16/11/2024 - 17:12

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Mỹ Latinh 

Ngày 14-11, Peru đã tổ chức lễ khánh thành một cảng nước sâu lớn do Trung Quốc tài trợ, trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách mở rộng thương mại và ảnh hưởng tại Nam Mỹ.

Tàu hàng đầu tiên từ cảng Chancay đến Trung Quốc dự kiến sẽ khởi hành vào tuần tới. Ảnh: CGTN

Thông qua hình thức trực tuyến, Tổng thống Peru Dina Boluarte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dự lễ khánh thành cảng Chancay, cách thủ đô Lima khoảng 80km về phía Bắc. Ông Tập Cận Bình ca ngợi cảng nước sâu gồm 15 cầu cảng này là khởi đầu thành công của “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và là một phần trong sáng kiến ​​“Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

Siêu cảng Chancay, do tập đoàn đóng tàu COSCO của Trung Quốc xây dựng, đã nhận được 1,3 tỉ USD vốn đầu tư của Bắc Kinh cho giai đoạn đầu tiên. COSCO có quyền khai thác cảng trong 30 năm. Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chi thêm hàng tỉ USD khi Bắc Kinh và Lima nỗ lực biến cảng này thành một trung tâm vận chuyển lớn giữa châu Á và Nam Mỹ. Trước đó, các ngân hàng của Trung Quốc đã chấp thuận cho Peru vay 3,5 tỉ USD để thực hiện dự án xây cảng Chancay, hướng ra Thái Bình Dương.

Trung Quốc đang tìm cách khai thác sâu hơn ở khu vực Mỹ Latinh vốn giàu tài nguyên, giữa lúc căng thẳng thương mại với châu Âu và lo ngại “chính quyền Donald Trump 2.0” ở Mỹ sẽ áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Bắc Kinh.

Theo giới phân tích, cảng Chancay sẽ nâng cao hiệu quả vận chuyển giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh. Do có thể tiếp nhận những tàu hàng lớn nhất, cảng sẽ giúp giảm nhu cầu tập kết container tại các điểm trung gian, qua đó hạ thấp chi phí và thời gian xử lý.

Nhờ sâu hơn cảng Callao ở Lima 2m, Chancay với độ sâu 17,8m sẽ có khả năng tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới. “Chúng tôi sẽ có các tuyến vận tải trực tiếp đến châu Á, đặc biệt là đến Trung Quốc và điều này giúp giảm 10-20 ngày vận chuyển. Thời gian vận chuyển hàng hóa từ khu vực đến châu Á hiện nay là 35-40 ngày”, Bộ trưởng Giao thông Peru Raul Perez phát biểu trước báo giới.

COSCO dự báo cảng Chancay sẽ xử lý tới 1 triệu container trong năm đầu tiên hoạt động, sau đó tăng lên 3,5 triệu container mỗi năm.

Dự án Chancay được kỳ vọng sẽ tạo ra 4,5 tỉ USD doanh thu hằng năm, hơn 8.000 việc làm trực tiếp và giảm 20% chi phí hậu cần của tuyến vận tải Peru - Trung Quốc. Hầu hết tàu hàng từ Peru đến châu Á và châu Ðại Dương hiện cần phải đi qua Trung Mỹ hoặc Bắc Mỹ.

Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Peru đã đạt gần 36 tỉ USD vào năm 2023, so với 21 tỉ USD giữa Mỹ và Peru.

Ðộng lực chính của Trung Quốc khi phát triển cảng Chancay là tiếp cận Brazil, quốc gia láng giềng của Peru. Brazil có kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt mới để đưa hàng xuất khẩu như đậu nành và quặng sắt đến siêu cảng này. Việc xây dựng tuyến đường này sẽ cải thiện đáng kể quá trình vận chuyển đậu nành vì Brazil là nước xuất khẩu đậu nành hàng đầu sang Trung Quốc.

Cảng Chancay hứa hẹn ​​sẽ trở thành cửa ngõ nhập khẩu hàng điện tử, dệt may, hàng tiêu dùng khác từ châu Á và xuất khẩu khoáng sản từ Peru cùng nước láng giềng Chile. Peru, Chile lần lượt là quốc gia xuất khẩu đồng và lithium lớn thứ hai thế giới.

Cảng Chancay cũng sẽ phục vụ Colombia, Ecuador và các quốc gia Nam Mỹ khác, cho phép tàu hàng của các nước này giao thương với châu Á mà không cần ghé qua các cảng ở Mexico và Mỹ. Ðiều này sẽ cho phép Trung Quốc định vị nước này ở khu vực được cho là “sân sau” của Mỹ.

Việc Trung Quốc đầu tư lớn vào cảng Chancay đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Mỹ. Tướng Laura Richardson, cựu lãnh đạo Bộ Tư lệnh Phương Nam Mỹ, hồi đầu tháng đã cảnh báo rằng Hải quân Trung Quốc có thể sử dụng Chancay để thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết