Nhóm họp tại trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở thủ đô Brussels (Bỉ), các nhà ngoại giao hàng đầu từ 27 nước thành viên đã cảnh báo Trung Quốc về “hậu quả” nếu bị phát hiện sản xuất máy bay không người lái (UAV) vũ trang cho Nga.
Tổng thống Nga Putin thăm một cơ sở sản xuất UAV ở Saint Petersburg. Ảnh: Reuters
Trao đổi tại cuộc họp, các quan chức EU lo ngại về “bằng chứng” từ các nguồn tin tình báo, trong đó cho thấy Nga lập cơ sở lắp ráp UAV cấp độ quân sự tại Tân Cương, Trung Quốc để lách lệnh trừng phạt của phương Tây. Trước nay, Brussels xác định cung cấp vũ khí trực tiếp là “lằn ranh đỏ” trong quan hệ với Bắc Kinh. Vì vậy, khi EU vẫn đang điều tra phạm vi chương trình vũ khí của Nga và mức độ tham gia của Trung Quốc, Ngoại trưởng các nước tại cuộc họp đã thảo luận về hậu quả tiềm tàng mà cường quốc châu Á đối mặt nếu những thông tin “thuyết phục, đáng tin và mang tính kết luận” như trên được chứng thực.
Cuộc họp diễn ra vài ngày sau khi Thủ tướng Ðức Olaf Scholz có cuộc điện đàm gây tranh cãi với Tổng thống Nga Vladimir Putin; và đợt tấn công quy mô lớn khác bằng tên lửa cùng UAV của Mát-xcơ-va vào lưới điện của Ukraine. Các quan chức cũng gặp nhau giữa thời điểm hàng ngàn quân CHDCND Triều Tiên đổ về các địa điểm gần biên giới Ukraine.
Trong một phát biểu, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen nhấn mạnh sự can thiệp của Bình Nhưỡng là hành động “leo thang nghiêm trọng nhất” trong cuộc chiến ở Ðông Âu. Bà cũng cảnh báo Trung Quốc không thể trông chờ mối quan hệ giao thương bình thường với châu Âu khi viện trợ quân sự cho Mát-xcơ-va. Chia sẻ quan điểm này, người đồng cấp Ý Antonio Tajani cũng cảnh báo Trung Quốc rằng gửi UAV vũ trang tới Nga sẽ là “sai lầm lớn”.
Phát biểu khi trên đường đến Brussels, Ngoại trưởng Ðức Annalena Baerbock cho biết EU nhiều lần làm rõ với những bên ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga về mối liên hệ giữa cuộc chiến ở Ukraine và lợi ích an ninh cốt lõi khu vực. Ðó là lý do khối sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran vì vai trò “hỗ trợ Nga” trong cuộc xung đột với Ukraine, và tiếp theo có thể là Trung Quốc nếu tin tình báo được xác thực. “Ðây là vấn đề mà Bắc Kinh cần nhận thức rõ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh châu Âu” - Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp nói thêm. Trước đó, ông Veldkamp đã cảnh báo quan hệ Trung - Nga đang “ảnh hưởng trực tiếp” đến an ninh châu Âu; đồng thời nhắc lại việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) năm ngoái liệt kê Bắc Kinh là “bên hỗ trợ quyết định” cho hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.
Cân nhắc của EU
EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 15 được thiết kế nhằm cản trở nỗ lực quân sự của Nga kể từ khi xung đột bắt đầu năm 2022. Trong khuôn khổ này, một số công ty đăng ký tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong bị đưa vào “danh sách đen” vì vận chuyển hàng hóa bị cấm do EU sản xuất cho quân đội Nga.
Riêng tin tức về sự tham gia trực tiếp của Bắc Kinh, giới quan sát cho biết EU khó sớm đưa ra hành động cụ thể. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về mọi vấn đề liên quan viện trợ nước ngoài cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang diễn ra và biện pháp trừng phạt là một trong những công cụ trên bàn đàm phán. “Ðiều quan trọng là phải gửi thông điệp tới Trung Quốc để phản đối tình hình leo thang” - Ngoại trưởng Ý Tajani cho biết. Trong khi đó, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis kêu gọi châu Âu noi gương Mỹ trừng phạt những bên hợp tác sản xuất UAV quân sự với Nga. Ðáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận báo cáo từ EU khi chỉ ra “sự kiểm soát chặt chẽ” của Bắc Kinh trong lĩnh vực xuất khẩu UAV quân sự. “Trung Quốc chưa bao giờ cung cấp vũ khí sát thương cho bên nào liên quan... Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ không đưa ra những giả định liên quan Trung Quốc mà không cung cấp bằng chứng dựa trên sự thật” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khẳng định.l
MAI QUYÊN (Theo SCMP, France24)