18/11/2024 - 10:08

Giải bài toán vốn, đưa gạo Việt vươn xa 

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án) có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Từ đó tạo ra những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành hàng lúa gạo, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới, khẳng định và giữ vững vị thế của thương hiệu gạo của nước ta trên thị trường quốc tế. Với vai trò then chốt đảm bảo khâu đầu ra của chuỗi giá trị ngành hàng, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đang rất cần vốn tín dụng để tham gia Đề án quan trọng này.

Cần vốn đầu tư chuyên sâu

Trong quá trình chinh phục thị trường thế giới, các DN chế biến, xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các đơn hàng khó tính. Theo ông Nguyễn Khắc Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, trước đây, Công ty chuyên cung ứng gạo xuất khẩu và đến năm 2022 có giấy phép xuất khẩu gạo. Trong 10 tháng năm 2024, Công ty đã xuất khẩu 150.000 tấn gạo sang các thị trường như Philippines, Trung Đông… Năng lực sản xuất của nhà máy từ 450.000-500.000 tấn lúa/năm tương đương với khoảng 250.000 tấn gạo. Đang xây dựng kho với sức chứa 50.000 tấn. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, DN chủ động liên kết nông dân, từ gieo trồng đến canh tác, định hướng sản xuất các giống lúa chất lượng cao như ST 25, Nàng Hoa phục vụ thị trường khó tính. Theo ông Nguyễn Khắc Duy, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất mang tính chất mùa vụ, khả năng tài chính còn hạn chế, nhất là khi vào mùa vụ thu hoạch rộ cần có nguồn vốn lớn để thu mua kịp thời đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, khi DN tham gia xuất khẩu cho đơn hàng cao cấp dòng tiền về chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ xoay vòng vốn. DN có kinh nghiệm làm lúa chất lượng cao nên biết thời điểm nào trữ lúa, trữ gạo sẽ hiệu quả. Điều DN mong muốn là được tiếp cận vốn vay nhưng không cần tài sản thế chấp mà qua việc DN đồng hành, chia sẻ và đầu tư cho nông dân cho các cánh đồng liên kết hợp tác.

Ông Đào Minh Tú (thứ 2 từ phải sang), Phó Thống đốc Thường trực NHNN, tham quan khu vực trưng bày các sản phẩm gạo thơm xuất khẩu của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Các DN xuất khẩu gạo đang đặt nhiều niềm tin về khả năng chinh phục thị trường thế giới của gạo Việt Nam. Bà Tạ Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phương Thanh, tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: "Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn và có uy tín trên thị trường thế giới, trong bối cảnh Ấn Độ cho xuất khẩu gạo trở lại chúng ta vẫn không quá lo về việc thiếu đầu ra, Tôi tự tin rằng với đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao đang triển khai giúp chúng ta có thêm thế mạnh về chất lượng hạt gạo, đa dạng chủng loại đáp ứng cho nhiều phân khúc thị trường khác nhau trên thế giới đảm bảo giá cả cạnh tranh". Theo bà Thủy, để góp phần tham gia vào đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng đó chính là người nông dân, hiện người nông dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay hoặc tiếp cận được với hạn mức thấp dẫn đến việc phải vay với lãi suất cao để trồng lúa, từ đó làm giảm đi lợi nhuận của nông dân. Về phía DN sản xuất, kinh doanh lúa gạo đang rất cần nguồn tài chính kịp thời để thu mua lúa gạo tạm trữ cho nông dân, vay vốn là yếu tố rất quan trọng trong thời điểm thu mua lúa gạo dồn dập theo mùa vụ thu hoạch, tránh để xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Hiện nay DN sử dụng dòng tiền được vay ngắn hạn bằng tài sản đảm bảo, nên rất khó khăn trong việc sử dụng vốn, vừa phải xoay nhanh vòng vốn đưa vào sản xuất kinh doanh, vừa phải đảm bảo an toàn nguồn đáo hạn trong bối cảnh thị trường có nhiều rủi ro như hiện nay. Vì vậy, DN kiến nghị cần sớm có chính sách hỗ trợ hướng dẫn để sớm tiếp cận được nguồn vốn vay trung và dài hạn nhằm tham gia thực hiện đề án.

Đa dạng kỳ hạn vay

Nguồn vốn tín dụng của ngân hàng sẽ giúp DN đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế, góp phần vào thành công của Đề án. Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ là DN có thâm niên hơn 30 năm tham gia chế biến và xuất khẩu lúa gạo. Công ty tập trung xuất khẩu vào các thị trường chính như châu Âu, châu Á, Trung Đông... Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Công ty đang tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Công ty tham gia chuỗi liên kết với diện tích khoảng 15.000ha tại TP Cần Thơ và 50.000ha tại tỉnh Kiên Giang. Công ty đề xuất NHNN quan tâm chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư nhà máy, dây chuyền sấy lúa và hệ thống kho chứa hiện đại. Đồng thời, cung cấp nguồn vốn tín dụng ngắn hạn nhanh chóng, kịp thời để thu mua lúa cho nông dân khi vào vụ thu hoạch. Về phía các địa phương tham gia Đề án 1 triệu héc-ta cần đẩy nhanh phê duyệt dự án, phương án sản xuất để làm căn cứ cho ngân hàng xét duyệt cho vay.

Là ngân hàng tiên phong đồng hành cùng Đề án, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án,  Agribank đã chủ động ký kết, thỏa thuận hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm đầu mối triển khai chương trình tín dụng phục vụ đề án. Tham gia cùng đoàn khảo sát của NHNN, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank, chia sẻ: Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NHNN ban hành các văn bản hướng dẫn, Agribank đã ban hành văn bản hướng dẫn tất cả các chi nhánh, đặc biệt là các chi nhánh khu vực Tây Nam Bộ triển khai cho vay theo Đề án. Hiện nay, ngoài những mô hình thí điểm, Agribank vẫn đang triển khai các chương trình cho vay lúa gạo nói riêng, cũng như tất cả các chương trình khác. Khi tham gia Đề án, Agribank đưa ra chính sách hỗ trợ giảm lãi suất tối thiểu là 1% cho các đối tượng tham gia vào chương trình này. Hiện nay, Agribank là tổ chức tín dụng dẫn đầu về cho vay đối với hộ nông dân. Qua tham quan mô hình hợp tác xã, hộ nông dân là đầu mối quan trọng nhất. Agribank đã cho vay nông hộ và đang muốn hướng đến cho vay theo chuỗi khép kín trong chương trình này. Khi đó từ hộ nông dân, các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, các DN đầu mối thu mua, chế biến, xuất khẩu đều thuận lợi tiếp cận vốn. Các điều kiện vay vốn như chính sách về bảo đảm tiền vay, phí dịch vụ, chuyển tiền… sẽ được ưu đãi hơn nữa.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, các DN xuất khẩu lúa gạo không thể cạnh tranh mua bán để tự làm đánh mất thị phần của mình, các tác nhân trong chuỗi ngành hàng cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi và cần có sự tham gia điều phối hỗ trợ của Nhà nước. Để Đề án triển khai hiệu quả, cần tăng cường hợp tác sâu rộng giữa ngân hàng và DN. DN tiếp cận vốn vay tập trung vào đầu tư nâng cao năng lực chế biến, xuất khẩu, hạn chế tình trạng lấy ngắn nuôi dài. Bên cạnh việc tiếp cận vốn đầu tư từ ngân hàng, DN cần đa dạng nguồn vốn thông qua gọi vốn, tham gia góp vốn cổ phần... Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo NHNN để cùng vào cuộc giải quyết.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết