Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ) vừa phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) tổ chức khóa tập huấn “Xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu” do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Khóa tập huấn cung cấp kiến thức và kỹ năng nền tảng để các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất kinh doanh đặc sản địa phương có thể xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm một cách bài bản, phù hợp; qua đó nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của đặc sản địa phương ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia lớp tập huấn.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, việc xây dựng và phát triển thương hiệu trở thành một yếu tố then chốt đối với những sản phẩm truyền thống, đặc biệt là đặc sản địa phương. Xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương không chỉ là cách nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, mà còn là cầu nối đưa tinh hoa văn hóa vùng miền đến gần hơn với cộng đồng trong nước và quốc tế. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm ở các địa phương vẫn chưa được quan tâm nhiều đến chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản. Cùng với đó, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; chưa đầu tư tương xứng cho bao bì, nhãn mác, truyền thông và tiêu chuẩn chất lượng khiến các đặc sản địa phương khó tiếp cận thị trường rộng lớn. Điều này đặt ra vấn đề phải làm sao thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu cho sản phẩm địa phương, từ việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đến xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, ứng dụng công nghệ số, kết nối tiêu thụ…
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Chủ tịch CBA, chia sẻ: TP Cần Thơ ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển các sản phẩm đặc sản mang dấu ấn địa phương. Tuy nhiên, khi nhắc đến Cần Thơ, người dân, du khách vẫn chưa hình dung rõ nét về sản phẩm đặc trưng, mang bản sắc riêng của nơi này. Đây là mối quan tâm đau đáu đối với những người làm thương hiệu, chính quyền và cả các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như CBA bởi việc đầu tư phát triển thương hiệu không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm, lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn góp phần định vị, quảng bá về vùng đất, con người Cần Thơ đến du khách trong và ngoài nước.
Tham dự lớp tập huấn, 50 học viên là đại diện viện trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân được chuyên gia về thương hiệu giới thiệu khái quát về đặc sản địa phương; xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương; cách thức, lợi ích bảo hộ đối với đặc sản địa phương; kinh nghiệm để xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản địa phương thành công; chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương.
Bà Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hygie&Panacee, cho biết: “Tham gia lớp tập huấn, tôi được hệ thống toàn bộ kiến thức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm một cách bài bản. Công ty hiện có 15 sản phẩm từ dược trà đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền và chúng tôi đang hướng tới phát triển sản phẩm của mình thành thương hiệu đặc sản địa phương, nghĩa là khi nhắc đến Cần Thơ, chúng tôi muốn du khách trong và ngoài nước nhớ đến dược trà Hygie&Panacee. Để làm được điều đó, Công ty đã nỗ lực và đạt chứng nhận OCOP 4 sao nhằm đánh dấu tính vùng miền của sản phẩm; tham gia bình chọn và được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao, cho thấy người tiêu dùng đã ghi nhớ được sản phẩm… Đây là những bước đi đầu tiên và tôi kỳ vọng chính quyền thành phố tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong hành trình xây dựng thương hiệu đặc sản địa phương cho dược trà Hygie&Panacee”.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, thống kê số đơn và văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp tháng 2-2025, thành phố có 95 đơn đăng ký bảo hộ và 90 văn bằng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp mới, đạt 42,9% so với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của UBND thành phố (210 văn bằng). Điều đó cho thấy, chính quyền cũng như các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân rất quan tâm đến vấn đề phát triển thương hiệu nói chung và thương hiệu cho đặc sản địa phương nói riêng. “Hiện CBA đang chuẩn bị triển khai Đề án bình chọn sản phẩm dịch vụ tiêu biểu của TP Cần Thơ. CBA mời gọi tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia bình chọn cũng như chia sẻ rộng rãi thông tin để người dân, du khách biết nhiều hơn về các sản phẩm của Cần Thơ. Đây cũng là nền tảng để CBA kiến nghị thành phố có chiến lược quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm đặc sản địa phương đến du khách, bạn bè trong và ngoài nước” - ông Nguyễn Hoàng Phương nói.
Là giảng viên chính của khóa tập huấn, TS Nguyễn Quốc Nghi, Giảng viên Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ lưu ý 6 nguyên tắc truyền thông thương hiệu thông qua xây dựng thông điệp truyền thông: đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ; chân thật, uy tín, đáng tin cậy; hấp dẫn, bắt mắt; liên quan chủ đề, tác động hành vi; phù hợp văn hóa, phong tục, tín ngưỡng; tác động cảm xúc, tâm lý đối tượng. Ngoài ra, TS Nguyễn Quốc Nghi cũng đưa ra cách thức bảo hộ nhãn hiệu đặc sản thông qua các bước: lựa chọn nhãn hiệu có khả năng đăng ký và cấp bằng bảo hộ; tra cứu nhãn hiệu xác định khả năng đăng ký thành công; nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ; đợi thẩm định đơn và thông báo kết quả của Cục Sở hữu trí tuệ.
TP Cần Thơ hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ
Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND thành phố quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ như sau:
- Hỗ trợ trong nước: 30 triệu đồng/đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế và giống cây trồng mới; 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.
- Hỗ trợ ngoài nước: 60 triệu đồng/đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới.
 |
Fanpage dự án |
Kênh thông tin Sở hữu trí tuệ Cần Thơ |
Kênh Youtube
Dự án
|
Bài, ảnh: MỸ THANH