Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.
Ðối với nhiều người, ngôi nhà là nơi gắn liền với bao kỷ niệm, tình cảm yêu thương trong gia đình... Về nhà là về với sự yên ấm, sẻ chia (ảnh mang tính minh họa).
“Về nhà đi con!”, câu nói của mẹ đã theo chị Hồng (ở quận Cái Răng) suốt quãng thời gian khó nhọc, là động lực để chị mạnh mẽ đứng lên, từ một phụ nữ đơn thân, tay trắng, nỗ lực giữ được vị trị quan trọng tại công ty. Thời điểm chấm dứt cuộc hôn nhân đầy nước mắt, ngôi nhà của mẹ cha là nơi chữa lành vết thương lòng cho chị Hồng và đứa con gái bé bỏng. Vợ chồng chị gái ở chung cũng chung sức đỡ đần, hỗ trợ nuôi cháu. Chị Hồng từng bước lấy lại cân bằng, vừa học vừa làm, tích lũy cho tương lai. Những khi mỏi gối chồn chân thì lời động viên, chăm sóc lúc ốm đau, viên thuốc, bữa cơm nóng sốt của tình thân… giúp chị thấy vất vả vơi đi. Hiện tại, có điều kiện ra riêng, nhưng chị Hồng chọn ở lại để phụng dưỡng mẹ cha. Chị Hồng và vợ chồng chị gái dành dụm sửa lại nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi, làm một phòng riêng để thờ cúng ông bà và lưu trữ sách, hình ảnh dòng tộc như ý nguyện của song thân. Chị Hồng chia sẻ: “Trong gia đình tôi, mọi người hay trò chuyện, tâm sự nên tình cảm rất gắn bó. Dù thành công hay thất bại, vui hay buồn, mọi người luôn dang rộng vòng tay yêu thương nhau. Đối với tôi, ngôi nhà thật sự là tổ ấm, đi đâu cũng muốn về”.
Hơn 18 năm lập nghiệp tại Cần Thơ, vợ chồng chị Xuân dành dụm và vay thêm tiền mua đất, cất nhà ở quận Ninh Kiều. Tổ ấm với chiếc gác lửng xinh xắn đầy ắp kỷ niệm của các thành viên. Trước đây, chị Xuân đã trải qua không ít biến cố, con gái chị phát bệnh, mổ khối u trong não, chi phí điều trị lớn; chồng thất nghiệp, nợ vay ngân hàng phải trả hằng tháng… Rất nhiều đêm chị mất ngủ vì tìm cách xoay sở. Thời điểm đó, ngôi nhà như một nơi an trú giữa bao bộn bề. Chị Xuân giúp chồng lấy lại tinh thần, tìm việc làm thời vụ, cùng nhau tiết kiệm. Chị Xuân cố gắng tạo không khí gia đình đầm ấm, chăm chút bữa ăn để các thành viên có sức khỏe, chung sức vượt khó. Chị tâm sự: “Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ nên rất cần sự nâng đỡ nhau từ trong chính gia đình của mình. Nhà không cần quá lớn, chỉ cần có đủ yêu thương để mọi người về nhà tìm thấy sự vui vẻ, có năng lượng tích cực sau một ngày lao động vất vả”. Cứ thế, vợ chồng hợp lực giải quyết từng chuyện, khó khăn cũng vơi dần. Năm rồi, về quê, thấy cha mẹ đơn chiếc, chị Xuân bàn bạc với chồng rước lên ở chung. Có ông bà hỗ trợ dạy dỗ, đưa đón, các con chị Xuân ngoan, chăm học… vợ chồng chị an tâm làm việc tốt hơn.
Trên trang Facebook, Zalo cá nhân của chị Như Quỳnh ở quận Ninh Kiều thường lấp lánh hình ảnh chồng con trong tổ ấm yêu thương. Lúc mới cưới, còn ở phòng trọ, đôi vợ chồng trẻ cứ hay mơ về “một ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa”. Qua thời gian tích cóp và được người thân hỗ trợ, anh chị mua được căn nhà “vừa túi tiền” trong hẻm nhỏ ở phường An Phú, cùng chăm chút để ngôi nhà ngày càng đẹp hơn. Căn phòng sinh hoạt chung của gia đình đầy ắp đồ chơi do chồng chị Quỳnh tự làm cho con trai 5 tuổi và con gái hơn 2 tuổi. Chồng chị Quỳnh còn tự chế các dụng cụ làm bếp cho vợ, bày biện nấu ăn, nướng bánh, trang trí nhà cửa… Niềm vui của chồng chị Quỳnh sau giờ làm là về nhà để trò chuyện cùng vợ, chơi đùa với các con, quây quần bên mâm cơm nóng sốt. Chị Quỳnh vẫn thường khoe với bạn “nhà nhỏ - hạnh phúc to”… Chính sự yên ấm trong gia đình là động lực để vợ chồng chị Quỳnh tiếp tục thực hiện kế hoạch xây một căn nhà lớn hơn trong tương lai.
Mười mấy năm qua, chị Thảo ở quận Bình Thủy có 2 chốn đi về. Đó là căn nhà của vợ chồng chị và ngôi nhà của má ruột ở Vĩnh Long. Công việc bận rộn nhưng cứ cách đôi tuần, chị Thảo sắp xếp về quê thăm má, gọi điện các anh chị lập gia đình gần đó về chơi, chuyện trò. Xưa nay, nhà của má chị Thảo như một điểm hẹn mà mỗi khi gặp áp lực, căng thẳng, các con đều tìm về để được tâm sự, lắng nghe, thông cảm. Có khi chị Thảo chạy về chỉ để chưng bông trên bàn thờ ông bà, nấu cho má bữa cơm, nằm trên cái võng sau nhà nghe má dặn dò là lòng cảm thấy thật nhẹ nhàng. Đối với tổ ấm nhỏ của mình, chị Thảo cũng hết lòng chăm chút cho chồng con, mỗi ngày thêm gắn kết tình cảm với những khoảnh khắc sum vầy đầm ấm…
Nhiều người quan niệm không có gì đáng quý hơn cuộc sống an vui trong gia đình. Thật hạnh phúc khi sau những bôn ba bên ngoài, được trở về nhà gặp người thân, thưởng thức bữa cơm ngon, sẻ chia tâm sự. Mỗi người hãy cùng nhau vun vén, xây dựng ngôi nhà là điểm tựa bình yên để khi về nhà là được về với yêu thương, đùm bọc, sưởi ấm đời nhau qua những tháng năm dài…