27/10/2024 - 07:09

Năm 2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể vượt mục tiêu 

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, chủ yếu dựa vào động lực công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Với những thuận lợi từ sự phục phồi kinh tế từ đầu năm đến nay, nhiều nhận định cho rằng, năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ. Ảnh: M.HUYỀN

Những điểm sáng

Trình bày báo cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, ưu tiên tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…), gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ đã tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Lập các Ban chỉ đạo, tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc phát sinh… Tạo động lực, truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,… Ðẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cho phát triển. 

Theo đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200.000 tỉ đồng đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Tính đến ngày 15-10-2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 610,5 tỉ USD; xuất siêu 21,24 tỉ USD. Ðầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng tốt; công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng; dịch vụ duy trì đà phục hồi tốt; thương mại điện tử, du lịch phát triển mạnh… Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

Trên cơ sở đạt được, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư kiến nghị Chính phủ chọn kịch bản phấn đấu tăng trưởng quý IV khoảng 7,6-8% để tăng trưởng cả năm có thể đạt và vượt 7%. Với những kết quả tích cực trong gần 10 tháng qua, nhiều nhận định cho rằng, thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài… Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những biến động phức tạp, rủi ro khó lường từ bên ngoài, nên cần các giải pháp chính sách hiệu quả, kịp thời hơn.

Linh hoạt ứng phó với thách thức

Dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 do các tổ chức quốc tế công bố gần đây đều nhận định, tăng trưởng năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,9 đến 1,1 điểm phần trăm. Triển vọng kinh tế của Việt Nam được nhìn nhận tích cực, với cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng HSBC, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô Asean+ (AMRO) đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023, với mức từ 6% đến 6,5%. Ðồng thời nhận định triển vọng tăng trưởng cao hơn năm ngoái trong điều kiện xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu trong nước tăng khi tâm lý nhà đầu tư, người tiêu dùng được cải thiện. Ðồng thời, lạm phát được kiểm soát và dao động ở mức 4-4,5%; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt tạo nguồn tài chính hỗ trợ tăng trưởng.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương tháng 10-2024 - báo cáo về triển vọng kinh tế bán thường niên của WB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam so với dự báo trước đó, năm 2024 dự báo tăng 6,1% và năm 2025 tăng 6,5%. Trong khi tháng 4-2024, WB dự báo chỉ tăng 5,5% trong năm 2024. Báo cáo của WB cũng xem xét 3 thách thức lớn mà khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương đang đối mặt là: chuyển dịch thương mại và đầu tư, tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và sự bất ổn chính sách toàn cầu ngày càng gia tăng. Thách thức thứ nhất là căng thẳng thương mại gần đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tạo các cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam tăng cường vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách “kết nối” các đối tác thương mại lớn.

Theo ghi nhận trong báo cáo cập nhật của WB, các công ty của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chứng kiến doanh thu tăng gần 25%, nhanh hơn so với các thị trường khác trong giai đoạn 2018-2021. Song, bằng chứng mới cho thấy rằng các nền kinh tế có thể ngày càng bị hạn chế trong việc đóng vai trò “kết nối một chiều” khi các quy tắc xuất xứ và hạn chế xuất nhập khẩu mới, nghiêm ngặt được áp dụng. Việt Nam dựa vào xuất khẩu làm động lực tăng trưởng kinh tế nhưng sức chống chịu trước các rủi ro còn hạn chế, vì vậy các khuyến cáo cho rằng Việt Nam cần triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế đã ban hành; đồng thời dành thêm nguồn lực để hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng nhằm thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao. Khai thác tối đa các cơ hội từ các FTA thế hệ mới để tăng tốc xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu… Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ðồng thời đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết