09/05/2025 - 21:31

Ký ức không được phép lãng quên 

Rạng sáng Chủ nhật ngày 22-6-1941, lực lượng Ðức Quốc xã bất ngờ tấn công Liên Xô. Bất chấp hiệp ước không xâm lược được ký tháng 8-1939, Hitler đã đưa quân đội Ðệ tam Ðế chế về phía Ðông hòng xóa sổ đất nước Xô Viết trên bản đồ thế giới.

Sau đó là 1.418 ngày đêm chiến đấu gian khổ mà 27 triệu người dân Liên Xô đã trả bằng sinh mạng để có được Chiến thắng Vĩ đại. Họ đã đi qua nhiều cuộc phong tỏa, bao vây, từ Leningrad (nay là Saint Petersburg) đến Smolensk, hàng triệu người ngã xuống vì đạn thù và cái đói. Tuy nhiên, họ đã đứng vững trong chiến dịch bảo vệ Moskva mùa Ðông năm 1941, trong đó có sự góp công của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, mở màn cho giai đoạn phản công trong cuộc chiến. Liên Xô đã lật ngược thế trận của cả cuộc chiến sau trận Stalingrad anh hùng (từ tháng 7/1942-tháng 2/1943) để tiến lên giải phóng Ukraine, Moldova, Belarus, các nước vùng Baltic và châu Âu, nơi Hồng quân Liên Xô có thêm sự hỗ trợ từ lực lượng đồng minh.

Những trận chiến khốc liệt nhất trên toàn châu Âu đã diễn ra, để rồi ngày 30-4-1945, Lá cờ Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô tung bay trên nóc tòa nhà Quốc hội của Ðệ tam Ðế chế và đến ngày 9-5, Ðức quốc xã đã phải ký vào tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và liên minh chống phát xít. Ðến ngày 2-9-1945, Chiến tranh Thế giới thứ hai, cuộc chiến 6 năm gian lao và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, đã chính thức khép lại.

Ðã có khoảng 70 quốc gia bị cuốn vào cuộc chiến này. Hơn 60 triệu người đã chết. Riêng tại Liên Xô, 1.700 thành phố và 70.000 làng mạc đã bị tàn phá, nhiều thành phố chỉ còn là đống tro tàn. Ở nước Nga chẳng một gia đình nào không có người thân không từng chiến đấu, không từng bị thương, hy sinh hoặc bị bắt làm tù khổ sai trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy.


Người Nga mừng Ngày Chiến thắng. Ảnh: AP

 

Ðối với quốc tế, mặt trận Liên Xô - Ðức là mặt trận chính của Chiến tranh Thế giới thứ hai - hơn 70% lực lượng bộ binh của Ðức và các nước thuộc phe phát xít đã tham gia những trận chiến khốc liệt nhất ở đây. Cùng mặt trận chính, nhờ các mặt trận chống phát xít khác: các trận chiến của lực lượng Ðồng minh ở Ðông và Bắc Phi giai đoạn 1941-1943, quân Ðồng minh đổ bộ vào Ý năm 1943, các trận chiến với phát xít Nhật ở Thái Bình Dương (1941-1945), mà số phận của các quốc gia và dân tộc bị lôi kéo vào Chiến tranh Thế giới thứ hai đã được quyết định. Phát xít Ðức và quân phiệt Nhật bị đánh bại đã cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc lớn mạnh, nhiều dân tộc thuộc địa giành được tự do, độc lập: Syria, Lebanon, Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc.

Việc tôn trọng và gìn giữ những ký ức ấy đã trở thành phẩm giá của người Nga. Tại Diễn đàn quốc tế “Di sản vĩ đại - Tương lai chung” diễn ra ngày 29-4 ở Thành phố Anh hùng Volgograd (trước đây là Stalingrad), Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Ngày Chiến thắng 9-5 là một trong những ngày lễ lớn nhất, thiêng liêng nhất. Ông nhấn mạnh bảo vệ độc lập và tương lai, đánh bại chủ nghĩa quốc xã chính là di sản chung mà cha ông đã để lại cho các thế hệ ngày nay.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại LB Nga, Giám đốc Trung tâm Ký ức lịch sử quốc gia Elena Malysheva cho biết cùng với hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho thanh thiếu niên, hợp tác quốc tế cũng là một định hướng quan trọng của trung tâm. Trước hết là hợp tác với các nước có công dân tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trong đó có Việt Nam. Bà nhấn mạnh câu chuyện về các chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam đã tham gia chiến dịch bảo vệ Moskva và được Nhà nước Nga dựng tượng đài để tri ân, coi đây chính là biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa quốc xã.

Phóng viên TTXVN đã có chuyến thăm Smolensk, thành phố có thể ví với Thành cổ Quảng Trị ở Việt Nam vì những tàn phá và thiệt hại do chiến tranh. Nơi đây người dân thường nói, mỗi tấc đất đều thấm máu của những người con bảo vệ Tổ quốc, mỗi khu rừng đều có thể là ngôi mộ tập thể của hàng trăm nghìn nạn nhân của quân đội Ðức quốc xã. Trong hơn hai năm bị Ðức quốc xã chiếm đóng 1941-1943, Smolensk đã bị phá hủy tới 93%, hơn nửa triệu người đã thiệt mạng. Và vì thế, thỉnh thoảng đâu đó giữa rừng, ta bắt gặp những dải băng tang buộc lên cành cây, ghi lại tội ác hay gọi tên trại tập trung của phát xít Ðức. Các chiến dịch tìm kiếm chưa từng ngừng lại suốt 40 năm qua và sẽ còn được tiếp tục tới khi nào không còn ngôi mộ chiến sĩ vô danh ở Smolensk.

Nhiệm vụ bảo vệ ký ức lịch sử được tăng cường cơ sở pháp lý. Lãnh đạo nước Nga cho biết Duma quốc gia (Hạ viện) đã thông qua luật về tôn vinh các nạn nhân trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Tổng cộng, hơn 10 luật liên bang về chủ đề lịch sử và tưởng niệm đã được thông qua tại Nga trong những năm gần đây. Ngay tại Diễn đàn “Di sản vĩ đại - Tương lai chung”, Tổng thống Putin đề nghị thành lập Ủy ban nghị viện về gìn giữ ký ức lịch sử nhằm tập hợp các lực lượng xã hội và chính trị, người dân, trước hết là thế hệ trẻ, cho nhiệm vụ bảo vệ sự thật về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, về Chiến tranh Thế giới thứ hai và về những đóng góp xương máu của nhân dân Liên Xô.

Ngày 9-5 trở thành ngày lễ lớn nhất của toàn thể lực lượng chống phát xít trên thế giới. Tại Liên Xô trước kia và nước Nga ngày nay, Ngày Chiến thắng không chỉ là ngày kỷ niệm mà đã trở thành một giá trị văn hoá, xã hội và nhân văn của cả nước.

Từ ngày 31-7-2023, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh về việc tổ chức 80 năm Ngày Chiến thắng vào năm 2025, theo đó một kế hoạch quy mô đã được xây dựng và triển khai từ đầu năm. Các hoạt động được tổ chức tái hiện lại những diễn biến quan trọng nhất của cuộc chiến, kết thúc bằng cuộc duyệt binh ngày 9-5.

Dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là một nội dung chính trong chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn cấp cao Việt Nam tới LB Nga. Cùng với lãnh đạo của gần 20 nước, Tổng Bí thư Tô Lâm có mặt trên Quảng trường Ðỏ trong lễ duyệt binh của lực lượng hậu duệ của Hồng quân năm xưa. Năm nay cũng là lần đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam cử đoàn chiến sĩ sang tham dự duyệt binh tại nước ngoài. Thật ý nghĩa khi đó là lễ duyệt binh kỷ niệm Chiến thắng phát xít, chiến thắng là tiền đề quan trọng để nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vùng lên tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thành công, với sự kiện ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tình hình quốc tế nhiều căng thẳng, xuất hiện các điểm nóng xung đột, các chiến trường kiểu mới tại nhiều nơi trên thế giới. Không ít trong số đó đã nảy sinh từ mầm mống phát xít, từ tư tưởng độc tôn. Những bài học từ Chiến tranh thế giới thứ hai lại trở nên cấp bách, khi tại nhiều nơi trên thế giới xuất hiện những hành vi biện minh cho chủ nghĩa phát xít. Những bài học còn nguyên giá trị, trước hết, đó là cần ngăn chặn sự hồi sinh của chủ nghĩa Quốc xã, sự lan truyền của các hệ tư tưởng độc hại, phân biệt chủng tộc, bất khoan dung dân tộc hoặc tôn giáo, nỗ lực gây sức ép hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.

“Không ai bị quên lãng, không điều gì bị lãng quên”, dòng chữ ghi trên Ðài tưởng niệm Chiến sĩ vô danh luôn được “Ngọn lửa vĩnh cửu” rọi sáng, hàm ý một sự tri ân vĩnh viễn đối với những người đã hy sinh vì cuộc sống hòa bình ngày hôm nay và mai sau. Giờ đây, đó có lẽ còn là lời kêu gọi không được quên những điều dẫn đến chiến tranh - chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa hận thù, phân biệt chủng tộc. 80 năm trước, sức mạnh liên minh của nhân loại tiến bộ đã dập tắt được tiếng súng. Sức mạnh ấy, sự hy sinh ấy cho các thế hệ cháu con chỉ một cơ hội - cơ hội sống xứng đáng với bầu trời xanh hòa bình được đổi bằng máu.

TÂM HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết