14/11/2024 - 19:56

Còn nhiều dư địa cho phát triển nông nghiệp 

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ đã và đang tiếp tục có xu hướng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Dù vậy, Cần Thơ vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng và dư địa cho phát triển sản xuất nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong định hướng Quy hoạch ngành Nông nghiệp tích hợp vào Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Cần Thơ cũng đã xác định được nhiều không gian dành cho phát triển sản xuất nông sản hàng hóa lớn, xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Xác định phương hướng phát triển

Căn cứ theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 2-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Cần Thơ đã xây dựng Quy hoạch ngành Nông nghiệp  tích hợp vào Quy hoạch TP Cần Thơ. Quy hoạch đã xác định và đề ra cụ thể các phương hướng phát triển nông nghiệp, thủy sản và phương án phát triển khu vực nông thôn. Theo đó, đề ra định hướng phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng trên cơ sở tích hợp đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành; phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông - thủy sản chuyên canh đạt chuẩn, đáp ứng theo từng nhóm thị trường. Phát huy chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Phát triển nông nghiệp đô thị góp phần xây dựng môi trường sinh thái, cảnh quan, cung cấp thực phẩm xanh, đô thị bền vững. Phát huy tối đa lợi thế Chương trình OCOP…

Sầu riêng trồng tại xã Trường Thành, huyện Thới Lai.

Quy hoạch cũng xác định phương án phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với định hướng bố trí không gian phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, thủy lợi để nâng cao hiệu quả phát triển tổng hợp, tăng cường liên kết giữa sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL với diện tích khoảng 250ha tại quận Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ. Cần Thơ cũng đề ra phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề ra danh mục dự án hạ tầng nông nghiệp ưu tiên đầu tư trên địa bàn TP Cần Thơ thời kỳ 2022-2030, trong đó có nhiều khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu chăn nuôi tập trung…

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, về phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Cần Thơ hướng đến hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao khoảng 50.000ha tại các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh. Phần diện tích đất còn lại ở các quận, huyện của thành phố được sử dụng linh hoạt cho các mục đích khác. Trong đó, mở rộng diện tích vùng cây ăn trái tập trung, gắn với tiêu chuẩn chất lượng theo chuỗi liên kết, gắn với chế biến, bảo quản, xuất khẩu và du lịch nông nghiệp. Phát triển một số loại rau màu luân canh trên nền đất lúa và hình thành một số vùng rau, nấm ven đô thị, phát triển một số làng hoa khu vực ven đô. Phát triển ngành thủy sản nước ngọt trên cơ sở khai thác lợi thế khu vực sông Hậu, đồng thời phát triển các mô hình nuôi luân canh, xen canh trên ruộng lúa, ao mương vườn. Thúc đẩy chăn nuôi theo hướng tập trung gắn với phát triển nông nghiệp tuần hoàn…

Huy động sức mạnh tổng hợp

Nhằm công bố rộng rãi cho người dân và các bên có liên quan nắm các định hướng, nhiệm vụ và các ưu tiên trong phát triển nông nghiệp và nông thôn của TP Cần Thơ, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ vừa phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch ngành Nông nghiệp tích hợp vào Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ các định hướng, nhiệm vụ và các ưu tiên phát triển nông nghiệp theo Quy hoạch, qua đó giúp các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt. Đại diện nhiều sở, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cũng đã trình bày các bài tham luận và báo cáo, đề xuất các ý tưởng, giải pháp nhằm tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp của thành phố.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu khẳng định, nếu thực hiện tốt được các phương hướng, nhiệm vụ theo quy hoạch, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ còn nhiều dư địa trong nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cao cho các loại nông sản. Qua đó, gia tăng được thu nhập, lợi nhuận cho nông dân, doanh nghiệp cùng các bên có liên quan và giúp phát triển bền vững. Do vậy, các bên có liên quan cần tích cực vào cuộc để triển khai thực hiện quy hoạch. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quy hoạch. Kịp thời có các giải pháp tăng thu hút đầu tư, huy động tốt các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo các định hướng đã đề ra… Theo PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cần đánh giá đúng và đủ tiềm năng đất đai hiện tại và các biến động, rủi ro trong tương lai ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch. Từ đó, xác định được giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời phát huy lợi thế các tiểu vùng để phát triển bền vững. Tối ưu việc sử dụng tài nguyên trong từng giai đoạn thực hiện quy hoạch để đảm bảo phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và đầu tư của các bên liên quan…

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, dù đất sản xuất bị thu hẹp do tiến trình phát triển đô thị, giao thông và công nghiệp nhưng ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển. Trong định hướng quy hoạch, Cần Thơ vẫn còn có các khu vực để hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn như vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, vùng trái cây và nuôi thủy sản. Đồng thời, có quy hoạch xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 2 khu chăn nuôi tập trung.

Để triển khai thực hiện tốt Quy hoạch, ông Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu Sở NN&PTNT cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền quy hoạch để người dân, doanh nghiệp nắm được quy hoạch cụ thể ngành Nông nghiệp, xác định được nơi nào là vùng canh tác lúa chuyên canh, vùng được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nơi nào được phép chăn nuôi tập trung… Đồng thời, phối hợp với các sở ngành liên quan tập trung nghiên cứu, tham mưu kịp thời UBND thành phố triển khai đầy đủ các chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất, huy động các nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức thực hiện quy hoạch hiệu quả. Khẩn trương tham mưu UBND thành phố xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để các nhà đầu tư kịp thời triển khai các dự án trên địa bàn…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết