Sau những chỉ trích về việc tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 6-5 đã công bố lộ trình nhằm loại bỏ khí đốt của xứ bạch dương khỏi cơ cấu năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2027. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng sự phụ thuộc của EU vào năng lượng từ Nga cũng như những chia rẽ trong khối gồm 27 quốc gia này có thể khiến cho kế hoạch bị chệch hướng.

Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen. Ảnh: DPA
Bất đồng nội bộ và căng thẳng với Mỹ
Theo Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen, kế hoạch yêu cầu các công ty năng lượng EU chấm dứt các hợp đồng mới cũng như các hợp đồng giao ngay ngắn hạn với các nhà cung cấp của Nga từ cuối năm nay, tiến tới việc ngừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu khí đốt Nga vào cuối năm 2027, gồm cả LNG và khí đốt qua đường ống. “Chúng tôi đã cố gắng đưa ra kế hoạch nhằm đảm bảo rằng chúng tôi sẽ loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga ra khỏi cơ cấu năng lượng của mình” - ông Jorgensen nói với đài DW. Ông Jorgensen đồng thời nhấn mạnh với kế hoạch này, EU muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng là sẽ không để vấn đề năng lượng tiếp tục bị khai thác như một công cụ gây sức ép và cũng không muốn các quốc gia thành viên rơi vào tình thế bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Tuy nhiên, kế hoạch trên đã vấp phải sự chỉ trích từ Slovakia và Hungary, qua đó làm gia tăng mâu thuẫn nội khối liên quan đến vấn đề năng lượng, cũng như chính sách của EU trong quan hệ với Nga. Phát biểu trước báo giới hôm 7-5, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết ông tôn trọng những nỗ lực của EU nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào các nước thứ ba, tuy nhiên đề xuất của EC về việc cắt giảm năng lượng của Nga vào cuối năm 2027 sẽ tác động tiêu cực đến EU. Ông Fico nhấn mạnh, Slovakia sẽ nỗ lực ngăn cản đề xuất này, bởi nó sẽ khiến giá năng lượng tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của khối vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ năm 2022. Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nhấn mạnh, kế hoạch của EU về việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga là một sai lầm nghiêm trọng và Hungary sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhất để phản đối kế hoạch này.
Ðáp lại, ông Jorgensen cho rằng khác với các biện pháp trừng phạt, đề xuất lần này không cần sự đồng thuận tuyệt đối. Do vậy EU hoàn toàn có thể tiến hành kế hoạch trên ngay cả khi có sự phản đối của một số quốc gia thành viên. Song, EU sẽ hỗ trợ những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn trong quá trình thực hiện kế hoạch cắt giảm khí đốt của Nga. Bên cạnh trở ngại khi tồn tại sự khác biệt trong quan điểm giữa các quốc gia thành viên, EU cũng phải đối mặt với không ít thách thức để thực hiện mục tiêu nói trên. Một trong những vấn đề then chốt là đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, trong bối cảnh các kế hoạch tăng nhập LNG từ Mỹ của EU bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Nỗ lực cắt giảm nhưng vẫn phụ thuộc
Ðộng thái trên được EC đưa ra trong bối cảnh lượng LNG mà EU nhập khẩu từ Nga tăng mạnh. Dù tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của EU từ Nga giảm kể từ khi Mát-xcơ-va phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine năm 2022, song theo cơ quan thống kê Eurostat, lượng nhập khẩu LNG được vận chuyển bằng đường biển và khí đốt đường ống từ Nga của EU hồi năm 2024 tăng 18%. Theo đó, EU đã chi 23 tỉ euro để mua nhiên liệu hóa thạch của Nga hồi năm ngoái.
❝ Theo IEEFA, trong năm 2024, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của EU sau Na Uy, chiếm 18% lượng khí nhập khẩu qua đường ống và 20% lượng LNG. Trong khi đó, lượng LNG nhập khẩu từ Nga cũng chỉ đứng sau Mỹ, quốc gia chiếm 45% thị phần LNG nhập khẩu vào EU.
|
Theo Pawel Czyzak, nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu năng lượng Ember (Anh), mặc dù tỷ trọng khí đốt của Nga trong hỗn hợp năng lượng của EU đã giảm nhưng nó vẫn chiếm từ 17,5-19% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU năm 2024. Chưa kể, sự gián đoạn mà Nga gây ra cho thị trường năng lượng toàn cầu đã dẫn tới nhiều thách thức kinh tế. Trong khi giá năng lượng tăng vọt đối với nhiều ngành công nghiệp, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với các hộ gia đình ngày càng trầm trọng. Do đó, ông Czyzak nhận định: “Châu Âu rất khó thoát khỏi hoàn toàn nguồn năng lượng của Nga. Và đó là lý do tại sao cách tiếp cận của EC lại không nhất quán”.
Cho đến nay, LNG vẫn chưa nằm trong các gói trừng phạt của EU đối với Nga. Hồi tháng 3 vừa qua, EC đã ban hành quy định cấm vận chuyển LNG của Nga qua các cảng châu Âu đến các quốc gia ngoài EU. Tuy nhiên, việc nhập khẩu LNG của Nga vẫn không bị ảnh hưởng. Theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), LNG của Nga vẫn tiếp tục “tràn” vào châu Âu chủ yếu thông qua Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha. IEEFA phát hiện, nhờ sở hữu cơ sở hạ tầng LNG tiên tiến, Pháp đã tăng 81% lượng LNG nhập khẩu từ Nga trong giai đoạn 2023-2024.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)