Trước thông tin tỉ phú 94 tuổi Warren Buffett sẽ từ chức giám đốc điều hành (CEO) Berkshire Hathaway vào cuối năm, giới đầu tư đang tự hỏi liệu những người kế nhiệm có đủ động lực, điều kiện và kỹ năng như "Nhà hiền triết xứ Omaha".

Warren Buffett (ngồi) và người sẵn sàng kế nhiệm Greg Abel. Ảnh: CNBC
Hồi tháng 2, tỉ phú Buffett trong bức thư gửi cổ đông từng nói rằng sẽ không còn lâu để người kế nhiệm được chọn Greg Abel thay thế ông trở thành CEO Berkshire Hathaway. Ðến ngày 3-5, sau cuộc họp thường niên của tập đoàn, doanh nhân lão luyện khiến các cổ đông sửng sốt khi chính thức thông báo nghỉ hưu vào cuối năm. Trong ít nhất ¼ thế kỷ, các "nhà nghiên cứu về Buffett" không ít lần suy đoán về công tác kế nhiệm tại đế chế đầu tư được định giá 1.100 tỉ USD. Dù vậy, những người kề cận nhất với vị doanh nhân kiệt xuất này vẫn chưa bớt "sốc" trước thông báo mới nhất của ông, đặc biệt giữa thời điểm kinh tế và địa chính trị thế giới đang có những thay đổi lớn.
Quá trình trở thành nhà đầu tư huyền thoại
Sinh năm 1930 tại Omaha thuộc tiểu bang Nebraska, Warren Edward Buffett là con trai của nhà đầu tư và chính trị gia Howard Buffett. Ngay từ nhỏ, cậu bé đã bị hút hồn bởi những con số và có mong muốn làm giàu rất sớm. Lần đầu tiên Buffett đầu tư là năm 11 tuổi khi chọn mua 3 cổ phiếu của công ty dầu khí Cities Service Preferred. Không lâu sau, mã cổ phiếu này sụt từ 38 USD xuống còn 27 USD/cổ phiếu nhưng Buffett vẫn kiên nhẫn chờ tới khi giá tăng lên 40 USD mới bán kiếm lời. Bất ngờ hơn nữa là cổ phiếu Cities Service Preferred sau đó tăng lên tới 200 USD. Ðây cũng là bài học đầu tiên mà Buffett rút ra về sự kiên nhẫn trong đầu tư.
Ngoài tham gia thị trường chứng khoán, Buffett còn biến việc giao báo hằng ngày thành công việc kinh doanh thực thụ. Vào những năm 1940, Buffett đã kiếm được 175 USD/tháng, cao hơn lương của nhiều nhân viên toàn thời gian thời điểm đó. Năm 1945, Buffett dùng 1.200 USD tự kiếm để mua 16 héc-ta đất nông trại tại Nebraska. Nhờ dòng tiền chảy về từ việc giao báo và lợi nhuận cho nông dân thuê đất, Buffett năm 16 tuổi đã sở hữu tài sản 53.000 USD - một con số khổng lồ lúc bấy giờ.
Năm 1951, Buffett tốt nghiệp Ðại học Nebraska-Lincoln với bằng cử nhân quản trị kinh doanh và đảm nhiệm nhiều công việc như nhân viên kinh doanh đầu tư tại công ty của cha mình, chuyên gia phân tích chứng khoán và là đối tác chung của một số công ty hợp danh đầu tư. Với chiến lược mua cổ phiếu các công ty bị thị trường định giá thấp hoặc đang giao dịch thấp hơn giá trị thực, Buffett đã nâng số tài sản cá nhân của mình lên 140.000 USD kể từ khi rời trường đại học. Năm 1956, Buffett trở về quê nhà Omaha lập quỹ đầu tư Buffett Associates cho bạn bè và gia đình. Ðến năm 1969, quỹ đầu tư của Buffett với số vốn khởi đầu 105.100 USD đã sở hữu khối tài sản lên đến 7,2 triệu USD. Trong tổng số này có 1 triệu USD thuộc cá nhân Buffett. Tiếp nhận nhiều tài khoản mới, Buffett quyết định sáp nhập các quỹ đầu tư thành Buffett Partnership; đồng thời nâng mức đầu tư tối thiểu lên 4 lần.
Buffett đã bắt đầu làm việc tại công ty sản xuất dệt may Berkshire Hathaway với tư cách nhà đầu tư vào năm 1962 và trong 3 năm, cậu thanh niên này đã tham gia kiểm soát và tiếp quản công ty, biến nó thành tập đoàn đầu tư khổng lồ sau này.
Năm 1988, Buffett cũng đã bắt đầu gom cổ phiếu Coca-Cola với tổng giá trị lên đến 1,02 tỉ USD theo giá trung bình 10,96 USD/cổ phiếu. Trong 3 năm, cổ phần của ông tại Coca-Cola tăng lên con số đáng kinh ngạc 3,75 tỉ USD với lợi nhuận trên một cổ phiếu tăng 64%.
Những năm 2000 là giai đoạn thăng hoa trong sự nghiệp đầu tư của tỉ phú Buffett. Năm 2008, ông lần đầu trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản 62 tỉ USD theo thống kê của tạp chí Forrbes, vượt qua người giữ vị trí này suốt 13 năm trước đó là tỉ phú Bill Gates. Tính đến ngày 5-5-2025, ông là người giàu thứ sáu trên thế giới trong danh sách của Forbes với giá trị tài sản ròng ước tính 168,2 tỉ USD. Từ năm 2016, Berkshire Hathaway bắt đầu mua cổ phiếu Apple. Sau này, Buffett chia sẻ rằng ông ước đã mua cổ phiếu này sớm hơn. "Tôi không xem Apple như một cổ phiếu mà như một mảng kinh doanh thứ 3" - ông Buffett nói với đài CNBC.
Là một biểu tượng đầu tư, Buffett nổi tiếng với khả năng tác động đến thị trường bằng các động thái tài chính. Ngoài những thương vụ điển hình như vụ sáp nhập ABC/Capital Cities, General Electric và Coca-Cola, trong sự nghiệp của mình ông còn đầu tư vào nhiều cổ phiếu như Washington Post, Evening News, Siêu thị Ðồ nội thất Nebraska và Bebraska, Scott & Fetzer, General Foods, Cap Cities, Gillette, Usair, Champion, Wells Fargo, Salomon Brother, General Dynamics… cùng nhiều công ty khác.
Tài năng vô song và sự khiêm tốn
Là một trong những nhà đầu tư vĩ đại và được mệnh danh là "nhà tiên tri Phố Wall" , Buffett không chỉ thông minh mà ông còn dành gần như toàn bộ cuộc đời của mình cho thị trường chứng khoán. Ðặc biệt những năm đầu tiên, thành công của ông phụ thuộc vào sự hy sinh khi từ bỏ cuộc sống xã hội và gia đình bình thường. Kể từ năm 1942, khi mua cổ phiếu đầu tiên lúc 11 tuổi, Buffett đã nghiên cứu thông tin về các công ty. Trong khi những đứa trẻ cùng tuổi chơi ở công viên giải trí, cậu bé đã ngồi trên băng ghế và đọc báo cáo tài chính. Dựa vào thói quen làm việc, người ta ước tính vị tỉ phú này đã đọc hơn 100.000 báo cáo tài chính trong sự nghiệp kéo dài hơn 7 thập kỷ của mình.
Sự hiểu biết của ông về thông tin tài chính, kết hợp với trí nhớ phi thường, đã biến Buffett thành một dạng trí tuệ nhân tạo của con người. Ông có thể trả lời hầu như bất kỳ câu hỏi nào từ cơ sở dữ liệu nội bộ của chính mình. Ðiều đó mang lại cho ông khả năng vô song trong việc xác định yếu tố chủ chốt trong bất kỳ thông tin mới nào và đây chính là một lợi thế lâu dài so với các nhà đầu tư khác.
❝ Không chỉ là nhà đầu tư huyền thoại, ông Buffett còn được biết đến là một vị tỉ phú hết lòng trong các hoạt động từ thiện. Chính ông Buffett đã đưa ra sáng kiến “Cam kết cho đi” (The Giving Pledge), qua đó vận động các tỉ phú cam kết sẽ trao tặng ít nhất một nửa tài sản của mình cho tổ chức từ thiện. Buffett còn đi xa hơn thế nữa trong cam kết năm 2006: “Hơn 99% tài sản của tôi sẽ dành cho hoạt động từ thiện trong suốt cuộc đời hoặc khi tôi qua đời”. Ông chỉ dành phần tài sản ít ỏi còn lại cho 3 người con. Tính đến tháng 12-2024, ông đã tài trợ cho 5 quỹ từ thiện số cổ phiếu trích lũy trị giá 55 tỉ USD ở Berkshire Hathaway. |
Thái độ khiếm tốn và tự hạ thấp bản thân cũng khiến ông trở nên khác biệt. Trước nay, Buffett vẫn cho rằng những thành công của bản thân là nhờ có xuất phát điểm may mắn hơn người khác khi sinh ra là người da trắng, nam giới và trong gia đình tương đối khá giả. Ông cũng nói rằng mình "gặp thời" khi phát huy năng lực đầu tư ở thời điểm thuận lợi của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Tất cả những điều trên gộp lại được ông ví như hiệu ứng "quả cầu tuyết", càng lăn càng lớn. Nhưng hầu hết những nhà quan sát cho rằng sự tự phân tích này đã đánh giá thấp mức độ kiên trì, cầu toàn, tập trung và trí tuệ đằng sau tính dân dã của ông. Ví dụ, khi Buffett đầu tư vào ngân hàng Goldman Sachs trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông đã thực hiện với các điều khoản rất có lợi cho Berkshire và chính điều này đã minh họa một trong những châm ngôn nổi tiếng nhất của ông: "Chúng ta chỉ cố gắng sợ hãi khi người khác tham lam và chỉ tham lam khi người khác sợ hãi".
Mặc dù biến động luôn tạo ra cơ hội, nhưng khi "quả cầu tuyết" của Buffett dừng lại, câu hỏi đặt ra là liệu những người kế nhiệm ông có nguồn lực để tạo ra một quả cầu tuyết mới như "Nhà hiền triết xứ Omaha" không. Dù vẫn được ban lãnh đạo công ty chọn duy trì ghế chủ tịch hội đồng quản trị của Berkshire Hathaway, nhưng việc ông Buffett sớm trao lại vị trí CEO cho ông Abel, thay vì chờ đến sau khi qua đời, cho thấy sự tin tưởng lớn vào người kế nhiệm. Ông Abel gia nhập Berkshire Hathaway từ năm 1999, là thành viên hội đồng quản trị từ năm 2018 và hiện giữ chức phó chủ tịch phụ trách các mảng kinh doanh ngoài bảo hiểm, bao gồm tiện ích, đường sắt và bán lẻ. Trong thư gửi cổ đông năm 2021, ông Buffett đã ca ngợi ông Abel là một trong 4 "viên ngọc quý" của tập đoàn.
Nếu ông Abel thuận lợi đảm nhận vai trò mới, các nhà đầu tư và cổ đông kỳ vọng ông sẽ tiếp tục duy trì triết lý đầu tư của Berkshire Hathaway. Tuy nhiên, con đường phía trước của ông Abel và tương lai của Berkshire Hathaway là điều khó đoán định. Khác với "cây đại thụ" Warren Buffett, nhà quản lý 62 tuổi Abel không có ánh hào quang của nhà đầu tư huyền thoại và chỉ sở hữu một phần nhỏ cổ phần của tập đoàn. Các nhà kinh tế học cho rằng mô hình kinh doanh của tập đoàn bị ảnh hưởng mạnh bởi thương hiệu cá nhân và triết lý đầu tư của ông Buffett - điều không dễ thay đổi.
Dù vậy, ông Abel không nhất thiết phải đi đúng con đường mà ông Buffett đã đi. Người kế nhiệm có thể thổi làn gió mới vào Berkshire Hathaway. Việc tỉ phú Buffett rời đi không phải là dấu chấm hết, mà là sự khởi đầu mới của đế chế vững bến mà ông đã xây dựng. Với 347 tỉ USD tiền mặt dự trữ, danh mục các doanh nghiệp vững như bàn thạch và một CEO tương lai hiểu rõ quy trình vận hành doanh nghiệp, Berkshire Hathaway vẫn là một pháo đài kiên cố.
Lời khuyên cho giới trẻ
Tại cuộc họp thường niên với cổ đông và thông báo từ chức hôm 3-5, ông Buffett đã dành những lời khuyên sâu sắc về cuộc sống và sự nghiệp cho thế hệ trẻ. Theo vị tỉ phú, người trẻ nên dành thời gian cho những người xuất chúng giỏi giang, thông minh để học hỏi, điều này khác biệt so với việc chỉ đơn thuần bắt chước người giỏi kiếm tiền. “Người mà bạn kết giao có vai trò vô cùng quan trọng. Cuộc đời của bạn sẽ phát triển theo hướng tương đồng với những người mà bạn làm việc cùng, ngưỡng mộ và kết giao”, ông Buffett chia sẻ. Bên cạnh đó, CEO Berkshire Hathaway còn khuyên các nhà đầu tư trẻ nên tìm kiếm công việc mà bản thân yêu thích đến mức sẵn sàng làm nó mà không cần tiền. Ông cũng khuyên người trẻ nên kiên trì với mô hình kinh doanh dễ hiểu và giữ vững kỷ luật.
|