Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Ông Trần Thanh Bình cho biết:
- Đội ngũ cán bộ, thầy cô của thành phố luôn nêu cao đạo đức nghề giáo, có bản lĩnh chính trị vững vàng; được đào tạo, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nắm vững nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy theo bậc học; có uy tín trong tập thể, với học sinh và phụ huynh, địa phương và cộng đồng xã hội. Nhiều nhà giáo là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo.
►Theo ông, trong thời đại công nghệ hiện nay, vai trò của người thầy được khẳng định ra sao?
- Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những thay đổi lớn đối với xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh đã có sự thay đổi, từ mối quan hệ truyền thụ một chiều sang mối quan hệ tương tác đa chiều. Vai trò, vị trí của người thầy đã có sự thay đổi. Trước đây, người thầy đóng vai trò quyết định trong việc truyền thụ kiến thức. Thế nhưng, ngày nay người thầy đóng vai trò là người định hướng, dẫn dắt học sinh trên con đường tiếp cận tri thức.
Ðể đáp ứng được những thay đổi trong thời đại công nghệ hiện nay, trước hết người thầy cần nhận thức việc đổi mới phương pháp, cách thức dạy học là một tất yếu khách quan. Trong giảng dạy, giáo viên cần vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những kỹ năng, phương pháp dạy học tích cực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy. Ngoài ra, người thầy cũng không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phải là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức và tinh thần tự học để học sinh noi theo vì ngoài “dạy chữ”, người thầy còn “dạy người”. Ðể xứng đáng với nghề giáo, người thầy phải thật sự mẫu mực trong cả hai khía cạnh trên.
► Thời gian qua, ngành đã có những giải pháp nào để xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ÐT, thưa ông?
- Vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo trong đổi mới GD&ÐT đã được Ðảng, Nhà nước nhấn mạnh trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 44/NQ-CP. Những năm qua, ngành Giáo dục thành phố chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
❝ Năm học 2024-2025, toàn ngành Giáo dục TP Cần Thơ có 16.185 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. So với năm học vừa qua, tỷ lệ giáo viên công lập các cấp học đạt chuẩn theo quy định đều tăng. Cụ thể, mầm non 98,62%, tăng 4,9% (trong đó trên chuẩn 88,88%, tăng 8,31%); tiểu học 93,7%, tăng 7,32% (trong đó trên chuẩn 0,57%, tăng 0,2%); THCS 95,52%, tăng 2,57% (trong đó trên chuẩn 3,26%, tăng 0,69%); THPT 100% (trong đó trên chuẩn 29,71%, tăng 1,13%).
|
Giải pháp được thực hiện trước tiên là tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước, chính quyền địa phương đối với công tác phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng lẫn chất lượng. Các cấp ủy Ðảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở nhìn nhận đúng về ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, từ đó tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển đội ngũ nhà giáo trên địa bàn thành phố; xem đây là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng đội ngũ nhà giáo thành phố đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, mạnh về chất lượng, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần tích cực vào nhiệm vụ đổi mới GD&ÐT và sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.
Bên cạnh đó, ngành đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ nhà giáo. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với vị trí việc làm, chú trọng bồi dưỡng về chuyên môn, phương pháp giảng dạy; gắn bồi dưỡng với sử dụng nhà giáo. Ngành thực hiện tốt chế độ chính sách đối với nhà giáo, tăng cường các điều kiện hỗ trợ đội ngũ nhà giáo thực hiện nhiệm vụ. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo gắn liền với việc kết hợp vận dụng các chế độ, chính sách ngày càng hợp lý hơn nhằm động viên, khuyến khích nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác. Ðồng thời, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh; tạo mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất giữa các cấp lãnh đạo Ðảng, chính quyền, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và nhà trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà giáo thực hiện tốt nhiệm vụ.
► Ông có những trăn trở gì trong công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu mới, nhất là khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thưa ông?
- Khoa học công nghệ phát triển nhanh, nhiều thành tựu mới có thể ứng dụng để nâng cao chất lượng dạy học, đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng để cập nhật những kiến thức mới, nếu không sẽ tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hiện nay người thầy không chỉ sử dụng giấy, bút, bảng, phấn để truyền tải nội dung bài học, mà còn có rất nhiều công nghệ thông minh được ứng dụng để hỗ trợ việc giảng dạy, giúp người thầy phát huy tối đa các khả năng; đa dạng cách truyền tải nội dung bài học, đồng thời giúp người học có một môi trường học tập thoải mái, sáng tạo hơn. Người thầy bên cạnh việc dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh, chấm bài, tham gia các cuộc thi, hội thi... cần phải thường xuyên học tập, nghiên cứu để nắm vững các công nghệ đó.
Học sinh cũng phải thay đổi cách thức học tập, chủ động thích nghi với những thay đổi của công nghệ; bên cạnh phải có sự tham gia đồng hành, ủng hộ của cha mẹ học sinh, xã hội. Ðội ngũ nhà giáo cũng cần phải trang bị kỹ năng tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, thích nghi của học sinh và sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.
► Ðể phát triển mạnh đội ngũ nhà giáo, cần có những sự hỗ trợ nào, thưa ông?
- Ngành kiến nghị Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện quy định về vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, đảm bảo các trường có đầy đủ các vị trí việc làm để thực hiện các nhiệm vụ. Ðủ vị trí việc làm từ lãnh đạo, quản lý; đến giáo viên, giáo vụ, tư vấn học sinh, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện, y tế học đường, bảo vệ, phục vụ, nấu ăn, quản trị công sở; giáo viên làm công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ và làm việc tại các Trung tâm học tập cộng đồng, công nghệ thông tin. Hiện tại, có nhiều vị trí không được giao biên chế, phải hợp đồng, lương trả hợp đồng không có hoặc có thì rất thấp, các trường không tuyển được.
Thành phố cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá như chế độ hỗ trợ học sinh xuất sắc đang học ngành sư phạm; hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc vào các trường phổ thông; chế độ khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ cũng như khuyến khích giáo viên có thành tựu cống hiến trong ngành.
Một tiết dạy và học của cô trò Trường Tiểu học Định Môn 2. Ảnh: B.NG
► Ngành sẽ tập trung những nội dung nào trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, thưa ông?
- Ngành tiếp tục phối hợp Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan tham mưu UBND thành phố xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông công lập. Qua đó, bố trí đúng vị trí việc làm phù hợp, từng bước góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; động viên, khuyến khích giáo viên học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện khuyến khích chế độ, chính sách tiền lương tương xứng với trình độ, năng lực, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các giáo viên. Cụ thể, Sở GD&ÐT phối hợp Sở Nội vụ xây dựng Ðề án xét thăng hạng; thống kê số lượng, cơ cấu các chức danh nghề nghiệp viên chức hiện có, đề nghị số lượng, chỉ tiêu thăng hạng và tổ chức xét thăng hạng cho viên chức.
Sở tiếp tục tham mưu UBND thành phố tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Cụ thể, thực hiện đào tạo nâng chuẩn trình độ theo lộ trình; bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, phổ thông theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp; bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ… Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, như chế độ làm việc của giáo viên; bổ nhiệm, xếp lương theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Hiện nay, có 10.882 giáo viên các cấp học được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo quy định. Thực hiện các quy định về lương, phụ cấp theo lương, chính sách ưu đãi. Ðồng thời, khuyến khích giáo viên thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tự nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo trong dạy học và giáo dục, thường xuyên cập nhật những thông tin mới phục vụ việc dạy học và giáo dục; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
► Xin cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)