Xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ từ lâu nổi tiếng với nghề làm cốm nổ, mang hương vị mộc mạc, bình dị. Gia đình cô Âu Thị Thu Hồng, chủ lò cốm Minh Tứ ở ấp Thạnh Lợi, là một trong những hộ đã gắn bó với nghề làm cốm nổ hơn 30 năm qua. Không chỉ lưu giữ nếp quê qua món bánh dân dã, nghề làm cốm mang đến cho gia đình cô Hồng nguồn thu nhập ổn định.
Cô Âu Thị Thu Hồng mong muốn nghề làm cốm nổ truyền thống được gìn giữ, phát triển.
Ghé tham quan lò cốm Minh Tứ, từ ngoài ngõ chúng tôi đã cảm nhận mùi hương cốm mới nồng nàn. Trong gian nhà nhỏ, các nhân công tất bật làm cốm, người trộn đường, người ép vô khuôn, người đóng gói... nhộn nhịp, đông vui. Cô Hồng chia sẻ: “Gia đình tôi đã gắn bó với nghề làm cốm nổ hơn 30 năm qua. Cơ sở sản xuất có 7 lao động đều là các thành viên trong gia đình. Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều người dân ở xóm làm nghề cốm theo cách thủ công. Giờ đây, nhờ sự trợ giúp của máy móc cho một số công đoạn, nên năng suất làm cốm cao hơn”.
Theo cô Hồng, mỗi mẻ cốm chỉ cần 2kg gạo, nửa ký dừa nạo sẵn, đường thốt nốt chảy và đậu phộng, gừng... Nguyên liệu làm cốm dễ tìm nhưng đòi hỏi sự chăm chút và khéo léo của người thợ. Cô Hồng kể: “Ðể tạo ra được những chiếc bánh cốm thơm ngon, tôi luôn tỉ mỉ từ việc chọn nguyên liệu cho đến từng công đoạn chế biến. Gạo ngon, dẻo được cho vào ống nổ; kế đến là mang cốm nổ đi ngào đường. Công đoạn ngào đường quyết định yếu tố thơm ngon của cốm. Tôi luôn canh lửa cẩn thận, đường vừa tới để cốm đạt độ vừa giòn vừa dẻ. Sau đó, cốm được đem đổ ra khuôn, nén lại thật chặt rồi dùng dao cắt cốm thành thẻ. Công đoạn cuối cùng là đóng gói để cốm giữ được độ giòn”.
Cô Hồng kể, nghề làm cốm nổ chủ yếu lấy công làm lời. Để kịp bán cho mối lái, mỗi ngày, cô thức dậy từ 4 giờ sáng để nạo dừa, nổ cốm... Công việc kéo dài đến tận giữa trưa mới hoàn tất. Hiện nay, lò cốm của cô Hồng sản xuất nhiều sản phẩm, như cốm bắp, con nui nổ, cốm gạo... Cốm không có chất bảo quản, hương vị thơm ngon tự nhiên nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Cô Hồng kể: “Nghề làm cốm xôm tụ quanh năm nhưng tất bật nhất là vào khoảng tháng 8 và tháng 9 khi bà con đi làm đồng, mua cốm ăn lót dạ. Ngoài ra, vào những dịp lễ, Tết, cốm cũng là món ăn làm quà cho bà con xa xứ”. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, lò gốm của cô Hồng sản xuất khoảng 500 mẻ cốm, thu lời hơn 15 triệu đồng.
Trong nhịp sống đô thị hóa, ngày càng có nhiều loại bánh hiện đại đáp ứng thị hiếu của khách hàng, nhưng cô Hồng vẫn làm cốm nổ bằng niềm tự hào. Ai đến học nghề đều được cô tận tình dạy miễn phí. Ngót hơn 30 năm “đỏ lửa” theo nghề truyền thống, cô Hồng chia sẻ nghề đã giúp gia đình cô ổn định đời sống, “ăn nên, làm ra và trên hết là thỏa niềm mong mỏi được gìn giữ hương vị tinh túy sản vật quê hương.
Theo chị Võ Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Thạnh, mô hình làm cốm của cô Âu Thị Thu Hồng rất hiệu quả, cho thu nhập ổn định và tạo việc làm thường xuyên cho phụ nữ địa phương. Thời gian qua, chính quyền địa phương và Hội LHPN xã quan tâm hỗ trợ cô Hồng trong hoạt động sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm, đưa mô hình nghề truyền thống ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: KIẾN QUỐC