11/05/2025 - 15:48

Ấn Độ, Pakistan “đấu” UAV? 

Cả Ấn Độ và Pakistan được cho đã cố gắng kiềm chế các hành động quân sự có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh tổng lực với hậu quả khó lường, nhưng các đòn tấn công bằng (UAV) ít gây đổ máu lại có thể kéo dài và leo thang nguy hiểm.

Cảnh sát Pakistan kiểm tra hiện trường vụ UAV bị bắn hạ ở thành phố Karachi hôm 8-5. Ảnh: AFP

Trong một cuộc họp báo hôm 8-5, Trung tướng Ahmad Sharif Chaudhry, phát ngôn viên quân đội Pakistan, cho biết các thành phố đông dân nhất nước này, gồm Karachi và Lahore, đã bị một “làn sóng” UAV của Ấn Độ tấn công trong đêm 7-5. Theo ông Chaudhry, hệ thống phòng không Pakistan đã bắn hạ tổng cộng 25 chiếc UAV. Ông Chaudhry mô tả các cuộc tấn công bằng UAV của Ấn Độ là hành động “xâm lược trắng trợn” và “khiêu khích nghiêm trọng”, đồng thời tuyên bố Pakistan sẵn sàng trả đũa. 

Ông Chaudhry cho biết, số UAV mà Ấn Độ dùng để tấn công Pakistan là những chiếc UAV Harop, Searcher và Heron do Israel Aerospace Industries (IAI), nhà sản xuất và cung cấp máy bay chính của Chính phủ Israel, phát triển. Harop không được thiết kế để sống sót sau một cuộc đối đầu, do đó nó còn được gọi là UAV tự sát. Chiếc Harop của IAI là một trong những UAV nguy hiểm nhất, bởi nó kết hợp khả năng của UAV thông thường và tên lửa. Với chiều dài tầm 2 mét, phương tiện này đủ nhỏ để vượt qua hầu hết các hệ thống phát hiện máy bay. Nó có thể bay trong phạm vi 200km và có thể quay trở lại, hạ cánh tại căn cứ phóng nếu không tấn công được mục tiêu. Trong khi đó, Searcher thường được sử dụng cho các nhiệm vụ trinh sát, còn Heron có khả năng tương tự như Harop.

Quân đội Pakistan cho rằng các cuộc tấn công bằng UAV nói trên của Ấn Độ có thể dẫn đến leo thang bạo lực giữa New Delhi và Islamabad, đồng thời gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với an toàn hàng không dân dụng ở Pakistan. Hôm 8-5, Cơ quan Hàng không Dân dụng của Pakistan đã tạm thời đình chỉ hoạt động tại 4 sân bay của nước này.

Theo tờ Al Jazeera, Bộ Quốc phòng Ấn Độ vài giờ sau đó xác nhận rằng họ đã nhắm mục tiêu vào các radar phòng không của Pakistan và tuyên bố “vô hiệu hóa” một hệ thống phòng thủ ở thành phố Lahore. Đơn vị này cho hay Pakistan trong đêm 7-5 cũng đã cố gắng “tấn công một số mục tiêu quân sự” ở khu vực miền Bắc và miền Tây Ấn Độ cũng như khu vực Jammu và Kashmir do New Delhi quản lý bằng “UAV và tên lửa”, nhưng số UAV này đã bị hệ thống phòng không của Ấn Độ bắn hạ.

Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ ngày 8-5 dẫn nguồn tin từ các đơn vị phòng không Ấn Độ cho biết nước này đã vô hiệu hóa hơn 50 UAV của Pakistan. Pakistan hiện vẫn chưa có phản hồi về cáo buộc của Ấn Độ rằng họ đã cố gắng tấn công Ấn Độ bằng UAV và tên lửa.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công qua lại bằng UAV nói trên là sự leo thang mới nhất giữa 2 nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân. Nó diễn ra sau khi Ấn Độ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Pakistan, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang sau khi một nhóm tay súng tấn công khách du lịch tại khu nghỉ dưỡng Pahalgam thuộc khu vực Jammu và Kashmir. Vụ xả súng khiến 26 người thiệt mạng, gồm 25 công dân Ấn Ðộ và 1 người Nepal, trở thành cuộc tấn công đẫm máu nhất đối với dân thường tại khu vực có đa số người Hồi giáo này kể từ năm 2000. Ấn Độ cho rằng Pakistan đã hậu thuẫn nhóm tay súng này. Song, phía Pakistan bác bỏ mọi cáo buộc, gọi việc liên hệ nước này với vụ tấn công là “vô căn cứ”, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành động gây hấn nào từ phía Ấn Ðộ.

Tương quan sức mạnh giữa Ấn Độ và Pakistan

Theo bảng xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2025 của Global Firepower, Ấn Độ là cường quốc quân sự mạnh thứ tư thế giới trong khi Pakistan được xếp thứ 12 và Ấn Độ là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ năm thế giới. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ năm 2024 đã chi 86 tỉ USD cho quân đội, tương đương 2,3% GDP nước này. Trong khi đó, Pakistan hồi năm ngoái đã chi 10,2 tỉ USD cho quân đội, tương đương 2,7% GDP. Tổng quân số của Ấn Độ là 5.137.550 người, gần gấp 3 lần so với con số 1,7 triệu người của Pakistan. Ấn Độ sở hữu 2.229 máy bay quân sự, 3.151 xe tăng chiến đấu so với con số 1.399 máy bay, 1.839 xe tăng của Pakistan.

Theo Chiến dịch  Hủy bỏ Vũ khí Hạt nhân Quốc tế, Ấn Độ và Pakistan hồi năm 2023 lần lượt chi 2,7 tỉ USD và 1 tỉ USD cho vũ khí hạt nhân. 

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết