11/05/2025 - 16:10

Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Còn nhiều bất cập 

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn năm 2024 là khoảng 627,7 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng 99%, vượt so với kế hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng thu gom CTRSH vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập...

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ giám sát về việc chấp hành pháp luật BVMT tại khu xử lý CTRSH ở xã Đông Thắng.

Năm 2018, thành phố triển khai thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình trên địa bàn 4 quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Thới Lai. Theo đó, CTRSH được phân làm 3 loại: rác không đốt được, rác nguy hại và rác đốt được. Thế nhưng việc phân loại như trên không còn phù hợp với quy định hiện hành. Vì vậy, ngày 23-12-2024, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2987/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai phân loại CTRSH tại nguồn nhằm triển khai việc phân loại CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020. Theo đó, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành các nhóm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm; CTRSH khác, gồm chất thải cồng kềnh, chất thải nguy hại, chất thải còn lại. Tuy nhiên, việc triển khai phân loại rác trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều vướng mắc, một bộ phận người dân vẫn còn thói quen để chung các loại CTRSH mà chưa tiến hành phân loại...

Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển CTRSH do UBND các quận, huyện tổ chức đấu thầu dịch vụ công ích và ký hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trúng thầu (thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu 3 năm). Rác sau khi thu gom sẽ được tập trung tại các trạm trung chuyển cố định hoặc điểm tập kết rác tạm thời trên địa bàn các quận, huyện trước khi vận chuyển đến các khu vực, nhà máy xử lý CTRSH. Theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 đã được phê duyệt của các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, có xác định cụ thể vị trí, diện tích, công suất của 5 trạm trung chuyển. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1/5 trạm trung chuyển đang hoạt động; 1/5 trạm đang triển khai thực hiện dự án; 3/5 trạm chưa triển khai. Việc thiếu các trạm trung chuyển CTRSH dẫn đến rác thải sau khi được thu gom phải tập kết ở các điểm tập kết rác tạm thời, phát sinh rất nhiều bất cập, nhất là các điểm tập kết rác ở quận Ninh Kiều.

Về xử lý CTRSH, thành phố hiện có 2 hình thức xử lý là đốt rác thủ công và đốt rác phát điện. Đối với hình thức đốt rác thủ công, có khu xử lý CTRSH tại xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ), diện tích 6ha. Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cờ Đỏ, khu xử lý rác này do Công ty TNHH dịch vụ thương mại Minh Thông làm chủ đầu tư, hoạt động chính thức từ ngày 1-12-2015. Công ty hiện đang xử lý CTRSH phát sinh tại 5 quận, huyện là Thốt Nốt, Ô Môn, Phong Điền, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, với công suất trung bình khoảng 151,06 tấn/ngày.

Hình thức đốt rác phát điện có Nhà máy xử lý chất thải rắn (EB) Cần Thơ tại xã Trường Xuân (huyện Thới Lai) do Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ làm chủ đầu tư, diện tích 53.531m2. Nhà máy hoạt động từ ngày 26-11-2018, hiện đang xử lý CTRSH phát sinh được thu gom hằng ngày tại 4 quận, huyện là Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Thới Lai, với công suất trung bình khoảng 470,57 tấn/ngày...

Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã có buổi giám sát về việc chấp hành pháp luật BVMT trên địa bàn thành phố. Đoàn ghi nhận việc phân loại CTRSH và việc thực hiện một số quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn theo các kế hoạch, quyết định của thành phố chưa nghiêm, nên chưa mang lại hiệu quả, chuyển biến rõ rệt. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác BVMT nói chung và công tác quản lý CTRSH nói riêng còn chưa cao, nhất là ở cấp quận, huyện. Phương tiện thu gom, vận chuyển, việc vận hành và bảo đảm vệ sinh môi trường của các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải chưa đáp ứng tiêu chuẩn, quy định về BVMT và an toàn giao thông. Trong khi đó, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH hiện nay của thành phố không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh, dẫn đến có tình trạng đơn vị cung ứng dịch vụ phản ánh khó khăn khi doanh thu không bù đắp đủ chi phí hoạt động.

Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng, bố trí các trạm trung chuyển CTRSH tại các quận, huyện theo quy hoạch chậm được triển khai, gây nhiều khó khăn cho việc tập kết rác trước khi vận chuyển đến nơi xử lý. Việc xử lý, di dời các bãi tập kết rác tạm thời không đảm bảo yêu cầu về khoảng cách an toàn, vệ sinh môi trường, nhất là ở khu vực trung tâm nội ô quận Ninh Kiều còn chậm, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Thành phố chưa có biện pháp xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác còn tồn đọng trước đây. Đặc biệt là tình trạng quá tải, tồn đọng, ô nhiễm môi trường, rò rỉ nước thải từ rác xảy ra tại bãi rác Đông Thắng tiềm ẩn nguy cơ trở thành sự cố môi trường trên địa bàn. Trong khi đó, việc xây dựng bộ tiêu chí, lập hồ sơ chuẩn bị kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng thêm nhà máy xử lý CTRSH còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu cấp bách về xử lý rác thải của thành phố...

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết