Ngoài vị trí địa chiến lược và các nguồn tài nguyên dồi dào, khu vực Trung Á cũng trở thành mối quan tâm đáng kể đối với các cường quốc nhờ nguồn nhân lực trẻ và thị trường tiêu dùng tiềm năng.
Khu vực có lợi ích “sống còn” của Trung Quốc
Ước tính, dân số từ 20-64 tuổi ở 5 nước cộng hòa Trung Á, gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Turkmenistan và Tajikistan, cộng với số người trong độ tuổi lao động ở Azerbaijan và Afghanistan sẽ là 280 triệu người, “lấn át” tổng dân số của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Trong khi đó, dân số trong độ tuổi lao động tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iran được dự đoán sẽ giảm từ 30%-40% trong thế kỷ 21 do tỷ lệ sinh tại các nước này giảm mạnh. Sự thay đổi về nhân khẩu học đó có ý nghĩa chiến lược sâu sắc đối với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách củng cố vị thế tại khu vực có tầm quan trọng chiến lược này.
Tổng thống Mỹ Biden gặp các nhà lãnh đạo 5 nước Trung Á tại Hội nghị thượng đỉnh C5+1 ở New York. Ảnh: White House
Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Trung Á dường như trở nên quan trọng hơn đối với Bắc Kinh, giữa lúc quốc gia Đông Á này tìm kiếm các tuyến đường vận tải và hậu cần thay thế không đi qua Nga. Đó là lý do vì sao các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc đang thúc đẩy việc xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan. Thủ tướng Kyrgyzstan Akylbek Japarov trong một tuyên bố mới đây cho biết, tuyến đường sẽ được bắt đầu xây dựng trong tháng 11 và sẽ hoàn thành trong vòng 4-5 năm. Để thực hiện dự án trị giá lên tới 8 tỉ USD này, Bắc Kinh, Bishkek và Tashkent đã nhất trí thành lập một công ty liên doanh, trong đó phía Trung Quốc sở hữu 51% cổ phần, Kyrgyzstan và Uzbekistan mỗi bên sở hữu 24,5%. Theo ông Japarov, tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, gồm tăng cường giao thương giữa khu vực với châu Âu và Trung Đông.
Thật ra, phát triển mạng lưới giao thông tại khu vực chỉ là một phần trong chiến lược Trung Á của Trung Quốc. Bắc Kinh coi Trung Á là khu vực có lợi ích “sống còn”, bởi nơi đây sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong cho hay, China Power International Holding đã xây dựng trang trại điện gió ở Kazakhstan, gồm 40 tua-bin gió, mỗi tua-bin có công suất 2,5 megawatt. Bắc Kinh còn đạt được thỏa thuận với Uzbekistan để xây dựng các cơ sở năng lượng tái tạo với tiềm năng đầu tư lên tới 6 tỉ USD. Cũng có báo cáo cho rằng Trung Quốc đến năm 2026 có kế hoạch mở một khu công nghiệp mới tại Uzbekistan với 20 công ty chuyên về thiết bị điện, dệt may, vật liệu xây dựng và dược phẩm.
Phương Tây tăng tốc “hướng tới Trung Á”
Không chỉ Trung Quốc, các cường quốc khác cũng quan tâm và tăng cường quan hệ chặt chẽ với Trung Á. Tạp chí Modern Diplomacy nhận định, trữ lượng dầu khí dồi dào của Trung Á khiến cho việc hợp tác với khu vực đồng nghĩa với các nước phương Tây có thêm một lựa chọn quan trọng giúp bảo đảm an ninh năng lượng. Khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và trữ lượng khoáng sản này cũng đem lại những cơ hội hấp dẫn cho các nền kinh tế phương Tây trong việc mở rộng chuỗi cung ứng.
Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp các nhà lãnh đạo Trung Á tham dự Hội nghị thượng đỉnh C5+1 (5 nước Trung Á và Mỹ) tại New York - một sự kiện lịch sử đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Mỹ tham dự hội nghị C5+1. Tại hội nghị, Washington và các đối tác thảo luận hàng loạt chủ đề như an ninh khu vực, hợp tác kinh tế và phát triển bền vững, qua đó nhấn mạnh sự quan tâm và đóng góp ngày càng lớn của Mỹ trong khu vực. Cuối năm 2023, chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Kazakhstan đã mang lại những thỏa thuận đáng kể giúp Paris mua được các khoáng sản và kim loại quan trọng phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) tăng tốc chiến lược “hướng tới Trung Á” với 2 hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á được tổ chức liên tiếp trong chưa đầy một năm... Mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi tháng 9 đã trở thành nhà lãnh đạo Đức đầu tiên sau nhiều thập niên đến thăm Uzbekistan và Kazakhstan.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)