04/05/2024 - 21:21

Mỹ bị “hất cẳng” khỏi Tây Phi 

Hãng tin Reuters hôm 2-5 dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên cho biết, lực lượng quân sự Nga vừa tiến vào căn cứ không quân ở Niger mà Mỹ sử dụng. Ðộng thái này diễn ra sau khi chính quyền Niger yêu cầu Washington rút quân khỏi nước này.

Người dân Niger tập trung tại thủ đô Niamey yêu cầu lực lượng Mỹ rút lui. Ảnh: Reuters

Theo vị quan chức nói trên, lực lượng Nga sử dụng một khu nhà riêng tại Căn cứ Không quân 101, cạnh sân bay quốc tế Diori Hamani ở thủ đô Niamey, qua đó đưa quân đội Nga và Mỹ áp sát nhau trong bối cảnh cạnh tranh ngoại giao và quân sự giữa Mát-xcơ-va và Washington ngày càng gay gắt.

Sự kiện trên diễn ra chỉ ít lâu sau khi một máy bay của Nga hôm 10-4 đến thủ đô Niamey, chở theo nhiều thiết bị và cố vấn quân sự, gồm cả hệ thống phòng không của Nga, đánh dấu sự khởi đầu của một liên minh mới giữa Ðiện Kremlin và giới lãnh đạo quân sự Niger.

Theo tờ Asia Times, sau sự xuất hiện của các thiết bị và cố vấn quân sự Nga, hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại thủ đô Niamey yêu cầu lực lượng Mỹ rút lui. Kể từ đó, Mỹ tuyên bố rút hơn 1.000 quân nhân ra khỏi Niger. Ðộng thái này được cho sẽ khiến một cơ sở khác là Căn cứ Không quân 201 đóng cửa. Căn cứ máy bay không người lái (UAV) với kinh phí xây dựng lên tới hơn 100 triệu USD này từng được sử dụng trong hoạt động chống lại các nhóm khủng bố ở khu vực Sahel.

Ðược biết, Niger là trung tâm hoạt động của Mỹ ở Tây Phi và Bắc Phi kể từ khi 2 nước ký hiệp ước quân sự vào năm 2012. Trước khi nổ ra cuộc đảo chính hồi năm ngoái, Niamey vẫn là đối tác quan trọng của Washingtion trong chiến dịch chống lại quân nổi dậy cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và khiến hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.

Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Niger với Nga diễn ra chỉ một tháng sau khi các quan chức cấp cao Mỹ đến thăm nước này và bày tỏ sự lo lắng về mối quan hệ tiềm năng giữa Niger với Nga và Iran. Sau chuyến thăm đó, người phát ngôn quân đội Niger Amadou Abdramane chỉ trích “thái độ trịch thượng” của người Mỹ khi muốn ngăn cản Niger quyền được lựa chọn đối tác hợp tác của mình.

Không những vậy, còn có thông tin cho rằng Mỹ sẽ tạm thời rút quân khỏi Chad sau khi người đứng đầu lực lượng không quân Chad cho dừng mọi hoạt động tại một căn cứ UAV gần thủ đô N’Djamena. Theo giới phân tích, việc Mỹ rút quân cũng có thể kéo theo việc Pháp rút quân khỏi Chad trong bối cảnh N’Djamena nghiêng về phía Nga.

Thật ra, không chỉ Niger và Chad “ngã” về Nga, các quốc gia trên khắp khu vực Sahel trong những năm gần đây đã tìm đến Mát-xcơ-va để được hỗ trợ về an ninh trước tình trạng bất ổn ngày càng tăng tại khu vực. Nga hiện có quan hệ gần gũi và các thỏa thuận an ninh với Mali và Burkina Faso, 2 nước do lực lượng đảo chính quân sự kiểm soát, cùng với Libya đang trong cảnh tranh giành giữa 2 phe phái. CH Trung Phi cũng được cho đang thảo luận thỏa thuận cho phép Nga thiết lập căn cứ quân sự.

Hiện tại, Nga đang tăng gấp đôi sự tập trung vào khu vực bằng cách thắt chặt quyền kiểm soát đối với một số nước tại khu vực và tìm kiếm các đối tác mới hơn - chiến lược có thể khiến Mát-xcơ-va đối đầu với các cường quốc khác và khiến các quốc gia ven biển Tây Phi có thể trở thành chiến trường tiếp theo. Tại các nước ven biển Tây Phi, Nga đảm trách việc đảm bảo các hiệp ước quân sự, ngoại giao và kinh tế với lãnh đạo các quốc gia này để đổi lấy quyền tiếp cận chiến lược với Ðại Tây Dương. Song, các nhóm thánh chiến có liên hệ với al Qaeda hay tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trong những năm gần đây cũng đã thâm nhập vào các quốc gia tại khu vực như Benin, Ghana hay Togo.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Nga phải cân bằng nỗ lực gây ảnh hưởng ở châu Phi với mối quan hệ với Trung Quốc, bởi dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc cũng đã nỗ lực tăng cường ảnh hưởng tại lục địa đen. Trong khi Nga sử dụng các biện pháp khuyến khích quân sự và ngoại giao để thu hút và giữ chân các đối tác châu Phi, Trung Quốc dùng các dự án phát triển và cho vay để lôi kéo các nước châu Phi.

Michael Langley, vị tướng chỉ huy của quân đội Mỹ tại châu Phi,  trong phiên điều trần trước Thượng viện hồi tháng 3-2024 cho rằng ảnh hưởng của nước này tại châu Phi “xuống cấp” là do thông tin sai lệch của Nga gây ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, bà Abigail Kabandula, giám đốc Trung tâm châu Phi thuộc Đại học Denver (Mỹ) cho rằng Washington đang mất dần ảnh hưởng tại châu Phi là do Mỹ thất bại trong việc giải quyết vấn đề khủng bố tại khu vực. Bà nhận định Mỹ chủ yếu tập trung hỗ trợ an ninh và thiếu sự quan tâm đến các vấn đề phát triển kinh tế theo nhu cầu của các nước châu Phi.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết