11/05/2025 - 16:42

Góp phần tăng cường hiệu quả dạy và học môn tiếng Pháp 

Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc học ngoại ngữ được xem là một trong các chìa khóa giúp học sinh mở cánh cửa tri thức, phát triển tư duy, nâng cao hiểu biết và vốn sống thực tế. Bên cạnh tiếng Anh, nhiều trường học ở TP Cần Thơ đã thực hiện giảng dạy chương trình song ngữ tiếng Pháp, tiếp nhận tình nguyện viên, thực tập sinh người Pháp… Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Pháp trong các trường.

Học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm trong giờ thể dục do cô Joséphine Richard phụ trách.

Giờ học thể dục của học sinh lớp 9P Trường THCS Đoàn Thị Điểm, do cô Joséphine Richard (sinh viên Trường Đại học Lyon 1 và là thực tập sinh dạy tiếng Pháp tại trường) phụ trách, diễn ra sôi động. Học sinh xếp thành hình vòng tròn, di chuyển từ trong ra ngoài và ngược lại, thực hiện các động tác tay, chân theo tiếng nhạc; sử dụng tiếng Pháp… Em Nguyễn Huỳnh Biển Ngọc, học sinh lớp 9P, vui vẻ nói: “Cách dạy của cô rất thú vị. Ngoài các động tác rèn luyện sức khỏe, cô cũng dạy nhảy múa giúp chúng em thư giãn. Em còn được học nhiều từ ngữ và tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Pháp”. Em Trần Nguyễn Thùy Dương, học sinh lớp 9P, cho biết qua giờ dạy của cô Joséphine Richard, bên cạnh kiến thức, em hiểu thêm về văn hóa Pháp; cách học và vui chơi của các bạn học sinh Pháp. Trên lớp học, cô còn sử dụng nhiều hình ảnh, video minh họa... tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Trong tháng 4-2025, Trường THCS Đoàn Thị Điểm đã tiếp nhận một thực tập sinh về trường giảng dạy tại lớp 9P (chương trình tiếng Pháp tăng cường), với 46 học sinh. Trong khoảng 1 tháng, thực tập sinh dạy 2 tiết/tuần và dự giờ 1 tiết/tuần. Cô Trần Ngọc Diễm Quỳnh, giáo viên tiếng Pháp, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, cho biết nhằm tạo điều kiện cho thực tập sinh, nhà trường phân công giáo viên hỗ trợ về soạn giáo án lên lớp đáp ứng tiêu chí, nội dung của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tạo điều kiện cho thực tập sinh dự giờ dạy của các giáo viên khác để quan sát, hình dung môi trường giáo dục Việt Nam... “Giáo án giảng dạy đảm bảo có nội dung đúng với chương trình, đồng thời phù hợp văn hóa nước ta”, cô Quỳnh nói thêm.

Cô Joséphine Richard cho biết chọn Việt Nam để đến thực tập là vì nơi đây có nền văn hóa rất khác biệt, bản thân cô có cơ hội khám phá và giảng dạy tiếng Pháp tại môi trường mới. Nhà trường, giáo viên hỗ trợ rất nhiều trong hoạt động chuyên môn, ngoại khóa. Học sinh tôn trọng giáo viên cũng như rất tự tin, độc lập, hào hứng trong giờ học. Theo cô Joséphine Richard, qua quá trình thực tập tại trường, cô được dự giờ các lớp và thực dạy; được trang bị thêm các kiến thức chuyên môn, hiểu biết về văn hóa... Đây là hành trang quý báu để cô trở thành giáo viên chính thức. 

Nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với Trường Đại học Lyon 1. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác này, hằng năm, nhiều sinh viên sư phạm của Trường Đại học Lyon 1 đến TP Cần Thơ thực tập tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố. Năm học 2024-2025, Sở tiếp nhận 13 sinh viên của Trường Đại học Lyon 1 đến thực tập giảng dạy tại 4 trường: Tiểu học Mạc Đĩnh Chi (4 sinh viên), Tiểu học Trần Quốc Toản (4 sinh viên), Tiểu học Ngô Quyền (4 sinh viên) và THCS Đoàn Thị Điểm (1 sinh viên).

Theo cô Trần Ngọc Diễm Quỳnh, việc thực tập sinh Pháp dạy tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm là cơ hội để học sinh học tiếp thu kiến thức đa dạng, tìm hiểu về nước khác, tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Nhiều năm qua, trường đón các tình nguyện viên từ các chương trình của nước Pháp nói riêng, thế giới nói chung. Cô Quỳnh cho biết: Đây là lần đầu tiên trường tiếp nhận 1 thực tập sinh Pháp nên rất vui và mong muốn tiếp tục chào đón các bạn thực tập sinh nước ngoài trong thời gian tới. “Tôi may mắn khi tham gia thực tập nơi đây. Tôi yêu đất nước, con người Việt Nam. Sau khi kết thúc khóa thực tập, tôi chắc chắn quay lại Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung”, cô Joséphine Richard tâm tình.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, việc tiếp nhận các sinh viên Pháp đến thực tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố hằng năm không chỉ tăng cường hợp tác quốc tế theo chủ trương chung, mà còn nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Pháp tại các trường. Thông qua hoạt động này, giáo viên và học sinh có cơ hội giao tiếp với người bản xứ, đồng thời cùng nhau trao đổi các phương pháp giảng dạy tích cực, sáng tạo. Đây là yếu tố quan trọng góp phần hiện thực hóa phương châm đổi mới trong giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ.

Bài, ảnh: B. KIÊN

Chia sẻ bài viết