Từ ngày 1 đến 5-11-2024 tại Trung tâm xúc tiến Ðầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA), số 108A đường Lê Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, sẽ diễn ra Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2024. Đây là hội chợ tổ chức thường niên do CPA thực hiện dưới sự chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ. Hội chợ này là dịp để các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân quảng bá sản phẩm và các thành tựu mới trong lĩnh vực nông nghiệp và là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu cơ hội liên kết, hợp tác phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông tin tổng quan về hội chợ, bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc CPA, cho biết:
- Các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước tham gia Hội chợ này với tổng số đăng ký gần 400 gian hàng có quy mô lớn về lĩnh vực máy móc, thiết bị nông nghiệp công nghệ cao, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm phục vụ ngành Nông nghiệp; khu giới thiệu những thành tựu của ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP của Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh; khu gian hàng thương mại, ẩm thực và sân khấu ca nhạc hằng đêm... Với nhiều tỉnh thành tham dự như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, An Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế, liên doanh Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc...
* Đến thời điểm này công tác chuẩn bị hội chợ thực hiện ra sao, thưa bà?
- Theo Kế hoạch số 132/KH-UBND về tổ chức Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2024, mục đích, yêu cầu của hội chợ nhằm xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước con người và tiềm năng phát triển của TP Cần Thơ, đến các tỉnh ĐBSCL, Hiệp hội doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường kết nối giao thương, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam.
Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại lớn trong năm của thành phố, do vậy, công tác chuẩn bị được thực hiện kỹ lưỡng. UBND TP Cần Thơ gửi thư mời đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự hội chợ; đồng thời nhờ các địa phương thông tin, giới thiệu cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và làng nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố đăng ký tham dự. Đến thời điểm này công tác chuẩn bị đã hoàn tất và tin rằng hội chợ sẽ diễn ra đúng như kỳ vọng.
Trong thời gian diễn ra hội chợ, CPA phối hợp với các sở ngành có liên quan của thành phố đảm bảo cảnh quan, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy... sẵn sàng chờ ngày khai mạc.
Một góc không gian Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2023. Ảnh: N.H
* Điểm nhấn của hội chợ năm nay là gì, thưa bà?
- Với quy mô gần 400 gian hàng, thuộc các ngành hàng: máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất về nông nghiệp; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc; giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học; sản phẩm nông thủy hải sản, thực phẩm chế biến... Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2024 là cơ hội để các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp giao lưu hợp tác, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương, tăng cường kết nối giao thương, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản, giống cây trồng vật nuôi, vật tư nông nghiệp, các loại máy móc, thiết bị và thành tựu mới trong nông nghiệp, hội chợ còn có các hoạt động hội thảo, tọa đàm, hội nghị kết nối giao thương… Trong khuôn khổ hội chợ diễn ra hội thảo giới thiệu về các sản phẩm vi sinh vật của Ecobiznet trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam; hội nghị Công bố quy hoạch ngành Nông nghiệp tích hợp vào quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành Nông nghiệp Cần Thơ 2024 - TechAgri Can Tho 2024…
* Để hội chợ thực sự là cầu nối hữu hiệu về xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư trong ngành Nông nghiệp, Ban tổ chức đặt ra những kế hoạch tiếp theo ra sao, thưa bà?
- Hội chợ nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối giao thương, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tôn vinh giá trị các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và giới thiệu những tiến bộ khoa học, thành tựu mới trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần hỗ trợ nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm và tạo cơ hội tìm kiếm khách hàng mới tiềm năng, giao lưu, xúc tiến hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, trong buổi lễ khai mạc Hội chợ sẽ diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác xúc tiến thương mại, đầu tư giữa 3 địa phương là TP Cần Thơ, tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp, trên tinh thần triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành vùng ĐBSCL. Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường hiệu lực liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại và đầu tư. Biên bản ghi nhớ này sẽ là căn cứ để 3 Trung tâm làm công tác xúc tiến thương mại và đầu tư của Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp thống nhất tiến hành các hoạt động hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau phát huy thế mạnh, tiềm năng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 3 địa phương. Nội dung hợp tác tập trung vào sự đồng hành, chủ trì, phối hợp tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong chương trình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp của mỗi địa phương quảng bá và mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh bằng cách kết hợp các nguồn lực, thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn lực của Trung ương để tạo nên dấu ấn chung của 3 địa phương khi tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư tại các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Từ đó kêu gọi sự liên kết với các tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL để tạo nên liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất khẩu nhằm tối ưu nguồn lực các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.
* Xin cảm ơn bà!
NAM HƯƠNG (Thực hiện)