(CT) - Sáng 10-5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực NN&MT.

Trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại điểm cầu của TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố và một số sở ngành hữu quan cùng dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&MT Ðỗ Ðức Duy nhấn mạnh: Nghị quyết 57-NQ/TW xác định định hướng chiến lược, với tầm nhìn xuyên suốt: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, mà còn là thời cơ tốt nhất để Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. NN&MT là 2 lĩnh vực đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường; mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống dựa vào lao động thủ công, chi phí đầu vào cao, giá trị gia tăng thấp không còn phù hợp. Trong khi đó, các xu hướng như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết. Muốn thay đổi cục diện, toàn ngành phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.
Bộ trưởng nêu 5 nhóm nội dung trọng tâm để các đại biểu cùng thảo luận. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy đổi mới trong cả khu vực công và tư. Thứ hai, xác định và tập trung vào những lĩnh vực khoa học công nghệ có tiềm năng lớn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên và tạo giá trị gia tăng cho ngành. Thứ ba, sắp xếp lại hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có sức cạnh tranh và lan tỏa tri thức ra thị trường. Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện từ hoạch định chính sách, điều hành đến sản xuất, tiêu thụ để dữ liệu số, công nghệ số và kinh tế số thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phát triển mới.
Hội nghị bao gồm 2 phiên. Tại phiên toàn thể, đại biểu được nghe trình bày về thực trạng và giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; định hướng của Quốc hội và Chính phủ đối với lĩnh vực này; cùng các tham luận từ doanh nghiệp, địa phương và đơn vị ngành dọc. Phiên chuyên đề chia thành 4 nhóm trọng tâm: (1) Trồng trọt - Bảo vệ thực vật - Lâm nghiệp; (2) Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản; (3) Môi trường - Tài nguyên nước; (4) Thủy lợi - Phòng, chống thiên tai - Biến đổi khí hậu. Theo đó, các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ về các định hướng nghiên cứu, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học phục vụ phát triển ngành…
Thời gian qua, ngành NN&MT có nhiều bước tiến trong ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh đến giám sát môi trường tự động, số hóa dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng… Hiện Bộ NN&MT có tổng cộng 21 tổ chức khoa học công nghệ, 180 phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học công nghệ. Giai đoạn 2021-2025, kinh phí nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ của Bộ là 4.687 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp là 3.594 tỉ đồng và môi trường là 1.089 tỉ đồng. Về công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, giai đoạn 2021-2025, tổng cộng có 1.201 chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ khoa học công nghệ đã và đang triển khai; trong đó có 735 nhiệm vụ đã hoàn thành, 466 nhiệm vụ đang triển khai… Ngoài ra, ngành NN&MT còn phối hợp với các đối tác, tổ chức quốc tế xây dựng, triển khai nhiều dự án liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…
Tin, ảnh: MỸ THANH