Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Cần Thơ tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố đang tích cực thực hiện các giải pháp trong 3 tháng cuối năm 2024, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP năm 2024 theo kế hoạch đề ra…
Thành phố tăng cường các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa. Trong ảnh: Hoạt động tại Co.opmart Cần Thơ.
Duy trì đà phát triển
Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, tính chung 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,73%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,08%; khu vực dịch vụ tăng 7,02% và thuế sản phẩm tăng 1,8%. Với kết quả này, TP Cần Thơ xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố; 4/5 thành phố trực thuộc Trung ương và 9/13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Về cơ cấu GRDP của thành phố 9 tháng năm 2024, khu vực I: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9,7%; khu vực II: công nghiệp và xây dựng chiếm 30,5%; khu vực III: dịch vụ chiếm 53,45%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,35%.
Trong 9 tháng qua, mặc dù phần nào chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết và thị trường tiêu thụ, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp của thành phố tăng trưởng khá ổn định. Diện tích cây ăn trái ngày càng được mở rộng, hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gắn kết tiêu thụ, tăng lợi thế cạnh tranh. Sản lượng chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ cho xuất khẩu. Giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 2,73%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế.
Ðối với khu vực công nghiệp và xây dựng, giá trị tăng thêm của 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 7,08%, đóng góp 2,21 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế. Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp tăng 6,57% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực, có mức độ tăng giá trị tăng thêm 9 tháng năm 2024 tăng 6,34% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó giá trị tăng thêm ngành sản xuất chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng cao, có tốc độ tăng 4,29%, do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục trên đà khởi sắc. Những tháng đầu năm, thời tiết khá thuận lợi cho hoạt động xây dựng, nhiều công trình nâng cấp các tuyến đường giao thông, xây dựng nhà máy, trụ sở làm việc, khách sạn, sửa chữa trường học đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng ước 9 tháng đầu năm 2024 tăng 9,32% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị tăng thêm công trình kỹ thuật dân dụng tăng hơn 2 lần so cùng kỳ năm 2023…
Hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch, cùng với các điểm hoạt động du lịch được chú trọng đầu tư không gian và mô hình mới đã thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế đến TP Cần Thơ tham quan. Hệ thống giao thông tiếp tục được mở rộng, đã giúp các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ và vận tải duy trì tăng trưởng ổn định, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ ước 9 tháng năm 2024 tăng 7,02%, đóng góp 3,65 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế. Một số ngành chiếm tỷ trọng cao trong khu vực dịch vụ đều tăng so cùng kỳ năm 2023 như bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 10,43%; vận tải kho bãi tăng 6,68%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,35%…
Nỗ lực đạt mục tiêu
Năm 2024, TP Cần Thơ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7,5-8%. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,5-3%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9-9,5%; dịch vụ tăng 7,8-8,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6-6,5%. Về cơ cấu kinh tế, đến năm 2024, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,93-8,87%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,57-31,59%, dịch vụ chiếm 53,13-53,14% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,37-6,4%. Do vậy, trong những tháng cuối năm, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, cho biết: Huyện tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình VietGAP và sản phẩm OCOP. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của huyện. Cùng đó, đẩy mạnh thực hiện công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường; quan tâm thực hiện công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho các công trình dự án trên địa bàn…
Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, ngành Công Thương thành phố tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả hàng hóa những tháng cuối năm, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm người dân. Cùng đó, tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực địa phương; triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Sở theo dõi thường xuyên, tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh…
Trên cơ sở phân tích GRDP 9 tháng qua, Cục Thống kê TP Cần Thơ đề xuất 3 tháng cuối năm 2024, các ngành, các cấp của thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa nguồn lực vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Cùng đó, tập trung đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Cạnh đó, tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giảm thuế, phí đất đai, xúc tiến thương mại…
Bài, ảnh: LẠC MẪN