18/11/2024 - 10:54

Răn đe nghiêm khắc hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức hụi 

Thời gian qua, trên cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng đã xảy ra các vụ vỡ hụi, hoặc bị chủ hụi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều này gây thiệt hại lớn cho người tham gia hụi và gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, quy định mức phạt cao nhất đối với loại tội danh này là tù chung thân, nhằm răn đe những hành vi lừa đảo...

Đối tượng Tuyết tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ. Ảnh: Công an TP Cần Thơ

Tháng 10-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ tiến hành điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, dưới hình thức tổ chức chơi hụi, do bà Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1967, ngụ phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) làm chủ. Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, bà Tuyết tổ chức chơi hụi từ năm 2010 tại khu vực Bình Thuận, phường Trường Lạc. Đến năm 2020, do không có khả năng chi trả tiền cho hụi viên, trả nợ vay và chi tiêu cá nhân, bà Tuyết nảy sinh việc chiếm đoạt tiền của hụi viên bằng cách mở thêm nhiều dây hụi mới và kêu gọi nhiều hụi viên tham gia, mua hụi. Ngoài ra, bà Tuyết còn mạo danh hụi viên hốt nhiều dây hụi với tổng số tiền trên 1,4 tỉ đồng; mạo danh hụi viên bán hụi khống với tổng số tiền trên 1,5 tỉ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra, làm rõ.

Trước đó, ngày 9-5-2024, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Tạ Thị Dân (sinh năm 1959, thường trú tại khu phố 1, phường Uyên Hưng, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, Tạ Thị Dân đã tự kê khống tên của các hụi viên không tham gia các dây hụi (gọi là hụi ma) vào danh sách, để thu lợi bất chính khi đến kỳ mở hụi. Bằng thủ đoạn này, Tạ Thị Dân đã chiếm đoạt của các bị hại 13 tỉ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án.

Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 2-7 năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 7-15 năm: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân: chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đủ các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Khi đó, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải chịu hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

HOÀNG YẾN (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết