11/07/2025 - 21:42

Anh, Pháp phối hợp răn đe hạt nhân 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer hôm 10-7 nhất trí rằng 2 nước sẽ phối hợp triển khai vũ khí hạt nhân nếu các đồng minh ở châu Âu bị đe dọa nghiêm trọng. Thỏa thuận mang tính “lịch sử” này diễn ra trong bối cảnh 2 cường quốc châu Âu đang tìm cách ứng phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với lục địa già cũng như giữa lúc các cam kết của Mỹ đối với an ninh châu Âu ẩn chứa “bất ổn”.


Tổng thống Pháp Macron (trái) và Thủ tướng Anh Starmer tại cuộc họp báo chung hôm 10-7. Ảnh: NYT

 

Thỏa thuận được đưa ra sau khi Tổng thống Macron kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày tới Anh, nơi 2 đồng minh tìm cách “bước sang trang mới” sau nhiều năm London rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Theo thỏa thuận, 2 bên sẽ giữ quyền kiểm soát kho vũ khí của mình và sẽ phối hợp về chính sách, thống nhất chặt chẽ hơn về các học thuyết hạt nhân.

Theo tờ Telegraph, thỏa thuận mở ra khả năng 2 nước sẽ phối hợp triển khai tàu ngầm hạt nhân và chiến đấu cơ mang vũ khí hạt nhân trong trường hợp châu Âu gặp khủng hoảng an ninh. “Sáng nay, chúng tôi đã ký Tuyên bố Northward, lần đầu tiên khẳng định rằng 2 nước đang phối hợp trong năng lực răn đe hạt nhân. Kể từ hôm nay, các đối thủ của chúng ta sẽ hiểu rằng bất kỳ mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với châu Âu cũng đều sẽ nhận được phản ứng từ cả 2 nước chúng tôi. Không có minh chứng nào rõ hơn về tầm quan trọng của mối quan hệ này” - Thủ tướng Starmer nhấn mạnh tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Macron.

Về phần mình, Tổng thống Macron cho biết 2 nước đã thành lập một ủy ban giám sát để điều phối hợp tác hạt nhân, đồng thời tuyên bố “không có 2 quốc gia nào khác có sự gần gũi về học thuyết hạt nhân” như Pháp và Anh. “Khi đưa ra quyết định này, chúng tôi không loại trừ việc phối hợp các biện pháp răn đe tương ứng. Ðó là thông điệp mà các đối tác cũng như các đối thủ của chúng ta phải lắng nghe” - ông Macron nhấn mạnh, qua đó cho rằng thỏa thuận hạt nhân này không liên quan gì đến nỗ lực nhằm tạo ra một liên minh sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong trường hợp ngừng bắn với Nga.

Theo Viện chính sách Chatham House, Anh có khoảng 225 đầu đạn hạt nhân trong khi Pháp sở hữu 290 đầu đạn. Hàng năm, Pháp chi khoảng 5,6 tỉ euro để duy trì kho vũ khí hạt nhân. Pháp không chỉ sở hữu năng lực triển khai vũ khí hạt nhân từ trên không bằng chiến đấu cơ mà còn trên biển bằng tàu ngầm, trong khi Anh chỉ có các tàu ngầm mang tên lửa Trident. Anh tự mô tả chương trình hạt nhân của nước này “độc lập về mặt hoạt động” nhưng lại lấy công nghệ tên lửa từ Mỹ. Gần đây, London còn công bố kế hoạch mua tiêm kích tàng hình F-35A của Mỹ để sử dụng cho nhiệm vụ tấn công hạt nhân.

Việc Anh và Pháp tăng cường phối hợp về hạt nhân diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại Mỹ giảm bớt hiện diện quân sự tại châu Âu, trong khi Ðức kêu gọi Pháp làm rõ hơn cam kết bảo vệ đồng minh châu Âu. Lâu nay, Mỹ đảm bảo sự an toàn của châu Âu với khoảng 100 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, phần lớn trong số này được đặt tại căn cứ Mỹ ở Ðức, đồng thời triển khai hàng chục ngàn binh sĩ tại các căn cứ trên khắp châu Âu.

Ngoài thỏa thuận hạt nhân, Anh và Pháp cũng đạt được thỏa thuận về chương trình thí điểm “mang tính đột phá” nhằm hồi hương những người di cư vượt Eo biển Manche đến Anh bằng thuyền nhỏ.

Thủ tướng Starmer cho biết những người di cư đến Anh bằng thuyền nhỏ sẽ bị tạm giữ và nhanh chóng được đưa trở lại Pháp. Ðổi lại, đối với mỗi trường hợp phải quay về, một người khác sẽ được phép đến Anh một cách an toàn. Theo nhà lãnh đạo xứ sở sương mù, trong vài tuần tới, những người đến Anh sẽ phải trải qua “các bước kiểm tra an ninh nghiêm ngặt”, chỉ những cá nhân “chưa từng tìm cách nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh” mới đủ điều kiện.

Liên quan đến lĩnh vực hợp tác quốc phòng, Anh và Pháp thông báo sẽ nâng quy mô Lực lượng viễn chinh hỗn hợp, được thành lập hơn một thập niên trước, từ 10.000 lên 50.000 binh sĩ.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết