18/11/2024 - 16:28

Giải bài toán tín dụng cho nông sản chủ lực ĐBSCL 

(CTO) - Thúc đẩy tín dụng nông sản chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và cả nước nói chung cần phải có cơ chế phát triển tài chính vi mô để tạo thêm nguồn vốn ngoài vốn tín dụng từ ngân hàng. Bên canh đó, phải có bảo hiểm rủi ro cho nông nghiệp; sớm hình thành thị trường phái sinh hàng hóa để giảm các rủi ro trong phát triển.  

Sáng 18-11, tại TP Cần Thơ, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững”. Dự hội thảo có ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cùng lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương trong vùng ĐBSCL, các chuyên gia kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp,…

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: ANH KHOA
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: ANH KHOA

 

Tín dụng cho nông nghiệp chưa đạt như kỳ vọng

Ngành nông nghiệp hiện đóng góp 12% vào GDP.  Theo thống kê của NHNN, bình quân giai đoạn 2016-2023, dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 16,27%, cao hơn mức tăng 14,9% của tín dụng chung toàn nền kinh tế. Tính đến hết tháng 9-2024, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn cả nước đạt 3,3 triệu tỉ đồng, chiếm 24% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, khu vực ĐBSCL khoảng 643.000 tỉ đồng.

Tại hội thảo, các báo cáo tham luận của các chuyên gia kinh tế nhận định rằng tín dụng cho phát triển nông nghiệp nông thôn hiện chủ yếu dựa vào vốn tín dụng từ ngân hàng, thiếu vắng các định chế tài chính vi mô (Quỹ tín dụng Nhân dân, các Công ty cho thuê tài chính…), chính sách bảo hiểm nông nghiệp đã có nhưng triển khai trong thực tế còn chậm… Trong khi đầu tư vào nông nghiệp nhiều rủi ro, các tổ chức tín dụng vẫn phải huy động từ nguồn vốn thương mại lãi suất cao, nên cho vay với lãi suất còn cao, trong khi khách hàng muốn vay lãi suất thấp.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, cho biết: Công bố của NHNN mới đây cho biết, kết quả triển khai một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được như kỳ vọng. Đơn cử: cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp nông thôn; dư nợ của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị chưa có nhiều chuyển biến. Tài sản bảo đảm khoản vay là đất nông nghiệp có giá trị thấp, công trình xây dựng trên đất chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, khó định giá - vẫn là vướng mắc lớn.

Hội thảo hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận và phân tích kỹ lưỡng những khó khăn trong thực tiễn, từ đó đưa ra các giải pháp mang tính đột phá. Các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, các gói tín dụng ưu đãi, và đặc biệt là các hình thức bảo lãnh tín dụng từ Nhà nước có thể giúp giảm bớt rủi ro và khuyến khích các ngân hàng mở rộng tín dụng cho khu vực ĐBSCL.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng tín dụng là dựa trên niềm tin, với lĩnh vực nông nghiệp, rủi ro tín dụng rất cao. Nhưng chúng ta đang thiếu các định chế để phát triển bảo hiểm rủi ro cho nông nghiệp. Phần lớn các khoản vay nông nghiệp hiện nay đều dựa trên tài sản thế chấp để vay vốn, với ngân hàng thương mại thì rủi ro càng cao thì lãi suất phải cao, trong khi sản xuất nông nghiệp cần lãi suất thấp để đầu tư. Nghĩa là tự ta đã mâu thuẫn. Như vậy cần phải mổ xẻ để giải quyết bài toán này, trong điều kiện rủi ro cao, tác động của thiên tai, thời tiết… thì làm sao nguồn tín dụng ngân hàng chảy được vào nông sản chủ lực phải có các giải pháp đồng bộ đi kèm.

Trên thực tế tại ĐBSCL, dư nợ cho nông nghiệp công nghệ cao, mô hình nông nghiệp liên kết chưa có nhiều chuyển biến, các điều kiện vay vốn, tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo của người dân, doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng, đất nông nghiệp giá trị thấp,… nên việc tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp rất khó khăn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, theo cơ chế đặc thù được Quốc hội phê duyệt, thành phố đang tiến hành các bước xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, với quy mô ban đầu khoảng 250ha cho giai đoạn đầu (2021 - 2025). Dự án này kỳ vọng tạo cầu nối giữa các tỉnh trong vùng với thị trường quốc tế, giúp gia tăng giá trị nông sản thông qua chế biến và kho vận hiện đại. Đối với định hướng quy hoạch, không gian phát triển của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ có sự thu hẹp do sự phát triển đô thị, giao thông, công nghiệp. Tuy nhiên, trong quy hoạch định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: A.K

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: A.K

Theo ông Trần Việt Trường, dù Cần Thơ và ĐBSCL còn nhiều dư địa phát triển nông nghiệp, nhưng việc tiếp cận nguồn tín dụng đang gặp nhiều khó khăn. Các rủi ro do biến đổi khí hậu; quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết chặt chẽ; sự thiếu minh bạch và quản lý tài chính của nhiều nông hộ và hợp tác xã,… khiến các ngân hàng khó kiểm soát, khó đánh giá chính xác về rủi ro tín dụng, đánh giá khả năng trả nợ, dẫn đến e ngại khi cung cấp vốn. Bên cạnh đó, các khoản vay nông nghiệp thường có lãi suất cao hơn so với mức mà nông dân có thể chi trả, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì và phát triển sản xuất. Ngoài việc chưa có nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp theo chu kỳ sản xuất đặc thù của ngành nông sản, thì việc thiếu cơ chế bảo hiểm nông nghiệp khi có các rủi ro thiên tai cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của nông dân, khiến các ngân hàng thêm thận trọng trong cho vay.

Gỡ khó bằng cơ chế, chính sách

Trong các nông sản chủ lực của ĐBSCL, lúa gạo đang có sự chuyển động rất lớn, cả về chính sách của Nhà nước và nông dân, doanh nghiệp cũng rất nỗ lực để thay đổi, nhưng vốn dài hạn đang là bài toán nan giải.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, băn khoăn: Trong chuỗi lúa, khi không vay được vốn dài hạn mà các doanh nghiệp vẫn hoạt động được, đấy là các doanh nghiệp phải “giật gấu vá vai” lấy vốn ngắn hạn chuyển qua đầu tư dài hạn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các doanh nghiệp trong ngành gạo không tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ. Với tình hình biến đổi khí hậu cực đoan đang diễn ra phức tạp, dẫn đến gạo sẽ khan hiếm ngày càng trầm trọng trên toàn cầu. Ngành hàng lúa gạo Việt Nam có yếu tố thiên nhiên ưu đãi hơn các quốc gia khác. Đầu tư vào ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững là để luôn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cũng chính là góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu cứ để ngành hàng lúa gạo Việt Nam sản xuất, kinh doanh như hiện tại thì mỗi năm Việt Nam tự đánh mất khoảng 5 tỉ đô la Mỹ.

“Rất mong Quốc hội, Chính phủ và các ngân hàng… xem xét, đừng để ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL tiếp tục mất cơ hội chỉ vì không vay được vốn để đầu tư phát triển trong khi ngân hàng thì thừa tiền” - ông Bình nói.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Ảnh: A.K

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Ảnh: A.K

Tại phiên thảo luận, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, cho biết: “Nhiều đại biểu đặt vấn đề, doanh nghiệp nói khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi ngân hàng nói thừa tiền. Vậy nguyên nhân do đâu 2 bên chưa gặp nhau. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm trên 15%. Năm 2023, dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đạt 13,5 triệu tỉ đồng; năm 2024, tín dụng tăng 15% thì sẽ có hơn 1,5 triệu tỉ đồng được đưa vào nền kinh tế. Quy mô dư nợ tín dụng trên GDP hiện khoảng 130%, cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới”.  

Tại hội thảo, rất nhiều vấn đề về cung - cầu tín dụng nông nghiệp được thảo luận. Ảnh: A.K

Tại hội thảo, rất nhiều vấn đề về cung - cầu tín dụng nông nghiệp được thảo luận. Ảnh: A.K

Theo ông Đào Minh Tú, với nông nghiệp, cụ thể là hợp tác xã và nông dân, hiện đã có rất nhiều chính sách của Trung ương và ngân hàng cho 2 nhóm đối tượng này tiếp cận các nguồn vốn. Vấn đề đặt ra với hợp tác xã là có phát triển bền vững không, hiệu quả không, lành mạnh không? Phải phát triển bền vững, đó mới là điều kiện để hợp tác xã tiếp cận vốn ngân hàng, bởi rủi ro với nông nghiệp rất lớn. Kế đến là hợp tác xã và nông dân phải có phương án sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị của doanh nghiệp, khả năng trả nợ… Ngân hàng cần quản lý được dòng tiền của mình nên cũng phải có các điều kiện cho vay để đảm bảo thu hồi được vốn đã cho vay.

Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện vốn cho sản xuất nông nghiệp nông thôn chủ yếu đến từ ngân hàng. Do vậy, phải cấu trúc lại các nguồn vốn mới phát triển nông nghiệp, nông thôn của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó cần đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng từ các định chế tài chính khác nhau, chứ không nhất thiết tập trung vào vốn ngân hàng. Đồng thời, các chuyên gia kinh tế cũng đề xuất các giải pháp tín dụng bao trùm, đầu tư theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản chủ lực. Hiện nay, tín dụng cho nông nghiệp chủ yếu là tín dụng ngắn hạn, trong khi doanh nghiệp và người dần cần nguồn vốn dài hạn để phát triển hoàn chỉnh chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Song song đó, để phát triển tín dụng cho nông nghiệp nông thôn cần có các cơ chế ưu đãi, đặc biệt là hình thức bảo lãnh tín dụng từ phía Nhà nước để khuyến khích các ngân hàng mở rộng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng các gói vay ưu tiên cho các dự án phát triển nông sản bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, chất lượng.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng: Quốc hội và Chính phủ cần phải trợ cấp cho nông nghiệp, có thể lồng ghép vào các chương trình ứng phó với biển đổi khí hậu, nông nghiệp xanh, chuyển đổi số… Cùng với 3 giải pháp đột phá. Thứ nhất là chuỗi nông nghiệp phải đa dạng hóa các nguồn vốn, ngoài các tín dụng ngân hàng thì cần các nguồn vốn khác đến từ các định chế tài chính vi mô khác. Thứ hai là vai trò của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc tạo cơ chế chính sách hướng tín dụng, điều tiết các kênh phân phối (hệ thống ngân hàng thương mại, hệ thống tài chính vi mô, hệ thống công nghệ số…) cung cấp cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Thứ ba là có quy định về cho vay tín chấp, cho vay chuỗi cung ứng, tài trợ hàng tồn kho… nhưng điều kiện là doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải minh bạch hơn về dòng tiền.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phát biểu tại hội thảo. Ảnh: A.K

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phát biểu tại hội thảo. Ảnh: A.K

Có thể nói, việc tháo gỡ những khó khăn nhằm thúc đẩy tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu, góp phần đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết