đình chia ra làm 3 phần, mỗi phần gồm 3 tầng mái chồng lên nhau, riêng phần giữa lại chia làm 3 cụm mái, 2 cụm 2 bên chỉ có 2 tầng mái. Mái đình lợp ngói ống (một số nơi ở tầng 1 lần trùng tu sau được thay bằng ngói âm dương) với các gờ bó mái bằng men xanh, trên các bờ nóc là những cặp lưỡng long chầu thái cực, các đầu đao không cong vút lên như thường thấy, đầu bờ chảy trang trí các tượng gốm sứ nhiều màu: cá hóa long, kỳ lân... khoảng cách giữa các tầng mái được các nghệ nhân vẽ hoa lá, chim muông, các sự tích và các bài thơ nay đã mờ không còn đọc được. Toàn bộ kết cấu mái được nâng đỡ bởi hệ thống vì kèo cánh ác và 6 hàng cột, mỗi hàng 10 cây. Riêng hàng thứ 3 và 4 ở giữa có xây thêm 1 cột gạch vào năm 1945 để đỡ tiếp mái. Tất cả các cột vòng ngoài đều xây gạch đại, tường vôi, đầu cột trang trí dây lá theo tiêu thức Corinthien, các cột còn lại bằng gỗ tròn đường kính 40cm"(2).

Từ võ ca đến chính điện là một khoảng sân rộng, bước qua khoảng sân này, là mặt tiền ngôi đình với 5 cửa bằng gỗ rất chắc chắn. Phía sau 5 cánh cửa này chính là nơi thờ tự của ngôi đình. Không gian thờ tự nơi chính tẩm ngôi đình được bố trí thành 3 gian: tiền điện, trung điện và chính điện. Tiền điện là khu vực thờ tự được đặt sát ngay cửa đình. Ngay chính giữa tiền điện là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai bên có xếp 2 bộ bàn ghế dùng để tiếp khách. Cách bàn thờ Bác Hồ không xa là bàn thờ của Trăm quan cựu thần.

Hết khu vực tiền điện là khu vực trung điện. Nơi đây có bố trí bàn thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực, với dòng chữ ghi ở bàn thờ là Thượng đẳng đại thần - thể hiện sự tôn kính hết mực của cư dân trong vùng đối với vị anh hùng áo vải, lãnh đạo nghĩa quân chống lại bọn thực dân cướp nước.

Gian thờ Thần Ðình Thới An. Ảnh: DUY KHÔI

Trong cùng là khu vực chính điện - nơi trang trọng nhất của cả ngôi đình - thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh - vị thần cai quản, che chở, định đoạt phúc họa cho một cộng đồng làng xã. Chính giữa là bàn thờ Thành Hoàng có chữ Thần được đặt trong khánh thờ. Khánh thờ được chạm trổ công phu, đẹp mắt. Phía trước bàn thờ Thành Hoàng là hai hàng binh khí được bố trí ở hai bên, thể hiện sự uy nghiêm của thần. Bên trái (nhìn từ ngoài vào) là bàn thờ Tả Ban, bên phải là bàn thờ Hữu Ban. Ở khu vực này có nhiều hoành phi, câu đối và nhiều nét chạm trổ hoa văn, họa tiết, võng lọng, trông rất sinh động, trang nghiêm, càng tôn thêm vẻ thiêng liêng của ngôi đình. Ngoài bàn thờ chính thờ Thành Hoàng, Tả Ban, Hữu Ban, hai bên chánh tẩm của ngôi đình còn bố trí nhiều bàn thờ để thờ các vị thần khác.

Hằng năm, ngoài các lễ cúng tứ thời tiết lập, lễ hội lớn nhất ở đình là Lễ Kỳ Yên Thượng Điền được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 4 âm lịch và Kỳ Yên Hạ Điền được tổ chức vào các ngày 14,15, 16 tháng Chạp âm lịch. Trong 2 kỳ lễ này, Ban tế tự đình có tổ chức các nghi thức cúng Túc Yết, Chánh Tế, Thần Nông, Lễ Thỉnh sắc và Hồi sắc…

Ngoài những giá trị văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đình Thới An còn là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh lâm thời huyện Ô Môn. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngày nay ngôi đình vẫn tồn tại với đường nét cổ kính, mang đậm dấu ấn của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Với những giá trị lịch sử đó, năm 2004 Đình Thới An đã được UBND TP Cần Thơ xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa(3).

Huỳnh Hà

--------

(1) Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ (2004), "Di tích lịch sử - văn hóa Đình Thới An (phường Thới An, quận Ô Môn)", tr.2-3.

(2) Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ, Tlđd, tr.8.

(3) Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ (2019), "Di tích lịch sử - văn hóa thành phố Cần Thơ", tr.189.

Chia sẻ bài viết