Sở Y tế TP Cần Thơ vừa triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”. Tháng hành động diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12.
BS CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ triển khai Tháng hành động.
Vẫn còn rào cản
Theo ngành Y tế, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà có nghĩa là khi AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Hướng tới mục tiêu này, tại TP Cần Thơ, chấm dứt dịch AIDS cần đạt các chỉ tiêu: ca nhiễm HIV mới dưới 1/100.000 người dân, tỷ lệ tử vong dưới 1/100.000 dân và tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%. Năm 2023, thành phố có 252 ca nhiễm mới (nếu theo tỷ lệ 1/100.000 dân thì Cần Thơ là 120 ca/năm); tỷ lệ tử vong hiện là 21 người tử vong do AIDS/1.200.000 dân, tức 1,75/100.000 dân; tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con là 0% và đã vượt mục tiêu này.
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp lãnh đạo thành phố, cùng sự hỗ trợ từ Trung ương, ngành Y tế đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các hoạt động chương trình phòng, chống HIV/AIDS, mới nhất là hoạt động “Ðáp ứng Y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV”. Hiện nay, Cần Thơ cơ bản đạt được mục tiêu 90-90-90 (mục tiêu 90 thứ nhất đạt 94,2%, 90 thứ hai đạt 97,6%, 90 thứ ba đạt 98,9%). Số ca HIV phát hiện mới trong 2 năm nay đang tiếp tục giảm, số tử vong cũng giảm, giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, tăng tỷ lệ kết nối điều trị ARV và tăng số lượng khách hàng nguy cơ cao tiếp cận các can thiệp, nhất là điều trị PrEP, tư vấn xét nghiệm HIV và điều trị ARV. Cần Thơ liên tục nhiều năm liền giữ vững không có trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị nhiễm HIV.
Cần Thơ với vị thế là trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng ÐBSCL nên gánh nặng về dịch HIV/AIDS rất lớn. Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, tính đến 31-10-2024, lũy tích số người nhiễm HIV được phát hiện tại Cần Thơ là 7.732 người; trong đó, 2.782 người tử vong, số nhiễm HIV còn sống quản lý được là 4.950 người. Số lượng ca nhiễm HIV mới phát hiện được hằng năm tại Cần Thơ tăng đột biến từ năm 2015 trở lại đây, trung bình 300-500 trường hợp nhiễm HIV trong 1 năm, cao nhất là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và đặc biệt xuất hiện chùm ca nhiễm ở một số địa bàn trọng điểm, đồng thời có nhiều khoảng trống trong cung cấp dịch vụ...
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, dịch HIV có xu hướng gia tăng trong giới trẻ, nhóm MSM. Ðây là những quần thể ẩn nên rất khó tiếp cận, khó triển khai các can thiệp cần thiết. Hơn nữa, hành vi nguy cơ của nhóm này rất phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, quan hệ tình dục tập thể… Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp. Ngoài ra, nhiều người trong các nhóm nguy cơ cao thường có thu nhập thấp và không có khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nguồn tài chính chương trình phòng, chống HIV/AIDS còn hạn hẹp, phụ thuộc các dự án viện trợ (gần 50%). Quỹ Bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước chưa có căn cứ để chi trả cho dịch vụ can thiệp mới như PrEP. Chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS còn chậm trong bối cảnh lộ trình cắt giảm viện trợ nhanh và mạnh.
Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS
Việt Nam đã cam kết xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng. Chính phủ đã thông qua Chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS, ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006, sửa đổi năm 2020) và chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp can thiệp. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW năm 2021 để tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, thể hiện sự quyết tâm cao độ trong việc thực hiện cam kết chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.
Tháng hàng động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS” thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Ðồng thời thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
Thực hiện các hoạt động của Tháng hành động tại TP Cần Thơ, theo BS CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ, Ban Chỉ đạo 138 các cấp ban hành kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức các hội nghị triển khai. Mỗi quận, huyện tổ chức 1 xe tuyên truyền, cổ động hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12) nhằm quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV, PrEP, điều trị HIV/AIDS; Methadone, điều trị viêm gan C…; tăng cường truyền thông trực tiếp và gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông qua mạng xã hội; tổ chức các sự kiện truyền thông tại các trường học, khu công nghiệp... nhằm thu hút sự quan tâm của lực lượng thanh niên trẻ. Truyền thông, tư vấn tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; cơ sở khám chữa bệnh. Xây dựng các panô, treo băng rôn ở các địa điểm công cộng như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên, khu công nghiệp, cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện... Ðồng thời, tăng cường giám sát hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Bài, ảnh: H.HOA