Năng động tập hợp nhà nông vào hợp tác xã (HTX) sản xuất hàng hóa tập trung, nhiều HTX nông nghiệp ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn tranh thủ tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất… Từ đó, không chỉ giúp các HTX nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường, mà còn gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh, từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
HTX Nông nghiệp Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre giới thiệu các mặt hàng chế biến từ sầu riêng do HTX sản xuất tại một hội nghị được tổ chức tại TP Cần Thơ.
Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX với nhiều hình thức, lồng ghép với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp, nhất là HTX sản xuất nông sản có lợi thế cạnh tranh và có giá trị kinh tế cao, giúp tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên HTX. Đồng thời, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ về vốn để đầu tư trang thiết bị máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân…
Điển hình như HTX Nông nghiệp Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã tập hợp hơn 300 nhà vườn trồng cây ăn trái nhỏ lẻ vào HTX trồng sầu riêng theo hướng tập trung; đồng thời, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngành Nông nghiệp tỉnh và Trung ương, HTX tích cực canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện HTX có hơn 200ha diện tích trồng sầu riêng được chứng nhận VietGAP và được cấp 6 mã số vùng trồng, đảm bảo đủ điều kiện và tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu theo yêu cầu của các doanh nghiệp đối tác, giúp mang lại thu nhập cao cho thành viên vào HTX. Theo bà Nguyễn Thị Thinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú, ước tính, với 1ha đất trồng sầu riêng, nhà vườn thu hoạch đạt từ 10 tấn/ha và bán với giá từ 80.000-120.000 đồng/kg trong mùa nghịch, sau khi trừ phí đầu tư, nhà vườn sẽ lãi trên 500 triệu đồng/vụ.
Theo bà Thinh, cùng với sự trợ lực của ngành chức năng tỉnh Bến Tre, HTX Nông nghiệp Tân Phú còn được Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ vốn 1 tỉ đồng. Từ số vốn này, HTX có điều kiện mở thêm dịch vụ cung cấp vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên HTX. Nhờ đó, HTX có nhiều lợi thế để hỗ trợ nhà vườn làm tốt quy trình trồng sầu riêng theo hướng VietGAP. Đặc biệt là giúp thành viên nâng cao kỹ thuật canh tác, xử lý cây sầu riêng ra trái nghịch vụ (từ giữa tháng 10 âm lịch đến tháng 5 âm lịch) để bán được giá cao. Theo bà Thinh, ngoài tổ chức cho bà con trồng sầu riêng VietGAP theo nhu cầu của doanh nghiệp thu mua, HTX còn mở hướng phát triển, hỗ trợ thành viên chế biến các món bánh sầu riêng, chả giò sầu riêng cùng các loại sầu riêng cấp đông chuyên dùng để chế biến món cà ri sầu riêng… Hiện các sản phẩm sầu riêng chế biến được HTX Nông nghiệp Tân Phú mang đi quảng bá tại các hội chợ, hội nghị trong và ngoài tỉnh. Theo bà Thinh, hiện HTX có năng lực sản xuất từ 500-1.000 viên chả giò sầu riêng/tháng, các mặt hàng khác còn lại chủ yếu là làm theo đơn đặt hàng của khách hàng, với sản lượng trên dưới 2.000 sản phẩm/tháng… Với sự năng động mở hướng làm dịch vụ và phát triển các sản phẩm chế biến, HTX Nông nghiệp Tân Phú đã nâng cao được giá trị trái sầu riêng cũng như thu nhập cho nhà vườn
vào HTX.
Mong muốn nâng cao thu nhập và lợi nhuận cho nhà nông trồng lúa, HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi, huyện Vĩnh Thạnh đã dìu dắt 12 thành viên và 100 nông dân vào HTX trồng lúa Đài Thơm 8 và OM 18 theo hướng VietGAP và theo tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP)… đáp ứng yêu cầu của các đối tác, doanh nghiệp bao tiêu trong và ngoài thành phố. Theo ông Tiêu Ngọc Lợi, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi, với định hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, HTX là 1 trong 10 HTX nông nghiệp điển hình trên địa bàn TP Cần Thơ được chọn tham gia "Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh" (GIC). Nhờ đó, HTX đã được hỗ trợ một chiếc máy đảo phân chuyên làm phân hữu cơ từ phụ phẩm rơm rạ; đồng thời các thành viên trong HTX còn được ngành chức năng thành phố hỗ trợ, tập huấn kiến thức làm phân hữu cơ để phục vụ cho nhu cầu trồng lúa sạch. Theo đó, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nhiều hộ thành viên trong HTX đã sử dụng nguồn rơm rạ để trồng và bán nấm thương phẩm, với giá vài chục ngàn đồng/kg, để kiếm thêm thu nhập. Không chỉ dừng lại đó, HTX còn khuyến khích thành viên trồng nấm tận dụng nguồn phụ phẩm từ việc trồng nấm rơm để làm phân hữu cơ, để phục vụ việc trồng lúa hữu cơ của HTX và có thể bán phân hữu cơ dư cho các hộ trồng rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng tại địa phương. Theo anh Lợi, từ năm 2023 đến nay, HTX đã sản xuất và đưa vào sử dụng hơn 300 tấn phân hữu cơ, qua đó không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho nhà nông, mà còn giúp HTX sản xuất theo xu hướng kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường trong canh tác nông nghiệp.
Với sự trợ lực từ các ngành chức năng địa phương, nhiều HTX nông nghiệp ở vùng ĐBSCL đã có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản; đồng thời, mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đa dạng hóa nhu cầu thị trường, giúp gia tăng thu nhập cho thành viên vào HTX. Song để các HTX nông nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh mới, đòi hỏi các ngành, các cấp đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp của Trung ương và của địa phương, nhất là các chính sách hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư ứng dụng công nghệ cao, gắn với yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX; hỗ trợ các HTX nông nghiệp mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết với doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác… Từ đó, tiếp thêm nguồn lực cho HTX nông nghiệp phát triển ngày càng hiệu quả và bền vững trong xu thế mới.
Bài, ảnh: MỸ HOA